Mỹ: Đun nấu bằng gas có liên quan đến 12,7% số trẻ em mắc bệnh hen suyễn
Đun nấu bằng bếp gas trong hộ gia đình có liên quan đến 12,7% trẻ em mắc bệnh hen suyễn tại Mỹ. Vấn đề này được so sánh với ảnh hưởng sức khỏe từ việc hút thuốc thụ động.
Đây là kết quả nghiên cứu do tổ chức tư vấn môi trường Rocky Mountain Institute (RMI) dẫn đầu thực hiện và công bố trên Tạp chí quốc tế về Nghiên cứu môi trường và Sức khỏe cộng đồng (International Journal of Environmental Research and Public Health) hồi tháng trước.
Hiện khoảng 35% nhà bếp ở Mỹ dùng gas để đun nấu mà những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng phát thải khí nitrogen dioxide (NO2) cao hơn. Khí NO2 được cho là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự phát triển của bệnh hen suyễn và có khả năng làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp, do đó có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn cao hơn.
Trưởng nhóm nghiên cứu Talor Gruenwald, nhà khoa học dữ liệu thuộc tổ chức ủng hộ điện khí hóa Rewiring America, cho rằng phát hiện này cho thấy khoảng 650.000 trẻ em tại Mỹ đang mắc bệnh hen suyễn, những người có thể không bị mắc bệnh này nếu không tiếp xúc với bếp gas. Thậm chí, ông còn so sánh với những ảnh hưởng sức khỏe do việc hút thuốc thụ động, cho rằng "sử dụng bếp gas cũng giống như việc có người hút thuốc sống trong nhà bạn vậy".
Nghiên cứu này đã gây tranh cãi tại Mỹ giữa các phe ủng hộ và phản đối. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm kêu gọi người dân nước này chuyển sang sử dụng bếp điện hoặc bếp từ.
Theo bà, Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ sẽ giúp người dân nước này dễ dàng tiếp cận với các loại bếp điện và bếp từ. Trong khi đó, Hiệp hội Khí đốt Mỹ, tổ chức ủng hộ dùng gas đun nấu lại phản đối, cho rằng nghiên cứu này chưa tiến hành đánh giá hoặc kiểm tra dựa trên việc sử dụng thiết bị trong đời thực, tỷ lệ phát thải hoặc mức độ phơi nhiễm.
Trước đó, một nghiên cứu tương tự công bố năm 2018 cũng cho thấy 12,3% số trẻ em mắc bệnh hen suyễn ở Australia là do bếp gas.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hen suyễn là bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em, ảnh hưởng đến khoảng 262 triệu người trên toàn cầu và gây ra 455.000 ca tử vong vào năm 2019.