Lỗi ở quần jeans hay cái đầu?
(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, TP. Cần Thơ vừa ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức và viên chức. Theo đó, các công chức (gồm cả nam và nữ) không được mặc quần jeans khi đi làm tại công sở.
- Hà Nội cần kiểm tra việc công chức tiếp cận, thực hiện Quy tắc ứng xử
- TOÀN VĂN Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội
Còn nhớ năm 2014, Trường Đại học Cửu Long (Vĩnh Long) cũng đưa ra lệnh cấm cán bộ, giảng viên, sinh viên không được mặc quần jeans đến trường. Chỉ mấy ngày sau, nhiềunam thanh, nữ tú của ngôi trường này vẫn hiên ngang bận quần jeans lên giảng đường, thư viện. Những người viết nên quy tắc trên bị “vỡ trận”, đành âm thầm hủy bỏ sau khi bị phản ứng quá trời.
Nếu sống dậy, có lẽ ông Leob Strauss, cha đẻ của những chiếc quần jeans có từ năm 1848 sẽ vô cùng ngạc nhiên trước lệnh cấm kỳ cụcnhư ở xứ ta.
Tôi có gắng tra google và hỏi nhiều người sống ở nước ngoài, cơ bản nhận được mẫu số chung: chẳng nơi nào cấm chuyện mặc quần jeans đến công sở cả...
Thế kỷ 21, thật đáng băn khoăn khi vẫn có những nơi, những công sở, đối xử kỳ cục với quần jeans như thế. Kỳ cục như chính giải thích của ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ (đơn vị tham mưu ra quy tắc cấm quần jeans): “công chức mặc quần jeans đến công sở thấy kỳ kỳ".
Thiết nghĩ, tư duy của ông Ba và Sở Nội vụ Cần Thơ mới là “kỳ kỳ”. Và, họ cũng nên bỏ thời gian đọc kỹ về lịch sử quần jeans – một biểu tượng thời trang bất tử - cũng như nhìn sang các nước khác xem chính khách có bao giờ nói không với với quần jeans?
“Sự thật là, nói chung, tôi trông rất chất khi mặc quần jean". Đó là lời khẳng định chắc nịch của vị cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, trong một cuộc phỏng vấn, phản bác lại những chỉ trích rằng ông mặc quần jeans không đẹp, thậm chí còn trông luộm thuộm vào năm 2014.
Ông Obama còn bị dính danh hiệu "vua mặc quần jeans của những ông bố", chỉ vì chiếc quần thùng thình ông mặc trong một trận đấu bóng chày tháng 7/2009 (ông được mời làm người phát qủa bóng đầu tiên). Sau đó, nguyên Tổng thống Hoa Kỳ nói đùa rằng đó là một kỷ niệm nhớ đời và "kể từ đó, quần jeans của tôi rất vừa vặn".
Rất nhiều lần ông Obama mặc quần jeans. Đấy không phải là phong cách, mà, có lẽ như hàng tỷ người trên trái đất này, tình cảm và sự hào hứng với quần jeans đã ngấm vào máu.
Hoặc, vợ chồng tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng thường xuyên xuất hiện với áo sơ mi, quần jeans và khoác áo vest. Trong trang phục ấy, họ đã tạo ra một hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ.
***
Riêng thế giới tỷ phú không hiếm người thường đăng đàn với quần jeans, như Steve Jobs, nhưCEO của Facebook- Mark Zuckerberg, như ông chủ Chelsea, tỷ phú người Nga Roman Abramovich. Việt Nam cũng có bầu Đức, chuyên trị quần jeans, áo phông... Họ ăn mặc thế có ảnh hưởng gì đến tài năng, hình ảnh, lợi nhuận của họ đâu. Thậm chí được coi là giản dị, gần gũi.
Việc cấm công chức mặc quần jeans ở Cần Thơ cho thấy một cách nhìn chưa thấu đáo. Nó gợi nhớ đến thời ngăn sông, cấm chợ. Thời điểm ấy, khi những làn gió văn hóa ngoại lai còn được đón nhận dè dặt, việc ăn mặc ở công sở, thậm chí ra ngoài đường, bị kiểm định rất khắt khe. Để tóc dài, mặc quần loe ra đường sẽ bị lực lượng cầm kéo xử lý ngay. Ai mặc “có vấn đề”, lập tức cả cơ quan xì xào, chỉ trỏ, thậm chí phê bình.
Thời nào cũng thế, những quy định công sở, trong đó có việc mặc là cần thiết để tạo một định chế văn hóa chung giữa cá nhân và tập thể, hướng đến hình ảnh chung văn minh. Thi thoảng báo chí phản ánh việc thành phố A, tỉnh B, Công ty C..., ban hành các quy chế thời trang công sở, dư nhất trí cũng nhiều nhưngtranh luận, phản ứng không ít. Dù vậy, những quy định cứng nhắc, không thấu tình, hợp lý, hợp cảnh, đã vô tình gây bất bình, phản tác dụng.
Một lần nữa, xin được hỏi ông Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ: mặc quần jeans thì “kỳ kỳ” ở điểm nào?
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa