Người vận chuyển Đỗ Hoàng Việt: Tôi đã 'ship' cầu thủ U23 Việt Nam như thế
Anh Đỗ Hoàng Việt, một kiều bào Việt Nam sinh sống tại Campuchia được gọi với cái tên thân mật là "Người vận chuyển". Chính anh Việt là người trực tiếp lái xe đưa 8 cầu thủ U23 Việt Nam bổ sung từ Việt Nam sang Campuchia với hành trình kéo dài 8 tiếng đồng hồ.
Dưới đây là những chia sẻ của anh Đỗ Hoàng Việt về những đóng góp quan trọng của anh trong hành trình chinh phục cúp vô địch U23 Đông Nam Á của tuyển U23 Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên anh tham gia vào công tác hỗ trợ các đội tuyển Việt Nam thi đấu ở Campuchia. Nhưng chắc chắn đây sẽ là lần đặc biệt nhất?
Anh Việt: Tôi đã hỗ trợ rất nhiều đoàn bóng đá Việt Nam qua Campuchia thi đấu từ những năm 2016 qua các giải U16, U19, U22, U23 hay là CLB Hà Nội nhưng đúng là lần này thực sự rất đặc biệt, rất khó khăn vì do dịch bệnh lây lan nhanh việc ứng cứu chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ, đêm chốt thì sáng 3h30 sáng đã xuất phát lên đường đi tiếp viện.
2. Việc đưa đón cầu thủ bằng đường bộ để bổ sung cho U23 Việt Nam rất khó khăn, vậy xuất phát từ đâu và động lực nào thúc đẩy anh quyết tâm tham gia vào hành trình đưa đón các cầu thủ U23 Việt Nam bổ sung cho giải U23 Đông Nam Á.
- Tất cả những điều tôi làm chỉ mong đội tuyển U23 Việt Nam đủ người để thi đấu, dù bằng bất cứ giá nào không thể bỏ cuộc. Đó chính là động lực lớn nhất để tôi gác việc gia đình, di chuyển trong đêm để hoàn hoàn công việc của mình.
Được biết, những chuyến đi của anh đều bắt đầu từ 3 giờ sáng. Anh có thể kể chi tiết về hành trình của mình?
- Việc thiếu người cả LĐBĐ Việt Nam và cá nhân tôi đều rất sốt ruột, sau khi trao đổi cùng Liên đoàn thì chốt sẽ đi bằng đường bộ để kịp thời gian thi đấu. Mặc dù các cầu thủ và tôi đều sẽ phải di chuyển bằng xe ô tô trong khoảng thời gian khá dài khoảng 8 tiếng đồng hồ. Rất sốt ruột nên gần như ngủ không ngon giấc nên 3h sáng tôi thức dậy, chuẩn bị mọi thứ; 30 phút sau thì xuất phát lên đường tới cửa khẩu Mộc bài – tỉnh Tây Ninh.
Lúc đi trời còn rất tối, tuyến đường này lại rất nhiều xe tải, xe container trở hàng từ Việt Nam qua nên khá là nguy hiểm. Lên tới cửa khẩu tôi tranh thủ liên hệ các đầu mối hỗ trợ từ phía Việt Nam là Đồn biên phòng tỉnh Tây Ninh hỗ trợ các cầu thủ nhập cảnh nhanh nhất; rồi qua tới phía Campuchia tôi liên hệ lực lượng công an, quân cảnh hỗ trợ việc nhập cảnh, test covid và hộ tống xe chạy về Phnom Penh.
Đâu là những khó khăn mà anh gặp phải trên hành trình của mình? Điều anh lo lắng nhất ở thời điểm đó là gì?
- Trong đợt đón người đầu tiên, khi tôi trở 4 cầu thủ về tới khách sạn Phnom Penh thì nghe tin sáng cùng ngày có thêm 6 ca dương tính như vậy thì số lượng đưa qua lại không tăng thêm mà chỉ kịp bù vào những chỗ mới khuyết.
Trong đợt đón người thứ 2, việc tôi lo lắng nhất là liệu đưa thêm 4 người qua thì có phát sinh ca nhiễm nào nữa không vì lúc đó cả đội còn có 10 người lành lặn; nếu mà phát sinh thêm quá 1 người thì chúng ta không đủ 13 người để đăng ký thi đấu. Đó là điều tôi luôn băn khoăn khi chạy xe về. Cộng với việc xe luôn chạy với tốc độ 140-150km/h làm chúng tôi luôn căng thẳng tập trung cao độ, có những lúc cũng thực sự nguy hiểm nhưng cuối cùng mọi thứ đã suôn sẻ và khi tới khách sạn thì nghe tin chỉ có 1 ca nhiễm mới như vậy là vừa đủ 13 cầu thủ ra sân cho trận Bán kết gặp Timor Leste. Lúc đó tôi mới thực sự thở phào.
Để có được hai chuyến đi suôn sẻ, chắc anh phải nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ nhiều phía?
- Đúng vậy, như tôi nói ở trên tôi được các anh trong đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và các cơ quan công an, quân cảnh, y bác sỹ của đất nước bạn hỗ trợ nhiệt tình, chuyên nghiệp và giải quyết rất nhanh các công việc tại cửa khẩu 2 nước.
Các cầu thủ, ban huấn luyện chia sẻ rằng họ rất trân trọng những đóng góp của anh nói riêng và cộng đồng người Việt ở Campuchia nói chung dành cho đội. Bởi không chỉ đưa đón cầu thủ, các anh còn hỗ trợ rất nhiều thứ khác cho đội U23 Việt Nam. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
- Ngoài việc đón 8 cầu thủ sau 2 chuyến đi đêm để tiếp viện cho các cầu thủ thì tôi còn cố gắng hỗ trợ những gì đội cần nhất khi ở Phnom Penh vì cả đội ở trong cơ chế bong bóng nên rất thiếu thốn, món ăn nguội và không phù hợp nên cả tôi và 1 số kiều bào cũng hỗ trợ thêm như: thuốc giảm đau chống viêm chống sưng, mì tôm, canh cải, canh gà, sim điện thoại,.. để cho các cầu thủ thêm chất dinh dưỡng, trị vết thương để cố gắng đủ sức cho từng trận đấu.
Đóng vai trò như một người hùng thầm lặng góp công vào chức vô địch U23 Đông Nam Á, anh muốn chia sẻ, gửi gắm điều gì đến những người yêu bóng đá Việt Nam?
- Tôi mong rằng tất cả người hâm mộ trong và ngoài nước cùng chung tay hỗ trợ, động viên và cổ vũ hết mình cho các đội tuyển bóng đá nam và nữ của Việt Nam khi thi đấu ở bất kỳ giải nào, bất kỳ đâu vì chúng ta cùng chung 1 dòng máu, 1 niềm tự hào khi là con người Việt Nam.
Chúc cho đội tuyển U23 Việt Nam sẽ tiếp tục thi đấu thành công ở các kỳ SEA Games 32 và 33 sắp tới. Năm tới, khi đội U23 Việt Nam qua Campuchia tham dự SEA Games thì tôi vẫn luôn sẵn sàng là “Người vận chuyển”.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ ý nghĩa này
Anh Đỗ Hoàng Việt là CEO công ty Camship Cambodia. Anh Việt là trai gốc Hà Nội nhưng làm việc tại Campuchia đã được 13 năm. Hiện cả gia đình anh sinh sống ở Phnom Penh. Dù công việc rất bận, nhưng anh Việt luôn thu xếp để hỗ trợ rất nhiều đoàn bóng đá Việt Nam qua Campuchia thi đấu từ những năm 2016 ở các giải đấu có các đội tuyển của Việt Nam tham dự. |
T. Giáp (thực hiện)