Ngẫm ngợi cuối tuần: Chùa làng
Chùa làng tôi tên nôm là chùa Nành, còn giản đơn hơn người ta bảo chùa Cả. Chùa Cả là chùa lớn nhất của tổng Nành.
Từ cửa vào, có hai hộ pháp hai bên, một vị mặt trắng, một mặt đỏ, tay cầm binh khi, dáng vẻ đường bệ, mặt nghiêm băng. Đó là hai hộ pháp canh chùa. Vị mặt đỏ gọi là ông Ác, hộ pháp võ tướng trừ gian, vị mặt trắng là ông Thiện, hộ pháp khuyến thiện. Gian chính giữa là điện thờ Tam Bảo. Hậu cung có khám nhỏ, thờ bà chúa Nành. Bà là thánh, người đã tổ chức quán xuyến việc xây nên chùa này.
Hai bên hành lang nội chùa có 18 vị La Hán. Có vị tóc xoăn, người làng bảo là "bụt ốc". 18 vị chia cho hai, mỗi bên 9 vị đều có tên tuổi và công tích tu tập.
Bốn góc nội chùa có bốn ông "Tứ trấn" tay lăm lăm vũ khí, mắt trừng dữ dội quan sát người qua lại. Đó là những vị kim cương bảo vệ chùa. Nghe mẹ kể, các vị đó trước là kẻ cướp, được Đức Phật giáo hóa, biết quay đầu là bờ, nên thành chính quả. Nghe như vậy mới hiểu: biết hướng thiện thì bất kì ai, bất kì lúc nào cũng có cơ hội. Đời phong phú lắm, tôi chỉ biết đến thế. Mãi sau này mới hiểu sơ sơ, tu là sửa mình, sửa cái sai để đi đến cái đúng. Ăn ở gọn gàng ngăn nắp, sống tử tế thiện lành cũng là tu đấy.
***
Ngày bé tôi nhiều lần mang đồ lễ cho mẹ lên chùa lễ Phật. Mà đồ lễ thì cũng chỉ là vài thứ hoa quả. Đi theo mẹ và nghe những chuyện về chùa mới biết câu "đình vua, chùa dân", nghĩa là đình nằm dưới sự quản lý của chính quyền phong kiến, còn chùa là của dân. Dân quyên góp nhau lấy tiền dựng chùa thờ Phật.
Năm, sáu chục năm trước, tôi nhớ đi chùa chỉ các bà vãi. Đàn ông không mấy ai đi chùa. Mãi sau này tôi mới hiểu, chùa chính là trường học dạy luân lý cho các bà mẹ. Các bà là "nội tướng", lo việc trong nhà và chăm sóc nuôi dưỡng con cái. Đi chùa để hiểu biết giáo lý nhà Phật về dạy dỗ con cháu trong nhà giữ lấy cái đạo đức ăn ở làm người. Nhưng năm tháng ấy, chùa không phải chỗ đến để chơi, mà là đến để trau dồi kiến thức sống cho các "nội tướng" trong mỗi gia đình.
Hiểu vậy nên tôi yêu các ngôi chùa làng. Ở đấy, các sư trụ trì hiền hậu, Nâu sồng gần gũi như cha mẹ mình. Giống như người hàng xóm, nên ai cũng cung kính với đức Phật và tôn trọng các nhà sư.
Tôi đã có dịp thăm chùa một số nước trong khu vực, tôi nhận ra chùa ta rất khác so với những nơi đó. Ở các nước bạn, chùa to, tượng Phật lớn, trang trí vàng son lộng lẫy, uy nghi... tạo ra không gian hoành tráng. Còn chùa làng ở ta thì phần lớn nhỏ hẹp, dung dị và gần gũi hơn nhiều. Phật tử đến chùa như về nhà cha mẹ, cho cảm giác ấm áp, yêu thương. Tất nhiên, theo thời gian, kiến trúc chùa cũng có những biến chuyển nhất định, nhưng các ngôi chùa làng vẫn có quy mô rất khiêm nhường.
Tôi yêu ngôi chùa làng vì nó gắn bó với tuổi thơ, và những giáo lý làm người ban đầu được học từ chùa qua những lời mẹ tôi nhắc nhở.