Nhà tuyển dụng hỏi ứng viên vì sao nghỉ việc ở công ty cũ, có nên trả lời là do ‘lương thấp’?
Dù ứng viên có muốn trả lời hay không thì đây cũng là một trong những câu hỏi ưa thích của nhiều nhà tuyển dụng.
Nhiều nhà tuyển dụng rất chuộng câu hỏi "Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?" vì cho rằng nó có thể tiết lộ nhiều điều về người được phỏng vấn. Chẳng hạn như bạn đã chủ động nghỉ việc hay bị sa thải, bạn có quan hệ tốt với công ty cũ không, lý do nghỉ việc của bạn có hợp lý không,... Từ đó, nhà tuyển dụng có thể đưa ra nhận xét về ứng viên và quyết định nhận vào làm hay không.
Ngược lại phần đông ứng viên lại chẳng lấy gì làm thích thú với nội dung này, thậm chí còn cảm thấy đây là cơ hội để người tuyển dụng soi mói, bắt bẻ mình. Chính vì vậy mà mới đây, trong nhóm chuyên tâm sự về các vấn đề công sở, các thành viên đã có dịp bàn tán rôm rả về câu hỏi này.
"Tại sao bạn nghỉ việc công ty cũ?"
Theo đó người đăng tải nhờ tư vấn cách trả lời câu hỏi phỏng vấn: "Vì sao bạn nghỉ việc công ty cũ?" sao cho hợp lý. Kết quả, có 2 luồng ý kiến cơ bản cho câu hỏi này là trả lời thành thật và hỏi ngược lại nhà tuyển dụng.
Một nhóm đông đảo đã chọn cách trả lời thật với những lý do như vì lương thấp, phải làm thêm giờ, môi trường không tốt,... thay vì nói hoa mỹ như muốn thay đổi môi trường làm việc hay phát triển bản thân. Bởi lẽ theo những người này, việc thành thật ghi điểm ngay từ lần đầu tiên đồng thời tạo cơ hội mới cho ứng viên.
Ngọc Anh: "Vì lương thấp, 'Hàng ngày em vẫn phải bỏ ra ngần ấy thời gian để làm việc, ngần ấy chất xám để cống hiến thì chị cho em lý do tại sao em không thể chọn một công việc nhiều tiền hơn?'. Trả lời xong còn hỏi lại HR (Human Resources - Quản trị nhân sự) 'Chị có bao giờ nhảy việc vì lương thấp không chị, em đoán là có'".
Hạ My: "Tôi nói thẳng là chỗ làm cũ không học hỏi được gì, tôi phải tự vận dụng các kiến thức đã học ở nhà trường để đứng lớp giảng dạy. Và vì các trường/công ty cũ không có nhiều các buổi học, workshop nâng cao năng lực nên tôi muốn được làm ở nơi mà tôi có thể được học hỏi và phát triển bản thân hơn, như tập đoàn/công ty này. Sau đó thì nói luôn là đã tìm hiểu công ty thế này thế kia, cho người ta thấy mình đã tìm hiểu công ty kỹ ra sao, mình chọn họ giữa nhiều nơi khác chứ không phải rải đơn tùm lum".
Quỳnh: "Mình trả lời thẳng là đãi ngộ công ty cũ kém hơn, lại còn quá thời hạn tăng lương mà không chịu tăng. HR cũng có hỏi vặn lại là 'Nếu bên này cũng không tăng lương thì sao?'. Mình nói luôn bên này lương cơ bản đã cao hơn bên kia có cả tăng ca rồi và HR chỉ cười. Sau đó mình đậu".
Trong khi đó những người chọn cách hỏi ngược lại nhà tuyển dụng lại quan niệm đây là một câu hỏi không hợp lý và hỏi ngược lại để thể hiện điều này. Ngoài ra họ cũng không đặt việc vượt qua vòng phỏng vấn là mục tiêu hàng đầu.
Hoàng Mai: "Tôi đã từng trả lời: 'Tại sao các anh lại muốn tuyển người có kinh nghiệm? Tôi không có vấn đề gì với công ty cũ cả, tôi đi phỏng vấn để xem có cơ hội tốt hơn hay không? Nếu không thì tôi có thêm một mối quan hệ mới'".
Trí Khôi: "Cái này mình không phải khuyên bạn mà mình muốn kể về tình huống của mình. Mình cũng gặp HR hỏi vậy. Mình xác định đã trúng tuyển công ty khác nên buổi phỏng vấn này không quá quan trọng. Mình bắt chước các clip viral trên TikTok trả lời là: 'Vậy quý công ty cho tôi hỏi tại sao vị trí này ở công ty lại bị khuyết? Tại sao người cũ ở công ty lại nghỉ việc để vị trí này bỏ trống?'. HR lặng vài giây rồi lảng qua chuyện khác và mình vẫn đậu vòng 1".
Bí kíp để có câu trả lời tốt nhất trong tình huống này
Có đủ loại lý do để nghỉ việc như bạn muốn tăng lương, môi trường công ty không ổn định, sếp trực tiếp không đưa ra hướng dẫn phù hợp hoặc bạn bị cho thôi việc. Tuy nhiên không phải tất cả những lý do này đều nên được chia sẻ trong buổi phỏng vấn xin việc. Thay vào đó hãy đưa ra câu trả lời theo những nguyên tắc dưới đây:
Trung thực: Hãy tập trung vào lý do thực sự khiến bạn rời đi nhưng không nhất thiết phải nói toàn bộ sự thật. Đồng thời nếu gắn câu trả lời của mình với lý do tại sao bạn ứng tuyển ở đây thì sẽ trở thành điểm cộng trong mắt nhà phỏng vấn. Ví dụ bạn nói rằng mình đã thất vọng vì thiếu cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến trong công ty cũ nên muốn công việc mới sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn.
Nói ngắn gọn và súc tích: Như đã nói, đây là câu hỏi mà nhà tuyển dụng ưa thích vì có thể vặn vẹo, tạo ra "bãi mìn" cho ứng viên. Vì vậy hãy trả lời đơn giản, từ 1 - 2 câu là đủ và cố gắng định hình theo hướng tích cực.
Luyện tập từ ở nhà: Tình huống này rất dễ gặp khi phỏng vấn nên hãy thực hành ở nhà. Điều này giúp bạn cảm thấy thoải mái và tự tin hơn, đặc biệt là khi bạn bị sa thải ở công ty cũ.
- Ngoài 30 tuổi chưa lấy chồng, đi xin việc có phải là điểm trừ?
- 6 câu hỏi quan trọng mà CV xin việc của bạn phải trả lời
- 'Hô biến' kinh nghiệm không liên quan thành liên quan trong CV xin việc
Song song với đó, có những thứ tuyệt đối không nên sử dụng để trả lời cho câu hỏi này. Đó là:
Sự tiêu cực: Không nói xấu về quản lý, đồng nghiệp hoặc công ty cũ. Tất nhiên bạn có thể bày tỏ sự không hài lòng và đó là lý do khiến bạn rời đi. Tuy nhiên hãy nói chung về công ty thay vì tập trung vào một cá nhân hay nhóm người nào đó. Bởi nếu mang tính cá nhân vào câu trả lời, nhà phỏng vấn có thể biết được bạn đang nói xấu ai. Và Trái đất này rất tròn, các công ty trong cùng lĩnh vực cũng sẽ có những mối liên hệ nhất định, bạn không muốn mất mặt chứ?
Nhận xét thiếu chuyên nghiệp: Bạn không cần phải chia sẻ quá kỹ càng về lý do thực sự khiến bạn nghỉ việc trong buổi phỏng vấn. Hãy chắc chắn rằng câu trả lời của bạn là chuyên nghiệp nhé!
Huyền Trang (Tổng hợp)