Một HLV nội cần cơ chế hoàn hảo
(Thethaovanhoa.vn) - Những gì diễn ra ở Liên đoàn thời gian qua cho thấy tại sao những HLV nội xuất sắc nhất đôi khi lại từ chối dẫn dắt đội tuyển. Và một sự thay đôi lúc này là cần thiết. Phân tích của nhà báo Phạm Tấn với ông chủ quán cà phê.
- VFF chưa gia hạn hợp đồng với HLV Miura là một dấu hiệu!
- VFF và nỗi khó xử mang tên Miura
- Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức: 'Có Messi, Ronaldo U23 Việt Nam vẫn thua'
- Nhà báo Phạm Tấn: Những gì diễn ra xung quanh HLV Miura cho thấy dường như hình ảnh HLV đội tuyển còn được mượn để dùng cho những mục đích khác nhau của một số người có trách nhiệm ở Liên đoàn.
Các HLV nội họ có đủ nhạy cảm để hiểu điều đó. Một môi trường làm việc như thế là quá rủi ro trong khi họ còn phải đương đầu với sức ép từ dư luận trên khía cạnh lối chơi và thành tích.
Quy trình tuyển chọn HLV đội tuyển thời gian qua có vấn đề trong khi đây là yếu tố có thể giảm thiểu được những nguy cơ từ một bộ máy khó có khả năng hàn gắn giữa các vị trí chủ chốt là 5 thành viên trong Thường trực VFF Chủ tịch, ba Phó Chủ tịch và một ông Trưởng ban bóng đá trong nhà.
Liên đoàn cần phải thay đổi trước khi thay HLV - Ảnh: VSI
+ Quy trình tuyển chọn HLV trưởng trước đây thế nào?
Cách đây 10 năm, khi đội tuyển thiếu HLV trưởng do ông Tavares bị sa thải sau thất bại ở AFF Cup 2004, Hội đồng HLV quốc gia đã chọn được hai ứng viên là ông Alfred Riedl và Henrique Calisto. Họ thực ra không phải là HLV mới hay lạ. Và khi Hội đồng cũng không đủ tự tin để lựa chọn một trong hai.
Việc lựa chọn này được chuyển qua cho Thường vụ Liên đoàn khi ấy gồm 12 người. 8 người chọn ông Alfred Riedl, còn 4 người chọn ông Calisto. Đa số thắng thiểu số. Đây thực tế không phải là quy trình tối ưu duy nhất, nhưng rõ ràng nó huy động được vai trò Hội đồng tư vấn có chuyên môn và thể hiện vai trò tập thể.
Đôi khi chúng ta cũng thấy nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn HLV chỉ đơn thuần thể hiện ý chí cá nhân, như người Thái trước đây chọn ông Peter Withe chẳng hạn, hoàn toàn do Chủ tịch Liên đoàn ở đó có quan hệ tốt với người Anh. Việc chúng ta lựa chọn HLV Miura trước kia cũng có phần nào tương tự, do Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mong muốn bóng đá Việt Nam được Nhật hóa tối đa.
Nhưng khi các thành viên thường trực không cùng nhìn về một hướng thì vấn đề nảy sinh, dù cho lúc ban đầu có thể cũng có sự đồng thuận, hoặc ít ra cũng là sự im lặng trước sự lựa chọn ông Miura.
+ Nhưng thông qua một quy trình như trên có lẽ cũng chỉ để đối phó khi đội tuyển thất bại trong đó có nguyên nhân HLV trưởng không phải là người thích hợp. Hội đồng HLV quốc gia cũng không phải là giải pháp toàn diện.
- Khi ông Alfred Riedl thất bại, rồi ông Calisto thay thế và mang về chiếc cúp vàng AFF 2008 cho thấy sự lựa chọn ban đầu không chuẩn. Quy trình ở đây quả đúng là để không ai phải chịu trách nhiệm về sau. Hội đồng HLV quốc gia như chúng ta từng phân tích đúng là có thời điểm chỉ hữu danh vô thực, lại có thời điểm nó giống như một CLB hưu trí vì toàn những HLV thất nghiệp hoặc quá tuổi được mời vào, rồi lại có lúc Chủ tịch Hội đồng chính là Phó Chủ tịch VFF nên thành gia người tư vấn cho Liên đoàn về chuyên môn cũng chính là Liên đoàn.
HLV Miura đã trở thành cái bung xung trong những mâu thuẫn không được giải quyết ở VFF - Ảnh Anh Đức
Nhưng giờ đây Hội đồng HLV đã bớt tính hưu trí hơn nhờ có những HLV như Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng, Kim Chi bên cạnh ông Nguyễn Sỹ Hiển và Mai Đức Chung. Các HLV trẻ có thể tự mình tìm hiểu thế giới bóng đá bên ngoài, tự thẩm định các ứng viên, tự tiếp cận với những xu hướng hiện đại thì có thể giải quyết được vấn đề nếu Liên đoàn tạo điều kiện để Hội đồng đó hoạt động thực chất, rồi bản thân những người có mặt trong Hội đồng đó làm việc có trách nhiệm.
+ Quy trình đó cũng chỉ mới là để lựa chọn. Còn để làm việc thì lại cần một môi trường?
- Tôi cho rằng môi trường hiện tại có thể làm hỏng bất cứ sự lựa chọn tối ưu nào. Cụ thể là nếu như chúng ta đã chọn được một HLV tài năng thực sự thì ông ta và đội tuyển vẫn cần nhận được sự ủng từ tất cả những người nắm giữ các vị trí quan trọng nhất trong Liên đoàn.
Chúng ta định nghĩa về một cầu thủ chuyên nghiệp, một cầu thủ hết mình vì đội tuyển là người sẵn sàng tập luyện và chơi bóng với tất cả khả năng của mình khi lên tuyển dù HLV có là ai và ông ta có ưu ái trọng dụng hay không, thì chúng ta cũng không nên coi việc những người có trách nhiệm mặc cả bằng vị trí HLV đội tuyển là bình thường.
+ Vậy bất cứ sự củng cố nào cũng cần phải bắt đầu từ VFF chăng?
- Nếu nhìn lại cả một quá trình lâu dài của BĐVN thì đa phần những người đang nắm giữ các vị trí chủ chốt thực ra cũng là những người hội tụ nhiều phẩm chất cần thiết nhất. Nhưng nếu sự rạn nứt không thể hàn gắn và lợi ích của nền bóng đá đôi khi không phải là tuyệt đối thì cần phải củng cố. Một HLV nội sẽ nhận ra bản chất của vấn đề ngay khi ông ta chưa được mời ngồi vào chiếc ghế đội tuyển. Một HLV ngoại không sớm thì muộn cũng sẽ nhận ra vấn đề đó. Và thành công là bất khả thi.
+ Chúng ta chờ đợi gì từ vai trò của Tổng cụ TDTT?
- Liên đoàn bóng đá khác mọi Liên đoàn, Hiệp hội khác. Can thiệp không có giới hạn của Tổng cục có thể bị FIFA tuýt còi. Cá nhân tôi cũng không trông đợi sự can thiệp này, và dường như Tổng cục, cơ quan quản lý nhà nước của Liên đoàn cũng muốn duy trì một khoảng cách. Thực tế là chúng ta thấy các Liên đoàn bị FIFA tuýt còi xưa nay đa phần là những nền bóng đá kém hoặc đang phát triển.
Thế nên, kỳ vọng Liên đoàn tự thay đổi xem ra khả dĩ hơn vì nhiều người ở đấy cũng là những doanh nhân cấp tiến. Họ không cần bám vào Liên đoàn để thành công.
Điều 30, Điều lệ VFF quy định về "Việc triệu tập Đại hội bất thường" Ban chấp hành triệu tập Đại hội bất thường khi có một trong các lý do sau: a) Có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số ủy viên BCH hoặc ít nhất 1/2 (một phần hai) tổng số thành viên đề nghị; b) Trường hợp vị trí Chủ tịch bị bỏ trống trong thời gian từ 06 (sáu) tháng trở lên của nhiệm kỳ; c) Trong trường hợp có hơn 1/2 (một phần hai) số vị trí trong BCH bị trống. |
Thể thao & Văn hóa cuối tuần