Người lính Mỹ phản đối vụ thảm sát Mỹ Lai đã qua đời
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/12, hãng tin ABC News cho biết ông Lawrence Manley Colburn, một trong số những người lính Mỹ đã nỗ lực ngăn chặn vụ binh sĩ nước này tiến hành vụ thảm sát Mỹ Lai thời Chiến tranh Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 67 tại bang quê nhà Georgia.
- Người cựu chiến binh và 'Bảo tàng ký ức chiến tranh'
- Một cựu chiến binh Mỹ hiến tặng nhiều xe lăn cho VN
- Cựu chiến binh Mỹ dạy tiếng Việt bằng công nghệ mới
Năm 2008 ông Lawrence Manley Colburn đã trở lại Việt Nam thăm Mỹ Lai
Ông Colburn là xạ thủ máy bay trực thăng trong vụ càn quét của lính Mỹ vào làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ngày 16/3/1968.
Chứng kiến cảnh lính Mỹ thảm sát dã man dân làng, đa phần là người già, phụ nữ và trẻ em, phi đội gồm 3 người của ông Colburn đã hạ cánh để ngăn cản vụ thảm sát và cứu các nạn nhân. Ông Colburn là người cuối cùng còn sống trong phi đội này.
Phi đội của ông Colburn đã thuyết phục các đồng đội bộ binh ngừng bắn và phi công Colburn được đánh giá đóng vai trò không thể thiếu trong việc chặn đứng cuộc thảm sát Mỹ Lai.
Cựu binh Colburn cùng chỉ huy phi hành đoàn của ông lúc đó là Hugh Thompson từng được đề cử Giải Nobel Hòa bình vào năm 2001 vì hành động ngăn cản tội ác chiến tranh này và cả hai đều đã được Chính phủ Mỹ trao tặng Huân chương Người lính, phần thưởng cao quí nhất của Quân đội Mỹ.
Cựu binh Colburn (phải) cùng chỉ huy phi hành đoàn Hugh Thompson từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình
Dự kiến, lễ truy điệu ông Colburn sẽ được tổ chức vào ngày 7/1/2017 tại Canton, bang Georgia.
Vụ thảm sát Mỹ Lai của quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, khiến 504 dân thường thiệt mạng, được bưng bít tới cuối năm 1969. Ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội thì không có bất cứ sĩ quan hay binh lính Mỹ nào bị kết tội sau vụ thảm sát.
Phải tới tận ngày 19/8/2009, William Calley, trung úy chỉ huy trung đội tiến hành vụ thảm sát, mới lần tiên công khai lên tiếng xin lỗi các nạn nhân.
Thảm sát Mỹ Lai là một trong những sự kiện đã làm bùng lên làn sóng phản chiến tại Mỹ những năm 70 của thế kỷ trước.
TTXVN