'Lolita' không gây chấn động ở Việt Nam - lỗi của ai?
(Thethaovanhoa.vn) - Bán 3.000 hay 5.000 bản không thể gọi là “đón nhận nồng nhiệt”, kiệt tác như Lolita ít nhất phải được 50.000 bản. Đó là một ý kiến nhân ra mắt Lolita bản dịch chỉnh sửa mới nhất của Dương Tường hôm qua.
Sáng 18/4, bản dịch Lolita của dịch giả Dương Tường ra mắt bản tái bản - năm 2015. Bản dịch được Dương Tường cùng dịch giả An Lý (cũng là biên tập viên Nhã Nam) bỏ nhiều công chỉnh sửa. Đây là phiên bản chuẩn nhất từ trước đến nay của bản dịch gây nhiều tranh cãi này.
Còn nhớ, tháng 3/2012, trong buổi ra mắt Lolita, dịch giả Phạm Anh Tuấn (biên tập đầu tiên cho bản dịch) đã nói: “Nếu Lolita không gây chấn động ở Việt Nam thì đó là lỗi của độc giả”. Sau 3 năm, chưa đủ dài nhưng có thể khẳng định: nội dung loạn luân và ấu dâm trong Lolita không còn gây sốc, thay vào đó, tranh cãi về bản dịch lại là tâm điểm.
Dịch giả Dương Tường
Bản dịch từng lên “mây xanh” lẫn xuống “bùn nhơ”
Nhân ra mắt bản chỉnh sửa này, ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc công ty Nhã Nam, cho biết: “Nhã Nam đã làm tốt nhất trong khả năng của mình. Nhiều độc giả khi giận dỗi đã nói “không thèm đọc bản dịch của Nhã Nam nữa”. Nhưng chúng tôi tin là bản dịch sẽ ngày càng hoàn thiện nhờ nỗ lực chỉnh sửa sau mỗi lần tái bản. Ai đã làm xuất bản thì sẽ hiểu điều đó”.
Trong lời bạt bản dịch, dịch giả An Lý cũng thừa nhận: “Bản dịch tiếng Việt của nhà thơ, dịch giả Dương Tường, khi ra mắt, đã nhận được nhiều chú ý và phản hồi của bạn đọc, bên cạnh sự đón nhận dành cho bản thân quyển sách. Có khen, có chê, có những ý kiến chiết trung và cũng có những cực đoan tuyệt đối thuộc cả “mây xanh” lẫn “bùn nhơ”.
“Đáng kể hơn cả là những đóng góp cụ thể, những nhận định chi li về câu chữ, mà dù thái độ đi kèm có thế nào, cũng là những tấm gương cầu lồi quý báu giúp người làm chuyên môn điều chỉnh tốt hơn”.
Dù An Lý không viết rõ về “thái độ đi kèm”, nhưng ai cũng hiểu cô đang nói về dịch giả Thiên Lương, người công khai chỉ trích Dương Tường và ra mắt bản dịch Lolita của chính mình.
Trong buổi ra mắt, đề tài so sánh giữa hai bản dịch của Dương Tường và Thiên Lương cũng được nhắc đến nhưng không nhiều. Nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh khẳng định, so với bản dịch của Thiên Lương, bản dịch của Dương Tường có trình độ sử dụng tiếng Việt cao hơn, và giỏi tiếng Việt là yếu tố quan trọng không kém giỏi ngoại ngữ trong dịch thuật.
Sách không gây sốt, nhưng “rạo rực” tranh cãi vì bản dịch
Là người dẫn chương trình buổi ra mắt 18/4, dịch giả Đinh Bá Anh viết trong bài luận dài về dịch thuật Lolita tại Việt Nam: “Trái với sự đón nhận khó có thể nói là nồng nhiệt của công chúng Việt Nam với Lolita của Nabokov (doanh số bán Lolita của Nhã Nam chưa vượt con số 3.000), thì chúng ta dường như lại thấy rạo rực hơn khi bàn về những tranh cãi quanh việc dịch nó”.
Trở lại với câu hỏi: “Lolita không gây chấn động ở Việt Nam, lỗi của ai?”, nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh khẳng định đó là lỗi của giới nghiên cứu, phê bình văn học, chứ không phải của độc giả. “Tác phẩm đã không có những bài viết, công trình nghiên cứu, giới thiệu, lý giải xứng tầm với nó” – bà Ảnh nói.
Khi được Thể thao & Văn hóa hỏi lại về doanh số phát hành của Lolita bản tiếng Việt từ năm 2012 đến nay, công ty Nhã Nam cho biết họ không thể cung cấp con số chính xác. Còn dịch giả Đinh Bá Anh nói: “Thực ra con số đó không quan trọng, vì 3.000, 5.000 hay 10.000 cũng không thể nói là đón nhận nồng nhiệt. Phải là 50.000 mới xứng đáng”.
Lolita "chinh phục" Bước nhảy Hoàn vũ Theo dịch giả An Lý, doanh số bán sách không thể phản ánh đúng và đủ sức ảnh hưởng của một cuốn sách kiệt tác, nhất là với tác phẩm thuộc hàng khó đọc như Lolita. Thậm chí, có những hiệu ứng rất bất ngờ. Ninh Dương Lan Ngọc đóng Lolita trong một tiết mục chung kết Bước nhảy hoàn vũ Chẳng hạn, trong đêm Chung kết Bước nhảy hoàn vũ vừa qua, nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc đã chiến thắng bằng màn hóa thân thành Lolita. “Đôi khi, văn chương có những hiệu ứng rất bất ngờ, không thể đánh giá một cách đơn giản thông qua những con số” – dịch giả An Lý nêu ý kiến. |
MiLy