Nghệ sĩ Chí Tâm: Hạnh phúc được gặp khán giả tri âm!
Đến giờ, nhắc đến vai Điệp trong tuồng cải lương nổi tiếng Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo, khán giả cải lương vẫn nhớ như in hình ảnh trữ tình buồn của Chí Tâm (sinh năm 1952). Nhiều năm nay, nghệ sĩ Chí Tâm vẫn hoạt động nghệ thuật một cách âm thầm lặng lẽ, giản dị nhưng đầy đam mê trong vai trò nghệ sĩ trình diễn cũng như người đưa đò đầy trách nhiệm với bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Gặp nghệ sĩ Chí Tâm sau chương trình Vầng trăng cổ nhạc 248 của HTV9 vào cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã có buổi trò chuyện về những buồn vui trên hành trình nghệ thuật của anh.
* Anh là một trong những ngôi sao thời hoàng kim của cải lương, giờ đây, anh cũng ít có cơ hội hát trên sân khấu đúng nghĩa, hoặc chương trình lớn, mà chỉ trình diễn tiệc gia đình hoặc sự kiện công ty. Anh có chạnh lòng không, thưa anh?
- Tôi quan niệm dòng đời như một dòng nước chảy, linh hoạt và uyển chuyển ở từng địa hình, hoàn cảnh khác nhau. Lúc đầu, tôi có buồn nhưng đến lúc phải thích nghi với hoàn cảnh. Sân khấu không sáng đèn thường xuyên, nếu không hát ở những nơi bạn nhắc đến, thì những nghệ sĩ còn yêu nghề hát ở đâu. Thôi thì đành vậy, khán giả ở đâu cũng là những người yêu quý cải lương, và người nghệ sĩ là con tằm vương tơ.
Điều quan trọng nhất là mình sống bằng tâm thế nào và giữ gìn đạo đức của người nghệ sĩ ra sao. Tôi không phải là một người có những hoạt động nổi trội, và giỏi thể hiện bên ngoài nhưng tôi gìn giữ mình để không có phát ngôn, hành động, cử chỉ nào khiến khán giả hạ thấp giá trị của người nghệ sĩ cải lương.
* Từ năm 2016, anh đã cộng tác với Đài truyền hình Vĩnh Long thực hiện chương trình "Khơi nguồn nhạc cổ". Chương trình kéo dài đến nay và có lượng thính giả ngày càng tăng. Mong muốn của anh qua chương trình này là gì?
- Cổ nhạc được hiểu ở đây là âm nhạc dân tộc, cụ thể là cải lương. Đây là bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc đang có nguy cơ mai một. Nếu thế hệ trước không truyền thừa, chuyển tải những nét đẹp và độc đáo cho thế hệ sau thì đến một ngày nào đó chẳng còn ai trân trọng nữa, thậm chí là không biết nó từng tồn tại.
Trong chương trình, tôi giới thiệu các bài bản cải lương, giới thiệu xuất xứ của từng bài ca, điệu hát để thính giả nắm rõ hơn và từ đây có thể khơi gợi sự yêu thích. Tôi chỉ là một cánh én nhỏ, biết là sức mình có hạn nhưng phải cố gắng cất cánh bay lên để báo hiệu mùa Xuân.
Bên cạnh đó, tôi cũng được mời vào ghế giám khảo các cuộc thi cải lương như Tài tử miệt vườn, Đường đến danh ca vọng cổ, tham gia diễn và khán giả khách mời trong Chuông vàng vọng cổ. Trong lòng tôi rất vui vì các hoạt động này đang duy trì sức sống và sự tiếp nối cho cải lương.
* Tôi có xem một video ghi lại cảnh anh và chị Tuyền, bà xã anh, đổ xăng tại một cây xăng ở Long Xuyên. Một người đàn ông trung niên bán vé số gặp anh, ông rất bất ngờ và đã ngẫu hứng hát tặng một vọng cổ trong "Lan và Điệp". Giọng hát ông ấy giống hệt giọng của anh. Cảm giác anh thế nào khi bắt gặp một khán giả tri âm như thế?
- Tôi đã rớm nước mắt vì gặp được một khán giả thuộc giọng hát và bài hát của mình và hát hay đến vậy. Anh ấy là một người lao động bình dân, mộc mạc nhưng tâm hồn nghệ sĩ bay bổng. Đó là khoảnh khắc tôi hạnh phúc nhất trong đời mình. Những khán giả như anh ấy sẽ là ngọn lửa âm ỉ tiếp sức cho cải lương tồn tại.
* Thường thì một kép chánh cải lương ngôi sao không biết chơi nhạc cụ, còn anh có thể am tường guitar phím lõm, đờn sến, đờn bầu, đờn kìm, đờn cò, đờn tranh. Động lực nào thôi thúc anh học nhiều như thế, thưa anh?
- Điều này bắt nguồn từ nhu cầu nội tại của tôi. Gia đình tôi có tiệm tạp hóa lớn thứ 3 ở thị trấn Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Công việc kinh doanh của gia đình tôi rất thuận lợi, phát đạt. Dù buôn bán nhưng ba tôi mê cổ nhạc. Ông biết chơi đàn kiểu tài tử.
Tình yêu cổ nhạc của tôi được truyền từ ba tôi. Hồi rất nhỏ tuổi, tôi đã ham thích và ba tôi gửi tôi đến các thầy ở quê dạy các bước căn bản. 7, 8 tuổi hát rành rọt. Lúc đó, ba đã dắt tôi đi hát trong các tiệc cưới ở quê và được bà con tán thưởng. Thấy tôi có năng khiếu, ba đưa tôi lên Sài Gòn thụ giáo thầy Bảy Bá tức NSND Viễn Châu. Lớp học của thầy Viễn Châu đã đủ người nên thầy gửi tôi qua cho thầy Yên Sơn. Lúc đó, thầy Yên Sơn cũng là tổng giám đốc hãng dĩa Continental. Thầy dạy tôi cặn kẽ, và viết bài hát thiếu nhi cho tôi hát. Lúc này, tôi cũng mê đờn nên xin học luôn thể. Thầy thu đĩa cho tôi và phát hành số lượng lớn. Các đài truyền thanh cũng phát lại các bài hát. Vào khoảng 12 tuổi, tôi đã nổi tiếng với nghệ danh Bé Chí Tâm. Lúc đó, tôi hát giọng nữ.
Hát được 2 năm tôi vào tuổi dậy thì bị bể giọng. Tôi không dám mạo hiểm với thanh quản của mình nên ngưng hát, trở về Trà Ôn tập trung vào việc bán buôn. Hai năm ở nhà, tôi cũng làm tốt phụ việc kinh doanh, nhưng có lúc quá nhớ nghề hát nên tôi trốn vô phòng đọc sách, và vẽ. Lúc này, tôi học thêm đờn sến.
Ba tôi gửi tôi qua Cần Thơ học nghề nhiếp ảnh. Tôi học hành nghiêm túc. Giờ rảnh lân la lại chơi với nhóm nhạc công và nhạc sĩ. Tôi chơi guitar và bắt đầu hát lại. Tôi mê tất cả những gì thuộc về cải lương và học chơi nhiều loại đờn là lý do đó.
* Bây giờ anh hầu như ở hẳn Việt Nam, điều gì đã thúc đẩy anh đưa ra quyết định này, thưa anh?
- Bất kỳ ai sinh ra và trưởng thành tại Việt Nam và đi nước ngoài định cư, đến độ tuổi nào đó đều muốn trở về. Đó là bản năng tự nhiên. Trường hợp của tôi, quê nhà vẫn là mảnh đất ấm áp dành cho nghệ thuật truyền thống. Rạp hát không sáng đèn thường xuyên nhưng nhiều khán giả muốn được nghe tôi và thế hệ cải lương vàng thập niên 1950-1960. Họ mời tôi đến hát tại tư gia trong tình thân, tôi yêu quý khoảnh khắc đó. Thỉnh thoảng, tôi được mời vào các chương trình truyền hình lớn. Với tôi được hát, và ở gần những người thân tại quê nhà là hạnh phúc.
* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện và chúc anh luôn bình an!