Nét đẹp văn hóa của người Mảng ở Lai Châu
Nằm trong số 14 dân tộc rất ít người của Việt Nam, người Mảng tại Lai Châu là một cộng đồng nhỏ bé nhưng giàu truyền thống. Với dân số khoảng 4.650 người, họ sinh sống chủ yếu tại các huyện Sìn Hồ, Mường Tè, và Nậm Nhùn, trên những triền núi cao ven sông Đà và sông Nậm Na.
Dù đời sống còn khó khăn, đồng bào Mảng vẫn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa độc đáo, đóng góp vào bức tranh đa sắc của văn hóa Việt Nam.
Bản sắc văn hóa của người Mảng
Người Mảng có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á. Tiếng nói của dân tộc Mảng phản ánh lối sống gắn bó với thiên nhiên và các hoạt động sinh hoạt thường nhật. Tuy nhiên, dân tộc Mảng không có chữ viết, và ngôn ngữ này đang đứng trước nguy cơ mai một do ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa và xu thế sử dụng tiếng Việt phổ biến.
Đồng bào Mảng tự phân biệt thành hai nhóm: Mảng Lệ (sống ở vùng thấp) và Mảng Gứng (sống ở vùng cao). Dù khác biệt về địa lý, hai nhóm vẫn giữ chung các tập quán sinh hoạt và phong tục truyền thống, tạo nên sự thống nhất văn hóa.
Dù thuộc nhóm dân tộc rất ít người, đồng bào Mảng vẫn sở hữu những tri thức dân gian quý giá, được đúc kết qua nhiều thế hệ và các giai đoạn phát triển. Những tri thức này bao gồm hiểu biết về thiên nhiên, con người, lao động sản xuất, y dược học cổ truyền, ẩm thực và trang phục.
Trang phục truyền thống của người Mảng là biểu tượng của sự tinh tế và sáng tạo. Phụ nữ mặc áo cánh xẻ ngực, chân váy dài, khăn choàng, và trang trí thêm các đồng bạc, đồng xu trên áo. Những chiếc khăn đội đầu hay dây cuốn tóc rực rỡ là điểm nhấn thể hiện sự duyên dáng.
Chị Lò Thị Cu, người dân bản Nậm Sẻ, tự hào nói: "Những ngày lễ, Tết, già trẻ ai cũng mặc trang phục truyền thống. Trông rất đẹp mắt, thể hiện niềm tự hào về dân tộc mình."
Tập quán và lễ hội
Các nghi lễ truyền thống của người Mảng gắn liền với đời sống lao động và vòng đời con người. Nổi bật trong đó là lễ mừng lúa mới và nghi lễ vào nhà mới. Những nghi lễ này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện sự gắn bó cộng đồng và niềm tin vào thiên nhiên.
Ông Pàn A Đao, người dân bản Nậm Sẻ, chia sẻ: "Khi về nhà mới, người Mảng kiêng không cho người lạ vào nhà trong 3 ngày đầu, vì họ quan niệm rằng điều đó sẽ giữ lại sức khỏe và may mắn cho gia đình." Trong khi đó, lễ mừng lúa mới là dịp để tạ ơn đất trời đã cho mùa màng bội thu, thể hiện niềm vui lao động và ước vọng mùa màng tốt tươi.
Kho tàng ngữ văn và nghệ thuật trình diễn
Cuộc sống vất vả qua năm tháng, nhưng người Mang có thể tự hào với kho tàng ngữ văn dân gian phong phú với nhiều truyện cổ, bài hát dân ca và tục ngữ. Những câu chuyện như Chuyện quả bầu, Ba vị thần nhà trời hay Tục xăm cằm không chỉ là những câu chuyện giải trí mà còn chứa đựng giá trị giáo dục và lý giải về phong tục, tập quán.
Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mảng thể hiện rõ nét qua tiếng sáo dài và các bài dân ca. Tiếng sáo "lờ lầm" được coi là tài sản quý giá, vang vọng trong các dịp lễ hội và cả lúc nông nhàn. Các điệu múa dân gian như múa trồng lúa, múa giã gạo mô phỏng lại các hoạt động lao động, phản ánh cuộc sống thường nhật một cách sinh động và nghệ thuật.
Bà Tào Mê Tướng, một nghệ nhân ở bản Nậm Sảo, chia sẻ: "Ngày xưa, nam và nữ hát đối đáp với nhau, nhưng giờ không còn nam biết hát nên chúng tôi hát với nhau cũng thấy vui." Những lời chia sẻ này cho thấy sự chuyển biến trong việc lưu giữ văn hóa dân gian, đòi hỏi nỗ lực hơn để truyền lại cho thế hệ sau.
Nghề thủ công và ẩm thực
Người Mảng khéo léo trong các nghề thủ công như đan lát, làm gốm, và may trang phục. Một sản phẩm đặc trưng của họ là "bem" – chiếc giỏ đan bằng tre, nứa dùng để đựng đồ đạc. Chiếc bem không chỉ là vật dụng hữu ích mà còn mang giá trị văn hóa, xuất hiện trong các nghi lễ quan trọng như lễ cưới hay vào nhà mới.
Ẩm thực của người Mảng giản dị nhưng đậm chất núi rừng. Thực phẩm chính là ngô, sắn, và các loại rau củ tự trồng. Món ăn nổi bật như thịt chuột xào hoa chuối với thảo quả, hay xôi nếp nương trong dịp lễ, Tết, vừa thể hiện sự sáng tạo trong chế biến vừa mang ý nghĩa gắn kết gia đình, cộng đồng.
Bảo tồn hồn cốt dân dộc
Trong xu thế hội nhập, văn hóa người Mảng đối diện với nhiều thách thức. Nhiều phong tục, tập quán đang dần mai một. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ chính quyền và các chương trình bảo tồn văn hóa, người Mảng đang nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc. Lễ hội "Tết cầu mùa" được khôi phục năm 2023 tại huyện Nậm Nhùn là một minh chứng tiêu biểu, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc.
Người Mảng, dù sống ở vùng núi xa xôi, vẫn lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa độc đáo. Họ là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của truyền thống trong lòng cộng đồng dân tộc Việt Nam. Với tình yêu quê hương và sự hỗ trợ từ Nhà nước, người Mảng không chỉ bảo tồn bản sắc mà còn xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, góp phần làm giàu thêm bức tranh văn hóa của đất nước.
video giới thiệu tại đây: