Nguyễn Quang Thạch - người thầy không đứng trên bục giảng
Gọi Nguyễn Quang Thạch là “nhà giáo” không hề sai. Khi là sinh viên, anh từng mở lớp dạy tiếng Anh, ra trường dạy một thời gian ở Trung tâm ngoại ngữ Đại học Vinh. Còn bây giờ, anh “dạy” các thầy, cô giáo cách giúp học sinh đọc sách và tìm đến tri thức.
Sự “bình đẳng” thành thị - nông thôn
Theo thống kê mới nhất, trong 8 năm qua, Sách hóa nông thôn đã lập ra 120 Tủ sách Dòng họ, gần 3.000 Tủ sách Phụ huynh và Tủ sách lớp em, 6 Tủ sách Hậu phương quê hương chiến sĩ ở tỉnh Thái Bình và trên 20 tỉnh khác. Tổng số sách khoảng 200.000 bản. Khoảng 100.000 học sinh cấp 1, 2 và 3 đã được tiếp cận với sách.
Ngoài ra, “số dòng họ, trường học, cá nhân gọi điện nhờ tôi tư vấn cách làm tủ sách thì không thể thống kê” - Thạch cho biết. Đó chính là sức mạnh tập thể. Biết bản thân mình không thể đến mọi nơi để lập tủ sách, anh nhận ra rằng phải huy động thật nhiều người có cùng chí hướng.
Hơn thế, vì hướng đến thực chất, anh không chỉ hài lòng với những con số thống kê. Lập được tủ sách là bước đầu tiên, nhưng điều quan trọng hơn cả với Thạch là: sách phải được đọc.
Trong tháng qua, anh đi bộ hơn 100 km đưa thư khuyến đọc đến 24 trường học trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Trên đường, anh gặp những đứa trẻ đang chơi đùa và hỏi các em có đọc sách không. Đó chính là những câu trả lời chân thực nhất vì ở đó không có… thầy cô giáo. Trở lại những lớp học đã được lập tủ sách, Thạch hỏi các học sinh đã đọc những cuốn nào. Mỗi lần được nghe một danh sách dài, anh rất vui.
“Đưa sách về nông thôn” là cụm từ đơn giản, nhưng ý nghĩa sâu sắc đến nỗi không thể nói hết trong một bài viết. Đó là hành động vì sự bình đẳng tiếp cận tri thức giữa thành thị và nông thôn.
Khi phỏng vấn các trí thức, người viết bài này thường hỏi suy nghĩ của họ về chênh lệch tri thức, văn hóa giữa 2 thành phố lớn và các địa phương nhỏ. Nhiều nhân vật coi đó là điều đương nhiên và không mấy bận tâm. Nhưng Nguyễn Quang Thạch thì không, anh không thừa nhận thực tế trẻ em nông thôn bị “bỏ rơi” trên con đường tìm đến tri thức. Đưa sách về cho các em, với anh, là cuộc “cách mạng thư viện dân sự”.
Không sản xuất được ốc vít thì phải “tập làm phát minh”
Từ năm 22 tuổi, Nguyễn Quang Thạch đã xác định xong công việc mình sẽ làm cả đời: xây dựng hệ thống thư viện dân sự. “Tôi quyết định mình sẽ làm một cuộc cách mạng thư viện ở nông thôn” - anh nói. Anh nhận ra đã đến lúc hạn chế chỉ trích bằng lời nói mà phải làm, vì mọi thay đổi đều đến từ hành động cụ thể.
“Chẳng hạn, chúng ta phàn nàn xã hội ít đọc sách nhưng rất ít người đưa sách về cho hơn 10 triệu học sinh nông thôn” – anh nói.
“Chúng ta nói rất nhiều về người Việt thiếu phát minh và sáng tạo, nhưng mấy ai hiểu rằng muốn thế thì phải cho con trẻ đọc những bộ sách như Tập làm phát minh hay Khoa học thật dễ. Thực hành làm theo sách từ nhỏ, khi lớn lên các em có lũy tích cơ bản để sáng tạo, sáng chế, hình thành kỹ năng và giá trị sống thông qua sự giao hòa giữa lao động chân tay và trí óc”.
Hơn thế, không thể dễ dãi chỉ trích cái xấu như trước, mà mọi công dân cần xây dựng tư cách cho mình trước đã. Anh nói: “Nếu tôi là kẻ lười biếng, dối trá, vô cảm, gian thương buôn lậu… thì tôi không đủ tư cách để chỉ trích ai cả. Suy cho cùng, xã hội có xấu thì trong đó có lỗi của mình”. Để kêu gọi Sách hóa nông thôn, Nguyễn Quang Thạch đi xe máy xuyên Việt vào dịp Tết 2010 với quãng đường 1.939 km. Hiện tại, anh đang thực hiện chuyến đi bộ hơn 700 km đưa thư khuyến đọc đến 200 trường học ở Thái Bình. Dự định, Tết 2015, anh sẽ đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào Sài Gòn để kêu gọi xã hội góp phần đẩy nhanh tiến trình sách hóa nông thôn Việt Nam.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa