Ngày Xe đạp thế giới 3/6: Lan tỏa 'văn hóa đạp xe' trên toàn cầu
Từ năm 2018, Liên hợp quốc đã lấy ngày 3/6 hàng năm là Ngày Xe đạp thế giới nhằm khuyến khích việc sử dụng xe đạp cải thiện sức khỏe, bảo vệ môi trường và kích thích phát triển xã hội. Ngày Xe đạp thế giới hàng năm là dịp để các quốc gia ghi nhận những giá trị linh hoạt và bền vững của việc đạp xe.
Xe đạp góp phần làm nên giao thông bền vững
Trong bối cảnh hiện nay, khi có đến 20% lượng phát thải toàn cầu thuộc về ngành giao thông vận tải, thì xe đạp được coi là phương tiện dễ tiếp cận, an toàn, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và góp phần giảm thải khí nhà kính.
Thực tế cho thấy xe đạp là công cụ hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành giao thông, giáo dục và y tế. Ở một số khu vực kém phát triển, xe đạp là phương tiện thiết yếu cho cuộc sống của những người không có điều kiện sở hữu phương tiện giao thông cơ giới. Tại các thành phố lớn, xe đạp có thể trở thành cầu nối giữa các giải pháp giao thông công cộng. Người dân có thể dùng xe đạp để di chuyển giữa các trạm trung chuyển, điểm dừng xe buýt hay bến tàu.
Đối với những nơi chưa có cơ sở hạ tầng để phục vụ cho nhu cầu thể dục, thể thao, đạp xe là một cách giúp người dân có thể rèn luyện sức khỏe và sự linh hoạt. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thường xuyên đạp xe có thể làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, tai biến, tiểu đường hoặc ung thư. Bên cạnh đó, việc sử dụng xe đạp thể hiện rõ rệt các xu hướng “giao thông sạch”, thân thiện với môi trường.
Với những lợi ích rõ rệt như vậy, từ năm 2018, Liên hợp quốc đã lấy ngày 3/6 hàng năm là Ngày Xe đạp thế giới. Liên hợp quốc ghi nhận, xe đạp là biểu tượng của giao thông bền vững, là một trong những phương tiện giao thông đơn giản nhất, rẻ nhất, đáng tin cậy nhất và thân thiện với môi trường. Xe đạp cũng được khuyến khích sử dụng như một phương tiện xóa đói giảm nghèo; thúc đẩy phát triển bền vững; tăng cường giáo dục, bao gồm cả giáo dục thể chất, cho trẻ em và thanh niên; tăng cường sức khỏe; ngăn ngừa bệnh tật và tạo nên một nền văn hóa hòa bình.
Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đã làm thay đổi nhu cầu và hành vi vận tải, khiến nhiều thành phố phải suy nghĩ lại về hệ thống giao thông của họ. Là một phần của nỗ lực “xây dựng lại tốt đẹp hơn” (Build back better), đạp xe được coi là một phương tiện giao thông lành mạnh, xanh và tiết kiệm. Một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc được thông qua vào năm 2022 về “đưa xe đạp chính thống vào hệ thống giao thông công cộng để phát triển bền vững” đã củng cố những nguyên tắc này. Thông qua nghị quyết này, các chính phủ cam kết thúc đẩy việc đi xe đạp trong tất cả các thành viên trong xã hội, bao gồm mọi người ở mọi lứa tuổi, thành thị và nông thôn, đồng thời phát triển văn hóa đi xe đạp. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc khuyến khích áp dụng các chính sách ủng hộ, khuyến khích việc đi xe đạp và đề cao văn hóa xe đạp.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng tích cực thúc đẩy đạp xe vì vô số lợi ích của nó đối với sức khỏe và môi trường, bao gồm tăng cường hoạt động thể chất, giảm các bệnh không lây nhiễm như ung thư và tiểu đường, đồng thời giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Giống như các chính phủ trên toàn thế giới, WHO cũng công nhận đi xe đạp là động lực thúc đẩy việc đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững, bao gồm các mục tiêu về giáo dục, năng lượng, việc làm, thành phố và bất bình đẳng.
Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ giao thông "xanh". Hà Lan được coi là “vương quốc xe đạp”; trong khi Quảng Châu (Trung Quốc) đã cấm hoàn toàn việc sử dụng xe máy, người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng là chính; nhiều thành phố ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã phổ biến mô hình xe đạp cho thuế với giá rẻ, tiện lợi. Tại Mỹ, không chỉ người yêu thể thao, mà cả những người sành điệu cũng đã coi xe đạp như phương tiện đi lại hàng ngày. Trong hai thập niên qua, xu hướng đi xe đạp trong thành phố đã tăng lên đáng kể ở Mỹ, và phụ nữ là những người đi đầu. Và có một điểm chung là: mọi người được nhìn ngắm và cảm nhận tốt hơn khi thong dong trên một chiếc xe đạp.
Việt Nam nỗ lực đưa xe đạp phục vụ phát triển đô thị xanh
Đối với Việt Nam, chiếc xe đạp đã là người bạn đồng hành thân thiết của người dân Việt Nam trong cả quá khứ, hiện tại. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân ta đã sử dụng xe đạp để tiếp tế lương thực, đạn dược cho tiền tuyến. Hình ảnh những đoàn xe đạp trên đường hỗ trợ cho chiến dịch Điện Biên Phủ là minh chứng cho vai trò quan trọng của những chiếc xe đạp đối với quá trình đấu tranh giành độc lập của người dân Việt Nam.
Sau khi chiến tranh kết thúc, trước khi xe máy trở nên phổ biến, chiếc xe đạp chính là phương tiện giao thông chủ yếu của người lao động trong quá trình phát triển, phục hồi và xây dựng đất nước.
Hiện nay, xe đạp vẫn là phương tiện giao thông hữu ích với giá thành rẻ và phổ biến tại nhiều tỉnh thành Việt Nam, nhất là ở các vùng quê. Tại các thành phố lớn, ngoài những lợi ích về sức khỏe, việc đạp xe còn có thể giúp người trẻ tuổi thể hiện phong cách và cá tính của bản thân. Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã cung cấp các hệ thống cho thuê xe đạp công cộng qua các thiết bị thông minh. Đây là một giải pháp giúp người dân có thể di chuyển một cách tiết kiệm và thuận tiện giữa các điểm xe công cộng trong thành phố; đồng thời cũng là một nét văn hóa đẹp mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch.
Mới đây, ngày 29/5/2023, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng các thành phố xanh, an toàn và đáng sống hơn, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng với sự hỗ trợ của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và tổ chức HealthBridge đã ra mắt “Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị”. Hướng dẫn đưa ra các giải pháp thiết kế hạ tầng giúp người đi xe đạp an toàn và thuận tiện nhằm thúc đẩy xe đạp trở thành phương tiện di chuyển hằng ngày, phù hợp với mọi lứa tuổi và phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
“Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị” đặt ra nền tảng để các thành phố, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể trở nên "đáng sống hơn" thông qua việc cải thiện độ an toàn và khả năng dễ tiếp cận của giao thông xe đạp. Đây là một sáng kiến quan trọng, có thể truyền cảm hứng cho những thành phố khác tại châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung về phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với xe đạp, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, phù hợp tất cả người dân trong tương lai.
Sự kiện ra mắt “Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị” cũng là minh chứng cho những nỗ lực của Việt Nam trong bối cảnh dân số đô thị đang tăng nhanh, dự báo sẽ đạt 50% tổng dân số Việt Nam vào năm 2025. Tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến áp lực quản lý và cung cấp các dịch vụ công đô thị, bao gồm những vấn đề liên quan giao thông đô thị và môi trường. Hệ thống đường đô thị hiện tại thiết kế dành cho giao thông cơ giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với những nhóm tham gia giao thông dễ bị tổn thương, trong đó có người đi xe đạp. Trong khi đó, các đường phố nhỏ lại không có đủ không gian và cơ sở vật chất cho người đi xe đạp và người đi bộ.
Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: ““Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị” cung cấp các giải pháp kỹ thuật trên cả phương diện lý thuyết và thực tế cho các vấn đề hạ tầng xe đạp, phù hợp tiêu chuẩn hiện hành. Xe đạp là phương tiện giao thông dễ tiếp cận, an toàn, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và góp phần giảm phát thải khí nhà kính".
Ông Daniel Herrmann, Cố vấn trưởng dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện thỏa thuận Paris, giai đoạn II” (VN-SIPA II-GIZ) của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) Daniel Herrmann thì khẳng định, ưu tiên sử dụng xe đạp làm phương tiên giao thông hàng ngày là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp, giúp các thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện cam kết quốc gia của Việt Nam về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhìn chung các chuyên gia quốc tế đều cho rằng, giao thông đô thị cần phải đề cao vai trò của xe đạp bởi đây là một phương tiện giao thông chi phí thấp, đồng thời mang lại sức khỏe cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.