Ngẫm ngợi cuối tuần: Cây chuối
Dù đất chật hẹp, nhưng ở nông thôn nhà ai cũng trồng vài ba bụi. Chuối dễ trồng lại có nhiều lợi ích. Người ta trồng để lấy thân chuối chăn lợn, quả để ăn, còn lá thì dùng gói ghém… Chẳng có gì trên cây chuối bị bỏ đi cả!
Chuối có nhiều loại, chuối tiêu, chuối lá, chuối hột, chuối rừng. Giống như con người có nhiều chủng tộc như da trắng, da đen, da vàng, da nâu, da đỏ...
Ở Việt Nam thì chuối tiêu, chuối lá nhiều nhất, gần con người nhất.
Chuối không xa lạ, nhưng ngoài giá trị vật chất thì ít ai biết đến giá trị của chuối trong đời sống tâm linh con người.
***
Chuối là loài cây khá đặc biệt. Tất cả các cây chuối đều sinh ra từ một mầm củ. Chuối trên đất nước hay khắp mọi miền đều lan tỏa từ củ gốc như thế. Nói như con người thì chuối có chung một tổ tông, dù ở đâu nhưng đều là họ hàng máu mủ.
Mỗi tàu lá xuất phát từ một bẹ, các bẹ lá ôm khít lấy nhau. Lá chuối già khô đi, tàu và bẹ vẫn không rụng xuống gốc. Bẹ lá dù khô nát vẫn ôm thân chuối. Lá chuối dù gió to bão giật rách nát cả tàu mà không rời rụng, trừ khi bị dao cắt.
Chuối ra hoa, từng nải quả quay quanh thân lõi. Hoa chuối bao giờ cũng nở đến bông cuối cùng. Nải chuối được đặt lên bàn thờ vào ngày lễ tiết không phải là ngẫu nhiên. Bởi đó chính đó là tinh hoa của giống nòi mới được vị trí trung tâm trên bàn thờ đấy.
Vậy chuối như biểu tượng một gia đình, dòng họ thu nhỏ nên rất vững bền, dù thân chuối yếu mềm. Biểu tượng chuối là thủy chung đùm bọc che chắn cho nhau, là nhân cốt tình người, là cái gốc nhân nghĩa, nên khi một người nằm xuống, một khoanh chuối cắm nhang, và đôi cây chuối đặt 2 bên là lời gợi nhắc cái tình thương nhớ của kẻ sống với người ra đi, và cũng nhắc nhở cả người sống hãy nhớ lấy cội nguồn mà đùm bọc lấy nhau như thân chuối kia… Việc đó lớp trẻ không mấy ai biết!
Nhìn lại sẽ thấy văn hóa sống của cha ông rất sâu sắc, nó lặn vào trong các nghi thức. Cho nên muốn xóa đi hay thêm vào một nghi thức thì cũng nên tìm hiểu kỹ!