Nhà Glazers của MU ở đâu trong Top 10 ông chủ giàu nhất Ngoại hạng Anh?
(Thethaovanhoa.vn)- Với việc Thái tử Saudi Arabia - ông Mohammed bin Salman chính thức kích hoạt quá trình mua lại CLB Newcastle với mức giá 300 triệu bảng, thứ tự các ông chủ giàu nhất Ngoại hạng Anh sẽ có những thay đổi.
Dưới đây là BXH của tờ Daily Mirror về Top 10 ông chủ giàu có nhất tại Ngoại hạng Anh.
10. Southampton
Gao Jisheng- Tài sản: 3,1 tỷ bảng
Nhà tài phiệt bất động sản Trung Quốc mua Southampton với giá 210 triệu bảng vào năm 2017. Nhưng dưới sự dẫn dắt của ông, Southampton những năm qua lơ lửng trên khu vực xuống hạng của Premier League. Những rắc rối trên sân cỏ có vẻ đã khiến Gao Jisheng không thể kiên nhẫn thêm. Trước khi giải Ngoại hạng Anh bị hoãn vì dịch Covid-19 cách đây 5 tuần, ông Jisheng muốn bán lại cổ phần của mình với giá 250 triệu bảng.
9. MU
Gia đình Glazers- Tài sản: 3,6 tỷ bảng
Với vị thế của MU- một trong những câu lạc bộ lớn nhất thế giới, có lẽ người hâm mộ sẽ ngạc nhiên khi thấy chủ nhân đội bóng đứng ở vị trí quá thấp trong danh sách này.
Gia đình Glazers tiếp quản MU vào năm 2005. Điều đáng nói là 660 triệu trong số 790 triệu bảng nhà Glazers để mua MU là vay từ ngân hàng bằng cách thế chấp tài sản của chính CLB. Chính bởi vậy, dù MU có doanh thu tăng trưởng đều đặn nhưng vẫn phải còng lưng đi trả lãi cho gia đình tài phiệt người Mỹ. Sau 15 năm, các tỷ phú người Mỹ chỉ trả được khoảng hơn 45 triệu bảng tiền gốc, trong khi mất đến hơn 750 triệu bảng trả lãi và gia hạn các khoản nợ.
Nhiều năm qua, CĐV MU đã hy vọng vào một ngày đội bóng con cưng của họ không còn bị bóc lột bởi giới chủ Mỹ. Tuy nhiên, định giá 1 tỷ bảng của MU trên thị trường dễ làm nản lòng bất cứ đối tác tiềm năng nào.
8. Tottenham
Joe Lewis- Tài sản: 3,9 tỷ bảng
Daniel Levy là người đàn ông quyền lực xuất hiện ở các trận đấu của Tottenham nhưng ông chủ thực sự của đội bóng London là doanh nhân người Anh Joe Lewis. Chính vị tỷ phú sinh năm 1937 mới là người đứng sau quyết định gây tranh cãi- để nhân viên của CLB nhận gói hỗ trợ của Chính phủ trong đại dịch Covid-19.
Vị tỷ phú sinh năm 1937 này hiện là Chủ tịch Tập đoàn Tavistock, đầu tư vào nhiều lĩnh vực như dầu mỏ, bất động sản, nhà hàng và thể thao. Lewis tiếp quản Tottenham từ năm 2014.
7. Leicester
Aiyawatt Srivaddhanaprabha- Tài sản: 4,6 tỷ bảng
Aiyawatt là con trai của Vichai Srivaddhanaprabha- tỷ phú Thái Lan đã qua đời vào tháng 10/2018 vì tai nạn trực thăng. Sau khi bố qua đời, Aiyawatt trở thành ông chủ của Leicester City và Chủ tịch tập đoàn King Power.
Gia tộc Srivaddhanaprabha nắm quyền kiểm soát Leicester vào năm 2011. Họ được người hâm mộ yêu mến vì đã giúp đưa đội bóng trở lại với đấu trường Premier League, vô địch giải đấu mùa 2015-16.
6. Wolves
Fosun International / Guo Guangchang- Tài sản: 5,4 tỷ bảng
Guo Guangchang là người giàu thứ 50 ở Trung Quốc. Ông đứng đầu Fosun International- tập đoàn đầu tư đã mua lại CLB Wolves với giá chỉ 45 triệu bảng chưa đầy ba năm trước. Kể từ đó, Wolves thăng tiến vượt bậc. “Bầy sói” đã hăng hạng lên Premier League, có mặt tại giải đấu cấp châu lục lần đầu tiên sau 39 năm và đang tạm xếp thứ 7 trên BXH Premier League 2019-20 trước khi mùa giải bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19.
5. Aston Villa
Nassef Sawiris và Wes Edens- Tài sản kết hợp: 6,6 tỷ bảng
Tỷ phú Nassef Sawiris (người Ai Cập) và Wes Eden (người Mỹ) mua lại Aston Villa vào năm 2018 với giá 68 triệu bảng. Nassef là người giàu thứ 252 thế giới và là thành viên của gia tộc giàu nhất Ai Cập, với khối tài sản ước tính lên tới 36 tỷ bảng. Nassef là một trong ba anh em điều hành Orascom - một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực du lịch, xây dựng và viễn thông. Trong khi đó, doanh nhân Wes Eden là người sáng lập Tập đoàn Đầu tư Fortress và là chủ sở hữu của đội bóng NBA, Milwaukee Bucks.
4. Newcastle
Thái tử Mohammad Bin Salman- Tài sản: 7 tỷ bảng
Thái tử Mohammed bin Salman điều hành Quỹ đầu tư PIF của Hoàng gia Saudi Arabia. Quỹ này đã kích hoạt quá trình mua lại CLB Newcastle với mức giá 300 triệu bảng. Nếu thương vụ thành công, quỹ sẽ kiểm soát 80% cổ phần của “Chích chòe”, biến Mohammad Bin Salman thành ông chủ giàu thứ 4 tại Ngoại hạng Anh. Tài sản cá nhân của Thái tử được định giá khoảng 7 tỷ bảng nhưng giá trị của PIF thì lên tới 260 tỷ bảng.
3. Arsenal
Stan Kroenke- Tài sản: 8 tỷ bảng
Tài phiệt người Mỹ Stan Kroenke gia nhập ban lãnh đạo Arsenal từ năm 2008. Ba năm sau, ông nâng số cổ phần của mình lên 63% sau khi mua lại từ Danny Fiszman và Nina Bracewell- Smith. Giống nhà Glazers, Stan Kroenke là ông chủ không được lòng người hâm mộ CLB vì dè xẻn trong mua sắm cải thiện lực lượng bất chấp doanh thu cao. Dưới thời Kroenke, Arsenal chưa một lần lên ngôi tại Premier League.
Ngoài Arsenal, ông Stan Kroenke còn sở hữu một loạt các CLB thể thao như LA Rams, Denver Nuggets và Colorado Avalanche.
2. Chelsea
Roman Abramovich- Tài sản: 9,2 tỷ bảng
17 năm trước, khi Ken Bates bán Chelsea với giá 140 triệu bảng, bản hợp đồng đầu tiên của triều đại Roman Abrmovich chỉ là hậu vệ phải Glen Johnson giá 6 triệu bảng từ West Ham. Từ đó tới nay, Chelsea đoạt 5 chức vô địch Premier League, một Champions League và hai Europa League.
1. Man City
Sheikh Mansour- Tài sản: 17,7 tỷ bảng
Thực sự không có đối thủ nào có thể sánh được với Sheikh Mansour về tiềm lực kinh tế khi khối tài sản mà vị tỷ phú này cùng với Tập đoàn Abu Dhabi Group cao gần gấp đôi so với Roman Abramovich. Sheikh Mansour hiện đang giữ cương vị Phó Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE).
Mansour mua lại Man City vào năm 2008 với giá 200 triệu bảng và tới nay đã đầu tư một tỷ bảng vào thị trường chuyển nhượng. Man City từ một đội bóng tầm trung giờ trở thành đại gia tại Premier League với 4 chức vô địch Premier League.
K.Đ
Tổng hợp