Nghiên cứu cho thấy phẫu thuật đau thần kinh tọa chỉ có tác dụng giảm đau trong thời gian ngắn
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, một nghiên cứu mới do các nhà khoa học Australia thực hiện đã phát hiện ra rằng phương pháp phẫu thuật điều trị đau thần kinh tọa có thể không mang lại hiệu quả trong thời gian dài.
Đau thần kinh tọa là cơn đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, từ dưới thắt lưng xuống đến các ngón chân. Ở một số bệnh nhân, chứng đau thần kinh tọa xảy ra do thoát vị đĩa đệm, gây chèn ép lên các rễ thần kinh nhỏ ở lưng.
Các phương pháp điều trị hiện nay được khuyến nghị là phẫu thuật cắt bỏ một phần đĩa đệm trong trường hợp các phương án điều trị không phẫu thuật như dùng thuốc hoặc tiêm steroid không hiệu quả. Mặc dù phương pháp điều trị bằng phẫu thuật hiện nay khá phổ biến, nhưng bằng chứng về hiệu quả của phương pháp này vẫn chưa rõ ràng.
Theo kết quả phân tích trong một dự án nghiên cứu về sức khỏe cơ xương khớp do Đại học Sydney (Australia) thực hiện, được công bố trên tạp chí y khoa The BMJ mới đây, phương án phẫu thuật điều trị đau thần kinh tọa chỉ có thể mang lại lợi ích trong ngắn hạn, tức là trong vòng 12 tháng, mặc dù phương pháp này có thể nhanh chóng mang lại kết quả hơn các phương pháp điều trị không phẫu thuật khác.
Với ít bằng chứng khẳng định hiệu quả kéo dài của phương pháp phẫu thuật điều trị đau thần kinh tọa, các nhà nghiên cứu cho rằng phương án này chỉ là một lựa chọn dành cho những ai muốn giảm đau nhanh chóng mà không quan tâm tới vấn đề chi phí hay rủi ro tiềm ẩn do phẫu thuật.
Trong đợt nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên nhằm so sánh bất kỳ phương pháp điều trị bằng phẫu thuật nào so với các phương pháp điều trị không phẫu thuật, tiêm steroid ngoài màng cứng tủy, giả dược hoặc phẫu thuật đối chứng ở những bệnh nhân bị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm.
Thời gian theo dõi thử nghiệm được chia thành các giai đoạn sớm (tối đa 6 tuần), ngắn hạn (từ 6 tuần đến 3 tháng), trung hạn (từ 3 tháng đến 12 tháng) và dài hạn (12 tháng). Tổng cộng có 24 cuộc thử nghiệm đã được đưa vào phân tích chính, trong đó 50% số các cuộc thử nghiệm nhằm xem xét hiệu quả của phương pháp phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm so với điều trị không phẫu thuật hoặc tiêm steroid ngoài màng cứng.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Chang Liu cho biết nhóm nghiên cứu đã phát hiện bằng chứng chắc chắn từ thấp đến rất thấp về hiệu quả giảm đau ở mức trung bình khi so sánh phương pháp điều trị bằng phẫu thuật với các phương pháp điều trị không cần phẫu thuật. Ông cho rằng hiệu quả giảm đau sau khi phẫu thuật đã giảm đi trong vòng 12 tháng.
Kết quả cũng tương tự khi các nhà nghiên cứu so sánh phương pháp phẫu thuật đĩa đệm với phương pháp tiêm steroid ngoài màng cứng. Nguy cơ xảy ra biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng vết thương, tái phát thoát vị đĩa đệm và tình trạng đau dai dẳng sau phẫu thuật, cũng xuất hiện tương tự giữa phương pháp phẫu thuật đĩa đệm và phương pháp chữa trị không cần phẫu thuật.
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng các kết luận từ cuộc khảo sát này chỉ áp dụng trong phạm vi những bệnh nhân bị đau thần kinh tọa không đáp ứng tốt với các phương pháp không phẫu thuật hoặc những người bị nặng hay những người được chỉ định phẫu thuật dựa trên kết quả chụp cộng hưởng từ.
Thật may mắn là phần lớn những người bị đau thần kinh tọa có thể hồi phục một cách tự nhiên mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng điều này đặt ra một thách thức lớn đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vì không có cách nào để dự đoán mức độ tiến triển ở các bệnh nhân một cách đáng tin cậy.
Giáo sư Christine Lin tại Đại học Sydney cho rằng việc giải đáp được câu hỏi “tại sao mỗi bệnh nhân lại có những kết quả điều trị khác nhau” là chìa khóa để giúp những bệnh nhân bị đau thần kinh tọa và các bác sĩ lâm sàng sớm lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, đồng thời xác định được một cách đầy đủ về lợi ích và rủi ro đối với phương pháp phẫu thuật”.