Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Cần người biết nhìn ra khiếm khuyết...
(TT&VH cuối tuần) - Khi người hâm mộ đang dần phát chán khi các trang báo thể thao chỉ toàn Lionel Messi với Cristiano Ronaldo, thì việc ông Henrique Calisto bất ngờ từ chức bỗng trở thành “món quà từ trên trời rơi xuống” cho giới truyền thông (cũng là “đối tượng” làm ông phiền lòng nhất thời gian qua). Sau 11 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, ông Calisto ra đi để lại một di sản không nhỏ và không dễ để những người kế thừa có thể vượt qua.
Cà phê bóng đá cũng quyết “ăn theo” sự kiện “hot” này khi cùng nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - người vừa ra tập sách phê bình văn học đầu tay Thi ca nết đất mà sau chưa đầy một tuần phát hành đã tái bản với số lượng gấp đôi so với đợt in đầu tiên - trao đổi về vấn đề này.
* Anh suy nghĩ như thế nào khi ông Calisto bất ngờ từ chức trong khi còn hợp đồng với VFF đến năm 2013?
- Tôi chỉ thấy chút xót xa, chứ không hoàn toàn ngạc nhiên về sự ra đi của ông Calisto. Bởi thời gian gần đây, ông Calisto đã tỏ ra không ít lúng túng trong việc tìm hướng đi mới cho đội tuyển Việt Nam sau nhiều thất bại không đáng có. Hơn nữa, thực trạng bóng đá nước ta giống như một cơ thể mắc cùng lúc nhiều thứ bệnh, mà ông Calisto không thể khám tổng quát để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
* Chỉ sau hai năm được “phong Thánh” vì kỳ tích vô địch AFF Cup 2008 thì thất bại trên hành trình bảo vệ ngôi vương vừa qua đã dập tắt mọi hào quang tỏa ra từ “phù thủy” với biết bao búa rìu dư luận. Ngay khi ông “Tô” từ chức thì giới truyền thông cũng “nổi sóng” mà đa số thiên về hướng tiêu cực, soi mói chứ chẳng mấy ai tỏ ra thông cảm và ghi nhận đóng góp của huấn luyện viên người Bồ cho bóng đá Việt Nam. Ông “Tô” cũng lý giải cho quyết định của mình là “không chịu nổi sức ép từ giới truyền thông”. Phải chăng chúng ta, đặc biệt là giới truyền thông, thực sự bạc bẽo và ông “Tô” xứng đáng được đối xử công bằng hơn?
- Tất nhiên, giữa hai người chia tay bao giờ cũng được phân bua bằng một lý do hợp lý, chứ đừng nói sự chấm dứt hợp đồng giữa một huấn luyện viên trưởng và một đội tuyển quốc gia. Theo tôi, giới truyền thông cũng đành cười nhẹ nhàng để tạm biệt ông Calisto, vì công chúng bao giờ cũng có quyền đòi hỏi thành tích ngày càng tốt hơn của một đội bóng. Còn chuyện thông cảm và thấu hiểu mọi vướng mắc khác lại nằm ngoài sân cỏ và không thể biện minh cho phong độ, cho đẳng cấp của một đội tuyển quốc gia.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
* Bản thân anh đánh giá như thế nào về những đóng góp của ông Calisto cho bóng đá Việt Nam trong 11 năm qua?
- Riêng tôi, những năm tháng ông Calisto có mặt tại Việt Nam giúp người hâm mộ có thêm cơ hội để thấy bóng đá nước ta vẫn còn nghiệp dư về nhiều mặt, và Việt Nam còn vô số việc phải làm cho một nền bóng đá chuyên nghiệp trong tương lai!
* Hiện tại, VFF đã nhận được hơn 40 hồ sơ ứng viên thay thế ông Calisto. Có vẻ VFF vẫn mặn mà với huấn luyện viên ngoại hơn là chọn “cây nhà lá vườn”. Theo anh là vì tâm lý “chuộng ngoại”, lý do an toàn hay là thực sự các huấn luyện viên nội chưa đủ lực để nắm đội tuyển quốc gia?
- Huấn luyện viên bóng đá là một nghề mà khi trái bóng lăn thì không còn ranh giới màu da hay quốc tịch. Bản lĩnh một huấn luyện viên được cân nhắc bằng tầm nhìn đào tạo, tư duy chiến thuật và kinh nghiệm cầm quân. Nói thật lòng, những yếu tố mang tính quốc tế ấy các huấn luyện viên nội chỉ mới ở dạng tập làm quen mà thôi.
* Theo anh, đội tuyển Việt Nam ta cần một mẫu huấn luyện viên như thế nào?
- Hình như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn chưa đủ tiền bạc và chưa đủ uy tín để có thể mời những huấn luyện viên cỡ... Mourinho giúp công chúng được nức lòng nức dạ. Vì vậy, với một ngân quỹ hơi khiêm tốn và một trình độ rất khiêm tốn, chúng ta chỉ cần một huấn luyện viên có thể nhận diện những khiếm khuyết đang tồn tại trong đội tuyển quốc gia và cố gắng khắc phục những khiếm khuyết ấy, nhằm giữ được màu cờ sắc áo Việt Nam trong khu vực là đủ rồi!
* Cảm ơn anh! Hy vọng VFF sẽ nhanh chóng chọn được một “thuyền trưởng” phù hợp để lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam!
Cà phê bóng đá