Nhà thơ Trần Tiến Dũng: Nhịp sống bình dân Sài Gòn giúp bạn trưởng thành
(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn tùy bút Sài Gòn nhịp sống bình dân của nhà thơ Trần Tiến Dũng vừa ra mắt tại Cà phê thứ Bảy (38 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM). Với lối tiếp cận bình dị, theo chủ đề hẹp, Trần Tiến Dũng có thế mạnh trong việc nhìn cái nhỏ để thấy cái lớn. Anh từng gây ấn tượng bằng nhiều sách và bài viết về điều này, ví dụ như Món ngon và gia vị cảm xúc, Không gian gia vị Sài Gòn…
“Người ta thường có tâm lý so sánh đô thị này với đô thị kia, cơ sở để so bì thì nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ sự nhận thức về tính cao thượng của một cộng đồng còn quan trọng hơn. Thời gian sống ở Sài Gòn của tôi đủ dài để hết sức khiêm tốn nói rằng: Sài Gòn trong nhận thức của tôi cao thượng biết bao” - nhà thơ Trần Tiến Dũng bắt đầu cầu chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Thưa anh, cuốn này có là tiếp nối tinh thần, góc nhìn của những cuốn tùy bút trước đây không?
- Những câu chuyện trong tập bút ký này chỉ là một phần nhỏ những gì tôi đã viết và sẽ viết. Và như những cuốn đã in, tôi ý thức được phần hạn hẹp nội dung đề tài cũng như cách làm đậm các cảm thức mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Hãy thông cảm cho tôi nếu bạn thấy những điều thiếu sót. Sài Gòn lớn rộng, uy nghi, lộng lẫy nên đương nhiên nhịp sống tầng lớp người bình dân cũng sẽ là một chủ thể văn hóa hoặc tinh hoa trong đó. Tôi viết các tập bút ký với đôi mắt của một đứa bé thích ngó ngắm và thích ngưỡng mộ Sài Gòn.
* Sài Gòn - TP HCM là thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam, vì sao anh chỉ chọn hướng tiếp cận là “nhịp sống bình dân”?
- Năm 1973, khi đang học đệ ngũ (lớp tám), tôi từ Gò Công lên Sài Gòn, rồi cả đời tôi gắn bó với tầng lớp bình dân nơi đây. Hẳn nhiên Sài Gòn là một đô thị lớn, sẽ không ngừng lớn hơn nữa, nhưng tôi chắc chắn là tầng lớp bình dân cũng vậy, họ vẫn sẽ còn đó. Họ từ thế hệ này qua thế hệ khác vẫn sẽ cùng chung hơi thở nơi các hẻm chật chội hoặc khang trang, từ các chung cư cũ và mới đang góp sức giữ nhịp sống bất tử cho đô thị này.
Với cảm thức chân thật như vậy, tôi tin mình nhận được hạnh phúc từ không gian và thời gian của các nhịp sống bình dân đó.
* Với trải nghiệm của riêng anh, trong các nhịp sống bình dân này, những điều nào mà Sài Gòn thú vị hơn, thậm chí khó tìm thấy ở những nơi khác?
- Tôi nhớ lúc mới rời quê nhà lên Sài Gòn, ở trong một chung cư trên đường Nguyễn Văn Thoại (Lý Thường Kiệt, quận 11 ngày nay), chiều chiều ngồi hành lang trên lầu nhìn xuống đường và khóc. Tuổi thiếu niên tôi khóc không chỉ vì nhớ quê, nhớ người thân mà phần lớn là do không định vị, định hướng được mình, có nghĩa là tôi cảm thấy mình bị lạc mất trong cái đô thị mênh mông này. Thêm nữa, nơi tôi ở là một khu người Hoa, bước ra cửa chỉ nghe toàn tiếng Quảng Đông, chỉ khi mình hỏi tiếng Việt thì người ta mới trả lời bằng tiếng Việt. Sau này, lúc đến New York, tôi gặp lại cảm giác thất lạc này. Lúc ấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói với tôi: “Trong đô thị lớn mình như con kiến, chớp mắt là biến mất”.
Trở lại với trải nghiệm sau phút ban đầu thất lạc ở Sài Gòn, tôi nhanh chóng cảm nhận sâu sắc sự đùm bọc, nâng đỡ của nhịp sống bình dân dành cho mình. Bạn sẽ không cho phép mình thất lạc, mất phương hướng nữa, một khi bạn đã đón nhận tình yêu chân thật từ những người bình dân. Có thể bạn hời hợt để vuột mất kỷ niệm, cũng có thể bạn sâu sắc ghi đậm vào cảm thức, nhưng trên hết, kỳ diệu như một ân sủng, nhịp sống từ giới bình dân Sài Gòn sẽ giúp bạn trưởng thành, trở thành một người Sài Gòn bình dân chánh hiệu. Tôi tự hào và tri ân đô thị này.
* Nhìn một xe mì, một quán bánh, một cung cách phục vụ… có thể cho ta biết về văn hóa, tự tình của cả một thành phố. Với Sài Gòn, anh có nghĩ vậy không?
- Hồi trước năm 1975, ở dưới chung cư có một bà bán xôi người Việt, gần như sáng nào tôi cũng ghé mua trước khi đi học. Bà thường bắt chuyện với tôi. Lúc đó, tôi không hiểu lý do, sau này mới biết bà chạy nạn từ miền Tây lên, ngồi bán xôi ở góc chung cư đa số là người Hoa đã hơn 20 năm. Bà bắt chuyện để được kể và muốn có người nghe bà kể. Chính nhờ bà mà tôi hiểu người Sài Gòn bình dân luôn muốn thật thà kể lại chuyện của họ. Chính các câu chuyện giản dị hoặc sâu sắc của họ là đường truyền trao cho người mới đến Sài Gòn, để chuẩn bị và hướng họ đến các bước trưởng thành của một người Sài Gòn bình dân, sống đàng hoàng tử tế.
Chẳng phải văn hóa, văn minh của một đô thị được đúc kết và tinh lọc từ câu chuyện trải nghiệm đời sống, đối nhân xử thế, bao gồm cả hai mặt sáng và tối, ác và thiện từ hàng triệu người bình dân đó sao. Chẳng phải Sài Gòn luôn luôn tốt hơn với biết bao nhiêu thế hệ nhập cư từ khắp mọi vùng miền, dân tộc và từ các câu chuyện chân thật sâu sắc của từng đời người mà hình thành giá trị đất, lòng bao dung trọn vẹn sao?
* Vậy thì những điều tiếp theo mà anh muốn viết về Sài Gòn là gì?
- Từ năm 1973 đến nay, tôi là người Sài Gòn sống ở chung cư, bà xã Nguyệt Lâm của tôi có viết một truyện ngắn Sài Gòn không có đất, kể chuyện những người cả đời chỉ sống trên chung cư. Biết đâu tập bút ký mới của tôi cũng viết về đề tài người Sài Gòn không có đất.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Văn Bảy (thực hiện)