Ngày Nhà giáo Việt Nam: Sao mai Tân Nhàn ra mắt 2 MV
(Thethaovanhoa.vn) - Vào đúng dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Sao mai Tân Nhàn đã ra mắt cùng một lúc 2 MV Quê mẹ và Ký ức dòng lam với mong muốn lưu lại kỷ niệm của tình thầy trò.
- Tân Nhàn và trăn trở âm nhạc trên sàn tập Cống hiến
- Nghe album 'Yếm đào xuống phố' của Ca sĩ Tân Nhàn
Quê mẹ là một bài hát có ý nghĩa rất lớn đối với Tân Nhàn, được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng viết để dành tặng riêng cho cô. Chất liệu sáng tác chính là tuổi thơ của Tân Nhàn, âm nhạc trong bài hát cũng sử dụng chất liệu dân gian quê hương Hà Nam của cô, nơi mà nghệ thuật chèo, hát xẩm rất phát triển.
Quê mẹ là ca khúc hay nhưng cũng rất khó hát bởi giai điệu được viết trên những quãng rất cao, tiết tấu đảo phách nhiều. Ca khúc mang âm hưởng dân gian, có sử dụng tiết tấu của chèo nhưng lại có tính học thuật - đó chính “gu” âm nhạc từ trước đến nay của Tân Nhàn.
MV “Quê mẹ” là câu chuyện của một cô giáo dạy thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã dạy cho sinh viên bài hát về chính quê hương và cuộc đời cô. Cô đã đưa các bạn trở về quê, gặp mẹ của mình để các bạn hiểu hơn về mảnh đất và con người nơi đây, nhờ thế mà đã thể hiện thành công bài hát.
Và chính sự tương tác giữa thầy và trò đó đã tạo nên một kết quả học tập tốt và một MV đẹp.
Ký ức dòng lam nhạc Tuấn Phương, lời thơ Thái Duy Long cũng là một sáng tác hay. Trong MV, Tân Nhàn cũng thể hiện cùng với hai học sinh còn rất ít tuổi, mới học Tân Nhàn được 3 năm tại Học viện nhưng có tố chất giọng mang âm hưởng dân gian rõ nét: Thanh Quý và Anh Thơ. Tân Nhàn rất yêu mến 2 giọng hát này và đặt nhiều niềm tin vào sự thành công của các em trong tương lai.
Bài hát trong trẻo, dịu dàng về quê hương Hà Tĩnh, cũng chính là quê hương của hai cô học trò Thanh Quý - Anh Thơ. Trong ca khúc này, Tân Nhàn chỉ thể hiện rất ít bởi cô muốn nâng đỡ cho hai giọng hát đáng yêu này được thoả sức vùng vẫy trong sáng tác đậm chất dân gian này.
Cho ra mắt 2 MV vào đúng ngày 20/11, Tân Nhàn mong muốn lưu lại kỷ niệm của tình thầy trò, đồng thời cô muốn giới thiệu giọng hát của học trò mình tới khán giả. Bên cạnh đó Tân Nhàn muốn quảng bá dòng nhạc mang âm hưởng dân gian tới đông đảo công chúng bằng một cách tiếp cận mới, đặc biệt là sự hoà giọng giữa hai thế hệ thầy và trò trong cùng một tác phẩm âm nhạc “khó” của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.
Tân Nhàn hy vọng với cách làm này sẽ là sự cổ vũ cho nhiều các bạn sinh viên do Tân Nhàn đào tạo có thêm động lực để học tập, nỗ lực phấn đấu, kiên trì theo đuổi dòng nhạc chính thống nói chung và phong cách âm nhạc dân gian nói riêng.
Tân Nhàn sẽ cùng với các đồng nghiệp nỗ lực đào tạo các thế hệ ca sĩ tài năng để tiếp tục phát triển dòng nhạc chính thống nói chung và phong cách âm nhạc dân gian nói riêng, hoà vào dòng chảy của âm nhạc đương đại.
Tân Nhàn nhận quyết định đảm nhiệm vị trí Phó trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ ngày 28/7/2017. Trong năm 2018 cô sẽ bảo vệ luận án Tiến sĩ. Trong quá trình giảng dạy, Tân Nhàn đã đào tạo nhiều giọng ca tài năng, trong đó có 3 học sinh đạt giải cao tại giải Sao Mai đó là: Sông Thao, Lại Thị Hương Ly và Nguyễn Thanh Quý.
Hai vợ chồng cùng thành danh từ giải Sao mai 2005, Tuấn Anh giải Nhất dòng nhạc Thính phòng còn Tân Nhàn giải Nhất phong cách Dân gian. Sau giải Sao mai 2005 hai người chính thức về chung một nhà và bây giờ lại làm việc cùng nhau dưới ngôi nhà thứ 2 là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Mặc dù hiện nay đều là những ca sĩ được yêu thích nhưng cả hai vợ chồng Tuấn Anh - Tân Nhàn đều yêu thích và gắn bó với công việc giảng dạy.
20/11 năm nào cũng vậy, trong căn nhà xinh xắn của hai vợ chồng giảng viên Thanh nhạc tràn ngập hoa tươi và đầy ắp tiếng cười.
Tiểu Phong