Ngẫm ngợi cuối tuần: Nỗi khổ một loài hoa…
Nói đến hoa cứt lợn, cây cứt lợn thì nhiều người thành thị, nông thôn đều biết, ở đâu cũng có. Tên khoa học của nó tra ra là ageratum conyzoides, nhưng "mỹ tự" của nó thì không phải ai cũng biết.
Đây là một loài hoa có tên chữ rất hay là "phương thảo". Đây là loài thân cỏ, mọc ở khắp nơi như muôn loài cỏ khác, bung hoa màu tím hồng.
Mùa Xuân, trên đường đi Đồng Văn (Hà Giang), bạn để ý sẽ gặp vài chỗ những vạt hoa này mọc tràn bên triền đồi. Màu tím ngát mơ màng huyền ảo của hoa cộng với hương thơm mát nhẹ của nó tràn ngập không gian làm người ta ngây ngất.
Mùa Xuân, cỏ phương thảo lên xanh mướt, thân mập mạp, gặp mưa Xuân cây phát triển nhanh như mọi loài cỏ khác. Thân lá phương thảo mềm, ngắt một lá xoa trên bàn tay thấy mùi thơm dịu.
Sở dĩ phương thảo mang tên cây cứt lợn vì loài cỏ này không thể thiếu với người thôn quê khi làm lòng lợn. Sau khi lộn ruột, bỏ phân ở phần lòng già và phần nõn, người ra lấy cỏ này cho vào bóp kỹ cùng muối. Tinh dầu trong thân lá cây này triệt tiêu hết mùi hôi của phân lợn, tẩy sạch lòng. Có cỗ lòng lợn thơm phức thì không thể thiếu sự hợp tác của phương thảo. Lâu dần cái tên thơ mộng phương thảo bị lấp mất không còn ai biết, mà người ta chỉ gọi là cây cứt lợn vì công năng của nó. Đắc dụng quá, cái tên gắn với công năng không dứt ra được. Thế mới khổ chứ!
Thêm nữa, cây cứt lợn này còn là thành phần trong nồi nước gội đầu thần thánh của chị em ở nông thôn: Bồ kết, sả, cỏ mằn trầu, cây cứt lợn, vỏ bưởi. Gội bằng nước này tóc đen mượt dài chấm gót, hương thơm nửa làng.
Cây cứt lợn bánh tẻ lấy về giã ra vắt nước nhỏ mũi, chữa xoang cũng hiệu nghiệm. Đó là loài cây quý.
Tên loài hoa này khiến tôi nghĩ tới 2 chữ "phương thảo" trong bài thơ của một nhà thơ cổ Trung Hoa:
"Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi".
(Đại ý là: Mùa Xuân đi chơi vùng đất có cỏ thơm ngát/ Ngày Hạ ngắm màu xanh của lá sen ở ao/ Mùa Thu uống trà hoa cúc/ Mùa Đông ngâm thơ ca ngợi tuyết trắng).
Tôi biết được tên đích thị loại hoa này là lần đi Đồng Văn cùng chị Nguyễn Nguyên Bình, người từng học ở Trung Quốc, giỏi chữ Hán và chị đọc tên loại cây này cho tôi nghe.
Vì năng lực tuyệt vời làm sạch được mùi hôi phân lợn mà cây đẹp phương thảo mất đi cái tên đẹp đẽ, thơm tho, chỉ mang luôn cái biệt danh dân gian là "cứt lợn" suốt đời, nghe rất là quê cục.
Vậy đó, chớ thấy tên hoa là cứt lợn mà coi thường!