Nghẹn ngào trên thềm lục địa phía Nam
Trong chuyến công tác Trường Sa trên tàu quân y HQ 561, đoàn công tác số 12 gồm các cán bộ, nhân viên Viện Quân y 175, CLB giám đốc các bệnh viện phía Nam, Quân chủng hải quân, Tập đoàn Viettel và đông đảo phóng viên báo đài... đã trở về vùng biển DK1, thuộc thềm lục địa phía Nam vào đầu tuần này.
Cận cạnh nhà giàn DK1-21 (phải); nhà giàn – nhìn từ trên tàu (ảnh trên, trái); chiến sĩ trên nhà giàn đón tàu đến thăm (ảnh dưới, trái)
Trong 26 năm kể từ khi nước ta thành lập Cụm Kinh tế – Khoa học – Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (ngày 5/7/1989), các cán bộ chiến sỹ Quân chủng Hải quân, mà cụ thể là Tiểu đoàn DK1 – Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân đã gác lại những tình cảm riêng tư, những hoài bão của tuổi trẻ để có mặt làm nhiệm vụ trên các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam với muôn vàn những khó khăn, gian khổ. Sức tàn phá khủng khiếp của các cơn bão năm 1990, 1996, 1998 và 2000 đã làm đổ một số nhà giàn – nơi các chiến sĩ đang có mặt làm nhiệm vụ.
Câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sỹ nhà giàn hơn 10 năm trước đã làm cho mắt của nhiều người đỏ hoe. Đó là sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ nhà giàn DK1/3Phúc Tần khi cơn bão số 10 giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực phía Nam biển Đông chiều ngày 4/12/1990. Nhà giàn bị những cơn sóng cao 14-15m đánh nghiêng 15 độ, phá vỡ các sàn gi tầng dưới. Dưới sự chỉ huy của trung uý – trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng úy – trạm phó chính trị Nguyễn Hữu Quảng; các cán bộ chiến sỹ nhà gian đã ra sức chống chọi với cơn bão. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên đến khoảng 2h đêm thì sóng quật đổ nhà giàn, cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sỹ xuống biển, trong đó có 3 đồng chí đã hy sinh. Thượng úy – trạm phó chính trị Nguyễn Hữu Quảng đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sỹ yếu nhất để rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.
Chúng ta mãi ghi nhớ hành động anh hùng của liệt sĩ trạm trưởng Vũ Quang Chương và 8 cán bộ chiến sỹ nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên cách đây 15 năm. Trước sự hung dữ của cơn bão số 8 năm 1998, nhà giàn bị rung lắc dữ dội, nhưng vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững liên lạc với sở chỉ huy, bình tĩnh kiên cường chống chọi với con bão dữ giữa đêm tối mịt mùng với tinh thần “còn người, còn trạm”, quyết bám trụ đến cùng.
Nhưng sức người có hạn, Nhà giàn bị đổ, cả 9 chiến sỹ bị hất tung xuống biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết mình, nhưng 3 đồng chí là đại úy - trạm trưởng Vũ Quang Chương, chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng đã gửi lời chào “vĩnh biệt đất liền” để rồi thanh thản ra đi, mãi nằm lại biển khơi, hóa thân thành sóng nước đại dương...
Đó là tấm gương dũng cảm của các đồng chí: thượng úy Phạm Tào, thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là, chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sỹ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền... đã dũng cảm hy sinh thân mình, tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn, mà không một chút ưu tư, suy tính.
Để chuẩn bị cho Lễ viếng vào rạng sáng hôm sau, ngay từ buổi chiều 17/5/2015, ba chiến sỹ trên tàu HQ 561 đã tập trung ở đài lái để bày biện hương, hoa, lễ vật... Không ai bảo ai, các đại biểu trong đoàn công tác tình cờ đi ngang qua cũng ngồi xuống giúp đỡ một tay. Hoa cúc được mang theo từ trên bờ, được cất trong tủ lạnh suốt một tuần lễ qua, nên khi giở ra vẫn còn tươi rói. Hoa được cắt, tỉa từng cành. Tiền, vàng được xếp thành xấp ngay ngắn trên đế xốp.
Vòng hoa được xếp hai lớp hoa cúc, đặt lễ vật ở trên
Lễ vật đã bày biện xong. Một thành viên trẻ trong đoàn chạy lại cúng thêm một gói chè sen
Phông Lễ tưởng niệm được in trước từ đất liền. Giờ mang ra đóng trên giá.
Đồng chí Phạm Hồng Phú, chính trị viên tàu HQ 561 (phải) đích thân kiểm tra từng mối buộc và độ cân xứng của cặp dây thừng buộc vòng hoa.
Rạng sáng ngày 18/5, khi nhà gian DK1-21 thuộc cụm Ba Kè hiện ra trong biển sớm thì cũng là lúc tàu HQ 561 thả neo để tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam ngay trên boong-tàu
Thay mặt cho đoàn công tác, Đại tá Bùi Văn Thiết, Cục trưởng Cục Hậu cần Hải quân đã đọc bài phát biểu đầy cảm động: “Sự ra đi của anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Song để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí, để lại những nỗi nhớ khôn nguôi của người mẹ, người cha, người vợ, hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hàng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông mong các anh về. Niềm đau ấy, niềm thương ấy vẫn theo đuổi ngày đêm không thể xóa nhòa”.
Những khuôn mặt dạn dày sương gió của đoàn công tác sau gần 10 ngày lênh trên vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía Nam bỗng chan hòa nước mắt khi nghe kể về tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ bám trụ nhà giàn.
Vòng hoa được rước từ trên boong tàu xuống mạn phải và thả xuống biển giữa một rừng người, rừng hương, hoa...
Dẫu biết vinh quang nào mà chẳng có mất mát hy sinh, hạnh phúc nào mà không phải đổi bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt. Sự dâng hiến của các anh đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, tinh hoa của dân tộc. Song trong không gian tĩnh lặng, thành kính này, mỗi thành viên trong đoàn không thể cầm lòng..., mong sao các anh linh chứng giám, tiếp thêm sức mạnh cho quân đội ta, nhân dân ta sức mạnh; cho chúng tôi thêm ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vươn tới những thành công.
Đại tá Bùi Văn Thiết xúc động: “Hôm nay đi qua nơi các anh đã hy sinh, với tất cả những tình cảm từ sâu thẳm lòng mình, Đoàn công tác xin kính dâng hương, hoa, lễ vật cùng tấm lòng thành kính nhất lên anh linh các anh hùng liệt sỹ. Kính mong các anh an nghỉ yên lòng trong bóng hình sóng nước, luôn phù độ cho thế hệ hôm nay và mai sau mãi giữ yên biển trời Việt Nam, giữ vững biển đảo, thềm lục địa thân yêu của tổ quốc”.
Phương-Quyết-Điệp