loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu Jose Mourinho vẫn giữ nguyên cách làm việc hiện tại, sẽ rất khó để HLV người Bồ Đào Nha tìm được công việc ở một đội bóng lớn cũng như gặt hái thành công giống như trong quá khứ.
Ban lãnh đạo M.U quyết định không cấp tiền cho Ole Gunnar Solskjaer mua sắm trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông do hậu quả Jose Mourinho gây ra.
Jose Mourinho đã xây dựng sự nghiệp của mình trên 3 tiêu chí là kết quả, sự gắn kết và thương hiệu. Mourinho vẫn tại vị khi một trong 3 tiêu chí trên mất đi. Có lúc, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha vẫn giữ được vị trí khi 2 tiêu chí giúp ông thành công biến mất. Nhưng khi cả 3 tiêu chí trên không còn nữa, đó là lúc triều đại của Mourinho sụp đổ.
Ít HLV nào có thể đề cập nhiều tới những thành tích trong quá khứ của mình trong các cuộc đối thoại như Mourinho. HLV người Bồ Đào Nha thường lôi quá khứ ra như điều tự hào và thường dùng chúng để châm chọc đối thủ. Hồi ở Inter, Mourinho đã dùng cụm từ “Zeru Tituli” để trêu tức các HLV khác của Serie A khi cho rằng Inter của mình sẽ thống trị Serie A. Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha thậm chí còn gọi HLV Arsene Wenger là “chuyên gia thất bại”. Sau trận thua trước Totttenham ở mùa giải này, HLV người Bồ Đào Nha lấy 3 danh hiệu vô địch Premier League trong quá khứ ra và đòi người khác “tôn trọng”.
Quả thực ít HLV nào trong lịch sử bóng đá giành được nhiều danh hiệu một cách nhanh chóng như Jose Mourinho. Và bất cứ khi nào đối mặt với sự chỉ trích, Mourinho thường giơ 3 ngón tay lên và lôi những danh hiệu trong quá khứ ra để đáp trả. Có điều, những thành tích ấn tượng của Mourinho lúc này chỉ là quá khứ và hiện giờ, HLV người Bồ Đào Nha chỉ còn là cái bóng của mình mà thôi.
Mourinho đã phải khăn gói rời Real Madid sau khi gây chiến với những trụ cột trong phòng thay đồ của đội bóng này. Ông đã lần thứ 2 bị Chelsea sa thải sau khi đội bóng này rơi vào khủng hoảng và ở gần với nhóm “cầm đèn đỏ” trên BXH. Những vấn đề của Mourinho ở Real Madrid và Chelsea xuất hiện sau khi ông giành được danh hiệu VĐQG. Còn tại M.U, “Người đặc biệt” không đạt được thành công như mong đợi và đó là một trong những nguyên nhân khiến ông phải ra đi. Trên thực tế, M.U là đội bóng duy nhất mà Mourinho dẫn dắt không giành được danh hiệu nào ở giải VĐQG.
Hiện giờ, các CLB đã ý thức được rằng mình là một phần của ngành công nghiệp giải trí còn các cầu thủ là những tài sản cần được bảo vệ, thì việc Mourinho gây chiến với các cầu thủ, đổ lỗi cho ban lãnh đạo, bảo vệ lối chơi thực dụng của mình đã khiến chính HLV này đối mặt với tình cảnh bị sa thải. Điều đó cũng làm dấy lên câu hỏi, liệu có đội bóng lớn nào dám thuê Mourinho nữa hay không, khi mà HLV người Bồ Đào Nha lúc này đã chạm đáy sự nghiệp huấn luyện?
Trong thời kỳ đỉnh cao của mình, Jose Mourinho đã được các CLB lớn xếp hàng để chào đón. Nhưng lúc này, có rất ít đội bóng lớn ở châu Âu để mắt tới ông. Mourinho đã được liên hệ trở lại Inter Milan, nhưng Luciano Spalletti đã giành được niềm tin của ban lãnh đạo CLB này. Trước đây, Mourinho từng trở lại Chelsea, nơi mà ông đã gặt hái được thành công và sau đó, kết cục của việc tái hợp này như thế nào, mọi người đều rõ.
Tại Old Trafford, Mourinho đã khiến “Quỷ đỏ” có khởi đầu tồi tệ nhất ở Premier League. Cho đến giữa tháng Mười hai năm nay, M.U thủng lưới tới 29 bàn, nhiều hơn số bàn thua mà họ nhận ở mùa giải 2017-18, khi về đích ở vị trí thứ 2. Hai danh hiệu mà Mourinho giành được ở M.U là chức vô địch Europa League và Cúp Liên đoàn Anh là quá nhỏ bé so với tham vọng của CLB cũng như danh tiếng của HLV người Bồ Đào Nha.
Trong phần lớn sự nghiệp của mình, Mourinho đã gây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với các cầu thủ và sử dụng triệt để yếu tố này để tạo nên thành công. Bên cạnh đó, Mourinho cũng tạo ra sự gắn kết trong đội hình nhưng ở M.U, HLV người Bồ Đào Nha đã không thể có được điều này trong giai đoạn cuối mà ông dẫn dắt đội bóng. Có quá nhiều cầu thủ trong đội hình của M.U không có mối quan hệ tốt với Mourinho. Họ không cảm nhận được sự tin tưởng từ HLV người Bồ Đào Nha và kết quả là sự rạn nứt đã xuất hiện trong phòng thay đồ của đội bóng.
Với hàng loạt kết quả tồi tệ, Mourinho chỉ còn một thứ duy nhất giúp ông chống lại trước các cơn bão chỉ trích và sức ép ngày càng gia tăng: thương hiệu của mình. Nhưng tại M.U, Mourinho đã tự hủy hoại thương hiệu của mình. Ông không còn thể hiện được rằng mình là một HLV có thể giành được thành công nhanh chóng như trước. Sau 2 mùa giải cầm quân ở M.U, Mourinho vẫn chưa có được danh hiệu Premier League nào với “Quỷ đỏ”. Thậm chí các CĐV có cảm giác đội bóng đang bị mắc kẹt với một HLV đã lỗi thời về mặt chiến thuật, người không thể mang lại thứ bóng đá giải trí hay các kết quả như họ mong đợi.
Các hành động của Mourinho ở M.U ngày càng trở nên kỳ dị, từ việc tống cổ Paul Pogba, cầu thủ đắt giá nhất lịch sử CLB, lên ghế dự bị cho đến việc đổ lỗi cho ban lãnh đạo về hoạt động chuyển nhượng. Có một ranh giới giữa sự tự tin và sự ảo tưởng ở đây. Mourinho đơn giản là đã vượt qua ranh giới đó quá nhiều lần.
Sau khi rời M.U, Mourinho nhận được số tiền bồi thường lớn và ông sẽ có nhiều thời gian để suy ngẫm về những gì đã trải qua. Nhiều người chỉ trích triết lý bóng đá của Mourinho đã lỗi thời. Ngoại trừ Atletico Madrid, hầu hết các đội bóng lớn của châu Âu đều thi đấu với triết lý khác. Họ chơi một cách chủ động với thứ bóng đá tấn công hấp dẫn. Mourinho sẽ cần phải thích nghi với xu hướng mới của bóng đá và trên hết, ông cần phải lấy lại hình ảnh của mình, vốn đã bị hủy hoại rất nhiều trong khoảng thời gian HLV này cầm quân ở Tây Ban Nha và Anh.
Nếu như Mourinho nhận được cơ hội làm việc ở một đội bóng lớn và đối mặt với những khó khăn, ông không thể phản ứng giống như ở Real Madrid, Chelsea hay M.U. Thay vào đó, Mourinho cần lùi lại một bước, hạ thấp cái tôi của mình xuống để tìm ra những giải pháp hiệu quả. Bóng đá thế giới đã thay đổi rất nhiều và đã tới lúc, Mourinho cũng cần điều chỉnh lại bản thân mình.
Sơn Tùng
Theo ESPN
loading...