Nhà thơ Anh Ngọc: Iceland là 'kiệt tác một bài' của EURO 2016
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Anh Ngọc (tên thật: Nguyễn Đức Ngọc) là gương mặt thơ tiêu biểu thuộc thế hệ chống Mỹ. Là người mê bóng đá, mỗi mùa World Cup, EURO, ông đều tham gia bình luận bóng đá trên truyền hình, trên đài phát thanh và trên báo.
Bóng đá chính là một bài thơ hay
Nhà thơ Anh Ngọc tâm sự:
- Mỗi người xem bóng đá có một hứng thú riêng. Là nhà văn, nhà thơ… tôi sống bằng hứng thú được chứng kiến một cách nhãn tiền và ngay tại chỗ những con người và cuộc sống ở dạng chung đúc nhất - vì bóng đá chính là một câu chuyện của con người sống với cuộc đời này, chỉ có điều nó diễn ra trong một công việc, hoàn cảnh khá đặc biệt mà thôi. Đặc biệt vì nó rất tiêu biểu để thể hiện rõ các quy luật và bản chất của đời sống.
Trong đó quy luật cơ bản là nó mang trong mình những mâu thuẫn, nghịch lý nhưng không phi lý, như bản chất của cuộc sống. Hai chữ “giản đơn” và “bí ẩn” gói trọn một trong những quy luật đó.
Nói luôn cho nhanh, trong một bài thơ khác, viết về chuyện đời nói chung thôi nhé, tôi cũng từng viết: Cuộc sống giản đơn hơn ta tưởng rất nhiều/ Và phức tạp hơn ta từng nghĩ/ Cuộc sống tựa một bài thơ hay/ Bình bao nhiêu cũng không hết ý/ Nhưng để mặc, không bình gì cả/ Bài thơ vẫn cứ thế mà hay! (Nghịch lý).
Bóng đá chính là một bài thơ hay như vậy.
* Ông có thể kể lại tình yêu bóng đá của các nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ mà ông biết hoặc cùng được trải nghiệm?
- Vâng, có lẽ vì lý do nói trên, các nhà văn, rộng ra là những người làm văn nghệ… đều yêu bóng đá, chẳng hạn cơ quan tôi trước đây là Tạp chí Văn nghệ Quân đội, là một cái “lò” các fan bóng đá, cứ mỗi kỳ có giải bóng đá là cả cơ quan bàn tán suốt ngày, nói cười ha hả như nhà có đám vui vậy… từ cụ Chính Hữu đàn anh, ông Nguyễn Minh Châu thì mê... "thôi rồi Lượm ơi".
Rồi các ông Xuân Sách, Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng… các ông nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn cũng chết mê chết mệt. Nhà phê bình thì có cụ Nhị Ca, ông Vương Trí Nhàn… Tóm lại là gần cả cơ quan!
Vì vậy, chúng tôi cám ơn bóng đá lắm lắm!
* Bóng đá ở cái thời đất nước "vất vả và gian lao" mà ông từng được chứng kiến ấy, có khi "ăn đứt" bóng đá thời bây giờ?! Tôi nghe nhiều người nhận xét thế, còn ông thì thế nào?
- Đúng vậy. Chuyện này ai cũng thấy và ai cũng hiểu, nói ra dài dòng quá, vừa thích thú, vừa có cái ngậm ngùi thương cảm của cái thời mọi sự vừa thiếu thốn vừa trong sáng… Nhưng nếu chọn, thì tôi chọn thời bây giờ nhé, thật lòng đấy!
Nhà thơ Anh Ngọc đọc thơ tại Liên hoan Thơ châu Á Thái Bình Dương năm 2015
Hiện tượng một bài của... bóng đá
* Giữa bình luận bóng đá và bình thơ, ông thấy có gì giống và khác nhau?
- Mục đích thì giống nhau, chỉ có đối tượng bình luận thì khác nhau. Dĩ nhiên cách bình của giới văn nghệ sĩ như chúng tôi có khác với các nhà chuyên môn.
Chúng tôi không chạy theo kỹ, chiến thuật… mà tìm hiểu cái phía sau con người cầu thủ khi anh ta xử sự với trái bóng và với những người khác - đồng đội và đối thủ - trên sân, tôi đã từng bình trên Truyền hình Hà Nội thời France ‘98 nhiều buổi và rất thích thú (với tôi thôi nhé)…
* EURO năm nay sắp kết thúc nhưng có lẽ dư âm của nó để lại trong lòng người yêu túc cầu không phải là đội vô địch mà là tuyển Iceland. Có thể ví "Băng đảo" là "hiện tượng một bài" giống như trong văn chương không, thưa nhà thơ?
- Ví von dễ khập khiễng nên không dám kể tên “hiện tượng một bài” trong thơ sợ phiền lòng các tác giả… Còn bóng đá thì OK, việc Iceland có dân số bằng một huyện mà thắng hai đội tuyển quốc gia sừng sỏ thì đúng là chuyện lạ có thật, thú vị vô cùng, nên dân xứ này đón đội tuyển con cưng trở về như đón nhà vô địch là có lý…
* Với EURO năm nay, những điều thú vị của ông là gì?
- Tôi đã viết bài trên báo Bóng đá, ngay sau vòng đấu bảng. Trong bài tôi đã nêu ra cả một sê-ri bất ngờ thú vị, chẳng hạn: những cú sút xa ăn bàn (rất đẹp mắt), những bàn thắng vào phút áp cuối, thậm chí nhiều bàn vào phút bù giờ, những danh thủ đá hỏng phạt đền (kể cả L.Messi bên giải Copa America!), và dĩ nhiên, những đội yếu thắng mạnh…
Đó chính là những điều thú vị nhất của EURO năm nay đối với tôi.
* "Kiệt tác một bài" ngắn gọn nhất về bóng đá mà ông thấy tâm đắc nhất?
- Bài thơ có tên “Iceland”, tôi chọn rồi mà!
* Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Anh Ngọc!
Huy Thông (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa