Nghị định mới và trách nhiệm của những người thầy
(Thethaovanhoa.vn) - Trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được đưa ra gần đây của Bộ GD&ĐT, một trong những điểm gây chú ý đó là xuất hiện những quy định xử phạt liên quan tới việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự và xâm phạm thân thể của giáo viên.
- ‘Nóng’ vụ giáo viên quỳ xin được đi dạy, bắt đối tượng giả danh công an giả kích động gây rối
- VIDEO: Các giáo viên ở Nghệ An quỳ gối, khóc lóc xin được dạy học
Đây là điều xưa nay chưa từng có trong ngành giáo dục. Có thể nói đó là hệ quả của hàng loạt vụ việc cả hai phía giáo viên và học sinh (hoặc phụ huynh) bị xúc phạm danh dự cũng như xâm phạm thân thể trong thời gian gần đây. Điển hình như vụ việc cô giáo im lặng trên bục giảng trong suốt 3 tháng trời tại TP.HCM, hay cô giáo “phạt” học sinh uống nước giẻ lau bảng tại Hải Phòng.
Về phía ngược lại, các thầy cô giáo cũng chịu không ít sức ép trong nghiệp cầm phấn của mình. Nổi đình đám mới đây là sự việc giáo viên bị phụ huynh học sinh bắt quỳ trước sự chứng kiến của nhiều người trong gần 40 phút ở Long An. Rất nhiều người đã bất bình và nhận thấy tinh thần tôn sư trọng đạo hiện đang bị xuống cấp đến mức đáng báo động. Khi có những người sẵn sàng hành xử theo kiểu chợ búa và dùng luật “rừng”, các giáo viên cũng cần có hành lang pháp lý để bảo vệ chính mình khỏi những mối nguy hiểm tiềm tàng.
Khi mà trong một môi trường xưa nay vẫn được biết đến là nhân văn như giáo dục đã phải có những quy định liên quan đến việc xúc phạm danh dự và xâm hại thân thể, thì đó là lúc mỗi người cần phải nhìn lại. Những lời hay ý đẹp như: “Tiên học lễ, hậu học văn”, hay “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” rõ ràng đang bị xem nhẹ. Để dẫn đến những cách hành xử thiếu tôn trọng, để lại cho đối phương sự tổn thương về cả mặt tâm lý lẫn thể chất.
Một trong những lý do chính có thể là do cách tiếp cận của giáo dục đang gặp vấn đề. Nhìn lại những cuốn sách giáo khoa mới xuất bản, có thể thấy nội dung của chúng không khác gì nhiều so với những năm 2000. Nhưng thế giới thì đã thay đổi quá nhiều sau gần 20 năm qua. Thời đại Internet và smartphone phổ cập đã khiến mọi tri thức của nhân loại đã trở nên dễ tiếp cận hơn rất nhiều. Xét riêng về khía cạnh cung cấp kiến thức rộng rãi và bổ ích trong cuộc sống, có lẽ Google, Wikipedia, Youtube… đã trở thành “thầy” của rất nhiều người.
Lúc này, những người học sinh cần 1 môi trường rèn luyện cho họ thái độ sống, những phẩm chất đáng quý để trở thành một con người hoàn thiện. Các em không cần được nhồi nhét kiến thức, mà thay vào đó là cần được khích lệ tinh thần tự học, và có những tấm gương để noi theo. Chính cách cư xử của những người thầy cô sẽ ảnh hưởng tới lũ trẻ. Chứ không phải đống kiến thức mà chúng sẽ dễ dàng tìm thấy chỉ sau vài giây gõ từ khoá lên Google kia.
Vì thế những mâu thuẫn trong môi trường giáo dục vẫn sẽ còn một khi trường học còn coi những môn như Đạo đức hay Giáo dục công dân là một “môn phụ”. Hay là khi việc bắt phạt, khép tội học sinh quan trọng hơn việc truyền cảm hứng, hỗ trợ, giải quyết những vấn đề và khích lệ chúng sống tốt hơn. Hoặc những lúc thầy cô coi trọng việc học sinh thuộc bài, hơn là chúng trân trọng kiến thức, và tự khám phá ra những điều bổ ích trong cuộc sống.
Mâu thuẫn chỉ thực sự được giải quyết khi cả hai phía thầy - trò cố gắng hiểu và tôn trọng lẫn nhau.
Người thầy vốn được ví như những người lái đò, với mục đích lớn lao rằng sau khi qua con sông này, học trò có thể vững chân bước đi trên đường đời phía trước. Nếu người thầy thật sự tâm huyết với việc dìu dắt trò trưởng thành, những chuyện trái ngang như xúc phạm hay xâm hại sẽ chẳng thể nào xảy ra.
Hạ Hồng Việt