MU: Mourinho đã đi, nhưng bóng đá thực dụng vẫn ngự trị
(Thethaovanhoa.vn) - Không ít người đã tỏ ra mãn nguyện khi Jose Mourinho chia tay M.U theo một cách không thể tệ hại hơn: bị sa thải. Thêm một lần nữa trong sự nghiệp không ít vinh quang và nhiều thăng trầm của vị HLV người Bồ Đào Nha, ông thất bại nặng nề ở mùa bóng thứ ba.
1.Nhiều người nói rằng, thứ bóng đá thực dụng của Mourinho đã chết, ông đã cũ kỹ, bảo thủ, trì trệ, không chịu thay đổi, và không còn là người đặc biệt nữa. Thực tế, triết lý của Mou không được các học trò và người hâm mộ M.U ủng hộ, bởi đó không phải là thứ bóng đá họ muốn thấy.
Và ở một giải đấu đậm chất tấn công như Premier League, với những HLV thích lối chơi cống hiến kiểu Guardiola hay Klopp, thì những người như Mourinho đã trở nên lạc lõng và không hợp thời, nhưng xu hướng chung của bóng đá thế giới trong năm 2018 vẫn là bóng đá thực dụng, vấn đề là thực dụng đến mức nào để có thể chấp nhận được và không đến nỗi bị cho là quá tiêu cực như Mourinho.
Thực dụng chính là cách duy nhất để dẫn đến đến những chiếc Cúp vàng trên tầm châu lục và thế giới. Một ví dụ tiêu biểu: Chính đội tuyển Việt Nam đã vô địch AFF Cup 2018 lối đá ấy, và HLV Park Hang Seo, đã được gọi là thầy (không phải là “thầy giáo”, mà là “bậc thầy”, đã nâng tư duy bóng đá thực dụng với các lứa đội tuyển Việt Nam thành một nghệ thuật.
2.Đấy là nghệ thuật phải áp dụng của một đội bóng không phải “đại gia”. Nhưng chính các “đại gia” cũng đã phải giảm bớt chất lãng mạn và duy trì một liều lượng không nhỏ chất tính toán để có danh hiệu. Pháp đã vô địch World Cup 2018 theo cách đó, chơi một vòng bảng thực sự tẻ nhạt và cuối cùng mới bùng nổ từ vòng knock-out. Báo chí Pháp từng chỉ trích Didier Deschamps, vì HLV đội Pháp đã từ bỏ lối chơi rất phóng khoáng mà đội áo Lam đã thể hiện ở EURO 2016.
Nhưng sau thất bại ấy, Deschamps đã hiểu rằng, chỉ có thể chiến thắng bằng sức mạnh của tập thể, bằng sự toan tính và việc phòng ngự tốt. Chất thực dụng ấy được bổ sung bằng tốc độ của Mbappé và khả năng chỉ huy tuyến giữa của Pogba đã đưa họ đến chức vô địch World Cup đầu tiên sau 20 năm.
Real Madrid là một ví dụ khác. Đội bóng dưới tay Zidane trong những năm tháng vị HLV người Pháp ở đây là một cỗ máy điển hình pha trộn tư duy chắc chắn và thực dụng của người Ý, cùng khả năng bùng nổ với những bàn thắng để đời của Cristiano Ronaldo. Họ không chơi cống hiến và mạnh mẽ kiểu Man City. Họ không cần tập hợp một dàn siêu sao tấn công như PSG, một ví dụ điển hình của bóng đá nhà giàu “người khổng lồ chân đất sét” lấy tấn công làm lẽ sống. Họ cũng không lãng mạn như Barcelona của Messi. Nhưng họ là một tập thể đúng nghĩa hơn những đội bóng khác. Họ biết vượt qua những khó khăn, biết tỏa sáng đúng lúc và rồi, bước vào các trận chung kết với tư cách của một nhà vô địch còn trước cả khi trái bóng lăn.
Ai đó sẽ bảo, Real của Zidane thậm chí có thể thực dụng đến mức bẩn thỉu, như cách Ramos đã bẻ tay Salah và do đó loại bỏ chân sút người Ai Cập khỏi trận chung kết Champions League, khi tỉ số đang là 0-0. Đấy chính là bước ngoặt đưa Real đến chiến thắng. Tôi không tin Zidane lại muốn chiến thắng theo cách ấy, và “tai nạn” ấy không thể hủy hoại danh tiếng của anh.
3.Ví dụ cuối cùng và cũng là kinh điển nhất: Liverpool. Đội bóng của Klopp đã thay đổi một phần triết lý, để từ tấn công toàn lực, với những trận thắng 3 đến 4 bàn, với những màn trình diễn siêu hạng của bộ ba Salah-Firmino-Mane, thành một Liverpool đậm chất thực dụng hơn, với những thủ lĩnh mới xuất hiện ở tuyến giữa có tên Alisson và Van Dijk. Không ngạc nhiên, khi lúc này, họ đã hơn nhì bảng Spurs 6 điểm, ĐKVĐ Man City 7 điểm, đang là đội thủng lưới ít nhất Premier League (chỉ 7 bàn sau 18 trận) và là đội duy nhất bất bại. Chức vô địch Anh đầu tiên của Liverpool sau gần 30 năm sẽ được xây lên từ phía sau…
Anh Ngọc