Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: 'Viết để bảo tồn tính Việt trong tác phẩm tiếng Anh'
(Thethaovanhoa.vn) - Tiểu thuyết The Mountains Sing (tạm dịch: Những ngọn núi ngân vang) của Nguyễn Phan Quế Mai vừa được trao giải Nhì ở hạng mục Hư cấu của Giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình năm 2021. Đây không chỉ là bất ngờ của văn đàn, mà còn là vinh dự của một nhà văn Việt Nam chọn sáng tác bằng tiếng Anh.
Tiểu thuyết là câu chuyện về những nỗ lực sống sót của gia đình họ Trần qua những sự kiện lịch sử, từ sự xâm lược của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nạn đói năm 1945, đến thời kỳ chiến tranh và cả những thử thách của thời hậu chiến. Không chỉ sống sót, các thành viên trong gia đình họ Trần phải hàn gắn những đổ vỡ trong quan hệ gia đình, duy trì tình yêu đôi lứa, học cách tha thứ cho chính mình và tha thứ cho người khác.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà thơ - nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai về tiểu thuyết này.
Phản kháng phương Tây, bảo tồn tính Việt
* Chị có thể nói rõ hơn một chút về 4 thế hệ của gia đình họ Trần được xây dựng theo khía cạnh như thế nào không?
- Khi tôi được sinh ra, cả bà nội và bà ngoại của tôi đều đã qua đời. Tôi luôn ghen tị với những người bạn đồng trang lứa vì họ có bà nội, bà ngoại, được nghe bà hát ru, kể chuyện cổ tích, những truyền thuyết và những câu chuyện về dòng họ, tổ tiên của họ. Tôi tự nhủ với mình rằng một ngày nào đó, tôi sẽ viết một quyển sách với nhân vật chính là một người bà, để tôi có bà và bà của tôi được sống mãi.
Khi The Mountains Sing được xuất bản, tôi nâng tiểu thuyết trên tay và bật khóc. Bà ngoại và bà nội tôi qua đời từ lúc cha mẹ tôi còn rất nhỏ và gia đình chúng tôi không có được một tấm ảnh nào của 2 bà. Dù vậy, trong suốt 7 năm tôi viết quyển sách này, 2 bà luôn hiện lên trong tâm trí của tôi, thúc giục tôi kể những câu chuyện về quá khứ, để những bài học của đau thương mất mát không bị quên lãng.
Trong tiểu thuyết, bà Diệu Lan nói với cháu ngoại của mình rằng: “Nếu những câu chuyện của chúng ta sống sót, chúng ta sẽ không chết đi, kể cả khi thân xác của chúng ta không còn ở trên trái đất này”.
* Tại sao lại là họ Trần và “những ngọn núi”?
- Tiểu thuyết này là kết quả công trình nghiên cứu bậc thạc sĩ và tiến sĩ của tôi, trong đó 2 đề tài nghiên cứu bao gồm: Viết để phản kháng lại sự đô hộ của phương Tây trong văn học; viết để bảo tồn tính Việt trong tác phẩm tiếng Anh.
Trong dòng văn học hư cấu viết bằng tiếng Anh, đã có rất nhiều tác phẩm viết về Việt Nam nhưng hầu hết các tác phẩm đó đều đặt người Mỹ làm trung tâm, những người phụ nữ Việt Nam nếu có xuất hiện cũng vào vai thụ động, không có tiếng nói. Tiểu thuyết của tôi phản kháng lại điều này bằng việc đặt người Việt trong nước làm trung tâm, nên người kể chuyện trong quyển sách là 2 người phụ nữ mạnh mẽ và đầy cá tính (bà Diệu Lan và cháu ngoại của bà: Bé Hương).
Là một người làm thơ, tôi chú trọng việc dùng hình ảnh để chuyển tải những thông điệp của tác phẩm. Tên tiểu thuyết Những ngọn núi ngân vang sử dụng một hình ảnh quan trọng ở phần đầu, phần giữa và phần kết của tiểu thuyết - những ngọn núi. Ở phần đầu tiểu thuyết, bà Diệu Lan nói với cháu của mình rằng: “Những thử thách mà người Việt ta đã phải đương đầu trong suốt chiều dài lịch sử cao vời vợi như những ngọn núi cao nhất. Nếu đứng quá gần, cháu sẽ không thể nhìn thấy đỉnh núi. Khi cháu lùi lại, tách mình ra khỏi dòng đời ngược xuôi, cháu sẽ có được cái nhìn toàn cảnh…”.
Ở giữa tiểu thuyết là hành trình vượt núi trèo đèo của nhiều thành viên trong gia đình (bao gồm những người lính đi bộ theo dãy Trường Sơn để vào chiến trường miền Nam), rồi kết thúc tiểu thuyết là hình ảnh của bà Diệu Lan trong tâm trí của Hương, khi Hương tâm niệm rằng: “Tôi đã đứng đủ xa để nhìn thấy đỉnh những ngọn núi, và cũng đủ gần để thấy bà tôi đã trở thành một ngọn núi cao nhất: Một ngọn núi luôn ở đó, vững chãi, chở che cho chúng tôi”.
- Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Gieo 'cánh đồng người' trên đất Mỹ
- Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Viết chuyện 'cổ tích' và những chuyến rong chơi
Khắc họa đất nước có chiều sâu văn hóa
* Chị đưa thi ca, tục ngữ, ẩm thực, truyền thống văn hóa của người Việt vào một tác phẩm có nhiều dấu ấn lịch sử này, ngoài việc giới thiệu bản sắc, thì còn có ý gì về tạo sự tương phản không?
- Sự tương phản luôn là một thủ pháp nghệ thuật trong công việc sáng tác. Nó giúp tạo ra những cao trào cảm xúc cho bạn đọc. Nó cũng giúp khắc họa một Việt Nam không chỉ là mảnh đất đã từng trải qua chiến tranh mà là một đất nước có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa.
Trong tiểu thuyết này, tôi viết về chiến tranh để kêu gọi hòa bình, viết về mất mát và chia ly để nói về giá trị của sự đoàn tụ.
Trong bản gốc tiếng Anh, 2 từ Hòa Bình được viết hoa, bằng tiếng Việt nguyên dấu. Để phản kháng lại cách các nhà xuất bản phương Tây thường bỏ dấu tên người Việt, các từ, cụm từ tiếng Việt trong các tác phẩm tiếng Anh, trong tiểu thuyết của tôi đều dùng nhiều tiếng Việt, để nguyên dấu, có nhiều từ không dịch sang tiếng Anh.
Tôi muốn thử thách bạn đọc phương Tây, để họ từ bỏ các đặc ân của người da trắng, thực sự bước vào nền văn hóa Việt Nam, thể hiện sự trân trọng với văn hóa và ngôn ngữ Việt. Gia đình họ Trần trong tiểu thuyết của tôi có 25 thành viên. Tên của họ được hiện lên với đầy đủ dấu và không hề dễ nhớ đối với người nước ngoài (Diệu Lan, Hương, Công, Tú, Ngọc, Đạt, Sáng, Thuận, Hạnh…). Tôi quyết định viết tác phẩm này không để phục vụ bạn đọc phương Tây, mà để gìn giữ những gì thiêng liêng và tinh túy của Việt Nam, nhất là tinh thần Việt Nam trong tác phẩm.
* Được biết tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh thứ hai của chị là “Dust child” (tạm dịch: Bụi đời) sẽ được NXB Algonquin Books (New York) phát hành. Tiểu thuyết này có giao thoa gì với “The Mountains Sing” không?
- Đây là một tiểu thuyết hoàn toàn khác. Nếu The Mountains Sing đặt bối cảnh chính ở Hà Nội thì Dust Child đặt bối cảnh chính ở Sài Gòn trước và sau năm 1975. Nếu The Mountains Sing đặt người Việt làm trung tâm thì Dust Child đặt câu chuyện của những người con lai Mỹ và gia đình của họ làm trung tâm. Nếu trước đây, các nhà văn Mỹ thường vào vai các nhân vật Việt Nam, thì với Dust Child, tôi mạnh dạn vào vai một cựu binh Mỹ - ông ấy từng là phi công trực thăng trong chiến tranh Việt Nam.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Dịch thuật, xuất bản và giải thưởng Lễ trao giải thưởng Dayton sẽ được diễn ra trang trọng ở thành phố Dayton, Ohio vào ngày 13-14/11/2021, với sự tham gia của các nhà văn đoạt giải năm 2020 và 2021 (bao gồm nhà văn Margaret Atwood, người đã 2 lần đoạt giải Booker). Sau khi xuất bản lần đầu ở Hoa Kỳ vào tháng 3/2020, tiểu thuyết The Mountains Sing đã và đang có mặt ở hàng loạt các thị trường nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Anh, Ireland, Singapore, Australia, New Zealand, Ấn Độ… qua sự in ấn và phát hành của 2 nhà xuất bản Algonquin Books (trụ sở New York) và Oneworld Publications (trụ sở London). Đặc biệt, bạn đọc có thể mua sách điện tử hoặc sách nói. The Mountains Sing đã và đang được dịch, xuất bản bằng nhiều thứ tiếng như Hà Lan, Italy, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Croatia, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Phần Lan, Pháp... The Mountains Sing cũng đã được trao các giải thưởng như: BookBrowse năm 2020 dành cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất; Lannan Literary Award Fellowship năm 2020 vì “đóng góp cho hòa bình và hòa giải”; Blogger's Book Prize năm 2021; Sách quốc tế năm 2021 (ở 2 hạng mục Đa văn hóa và Văn học hư cấu); PEN Oakland/Josephine Miles Literary Award năm 2021. |
Văn Bảy (thực hiện)