Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 12 - 2017: Tiếng nói của một thế hệ mới
(Thethaovanhoa.vn) - Quá nửa những hạng mục được trao tại giải Âm nhạc Cống hiến năm nay thuộc về các gương mặt trẻ. Noo Phước Thịnh, Khắc Hưng, Lê Thiện Hiếu… đã tạo nên những bất ngờ thú vị và qua đó, phần nào cho thấy một hình ảnh mới của âm nhạc Việt Nam.
- Noo Phước Thịnh: 'Đến với Cống hiến, quả thật là một con đường rất dài'
- Cống hiến vinh danh Noo Phước Thịnh, Trần Thu Hà, Trần Lập, Khắc Hưng...
- Thảm đỏ Cống hiến 12 - 2017: Fan gọi tên Noo Phước Thịnh, Hồ Ngọc Hà, Phạm Hương...
Tôi là một ngôi sao
Khán giả theo dõi đêm trao giải Cống hiến lần thứ 12 đều khá bất ngờ với phần trình diễn của ca sĩ Noo Phước Thịnh với tiết mục Tôi là một ngôi sao. Đây là sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong dành riêng cho Noo Phước Thịnh tại chương trình The Remix và sau đó nó đã trở thành một trong những bài hit của Noo Phước Thịnh trong năm 2016.
Noo Phước Thịnh tại Lễ trao giải Cống hiến
Tôi là một ngôi sao là một tựa đề dễ làm nhiều người suy nghĩ dù lời ca của nó không liên quan đến chuyện câu chuyện “địa vị”. Nhưng tiêu đề ấy lại cài cắm một thông điệp mở về một thời kỳ mới trong âm nhạc, thời kỳ của những cá thể âm nhạc độc lập, của những hướng đi mới mang tính cá nhân cao.
Và ở đó, sẽ thấy những Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Lê Thiện Hiếu, OnlyC, Soobin Hoàng Sơn hay Khắc Hưng… đều đại diện cho những cái “tôi” mới (The New Me) tại thị trường âm nhạc Việt Nam.
Số đông các nhà báo theo dõi mảng nhạc Việt 2016 đã lựa chọn Noo Phước Thịnh ở hạng mục Ca sĩ của năm cho thấy xu thế này được dự báo không thể muộn hơn. Ca sĩ của năm được xem là hạng mục “khốc liệt” nhất tại giải Cống hiến hàng năm, một hạng mục khái quát hóa tất cả những hoạt động trong năm của những người được đề cử và những giá trị mà họ đem tới cho thị trường âm nhạc.
Năm nay, ở hạng mục này, Noo Phước Thịnh ngoài việc “đấu” với cô bạn thân là Đông Nhi thì cũng phải xoay sở bên cạnh 3 cái tên lớn hơn, có bề dày sự nghiệp hơn hẳn: Trần Thu Hà, Hà Anh Tuấn và Hồ Ngọc Hà. Nhưng cuối cùng anh đã vượt qua tất cả với 32 phiếu bầu, hơn Trần Thu Hà (được 15 phiếu), Hồ Ngọc Hà (14 phiếu), Hà Anh Tuấn (10 phiếu) và cô bạn thân Đông Nhi (được 23 phiếu).
Nhìn vào những số liệu này sẽ thấy rằng cả Noo Phước Thịnh lẫn Đông Nhi đều có số lượng bình chọn cao nhất bất chấp trong năm 2016, những cái tên còn lại đều có những hoạt động sôi nổi trên thị trường ca nhạc. Điều này có nghĩa rằng, những lá phiếu bình bầu đang nhìn về hướng xa hơn trên con đường âm nhạc của những người được đề cử. Noo Phước Thịnh và Đông Nhi đang là những nhân tố nổi bật của thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay, họ đại diện cho những xu hướng trẻ, tạo nên sự hấp dẫn với số đông công chúng từ âm nhạc của mình, vẫn còn tràn đầy năng lượng và luôn được ánh sáng của V-biz ưu ái mức cao nhất…
Cách thức ấy đã làm thay đổi khá nhiều bộ mặt âm nhạc Việt nhiều năm qua khi kiểu truyền thống đang dần bị thay thế bởi những xu hướng mới mẻ hơn.
Lê Thiện Hiếu giành giải Bài hát của năm với “Ông bà anh”
Giá trị của “Bản nguyên”
Thế nhưng, vẫn còn một điều mà chưa hẳn lớp trẻ đã thay thế được chính là ở hạng mục Album của năm. Năm nay, người ẵm giải này là Trần Thu Hà với album Bản nguyên.
Bản nguyên có tính giá trị về mặt chuyên môn khác hẳn với những đề cử còn lại và đó cũng là dự án âm nhạc có tính unique (đơn nhất) trong tất cả những album được phát hành trong năm 2016 và nó cũng đã đưa Trần Thu Hà cùng ê-kíp của mình đứng hẳn sang một bên.
Nếu như những thông điệp, cái tôi cá nhân… được các nghệ sĩ trẻ truyền đạt rầm rộ trong năm 2016 thông qua các single, MV thì Bản nguyên tiếp tục xác lập một giá trị cốt lõi mà tất cả âm nhạc Việt Nam đang ngày một cạn dần, đó là những giá trị mang tính sáng tạo trong âm nhạc.
Album Bản nguyên có được 50% bình bầu (47/94) tại hạng mục Album của năm.
Và những bản nguyên mới
Một nền âm nhạc chuyên nghiệp không thể phát triển dựa trên sự may mắn nhưng có những cú ăn may đã tạo nên những cú hích to lớn cho thị trường. Ở khía cạnh ấy, Ông bà anh của Lê Thiện Hiếu đã tạo ra một may mắn lớn cho thị trường ca nhạc Việt trong năm 2016.
Số lượng bầu chọn cao cho Noo Phước Thịnh và Đông Nhi cho thấy rằng, những lá phiếu bình bầu đang nhìn về hướng xa hơn trên con đường âm nhạc của những người được đề cử. |
Nhưng lớn hơn, Thiện Hiếu biết lồng thêm cả những giá trị cũ để làm tác phẩm của mình có sức nặng và tạo được sự đồng cảm của nhiều thế hệ.
Đó là lí do mà suốt năm qua cho dù ca khúc Sau tất cả được xem là “ca khúc quốc dân” (sáng tác: Khắc Hưng) nhưng cuối cùng Ông bà anh của Lê Thiện Hiếu vẫn chiến thắng với số phiếu khá áp đảo (51/94), trong khi Sau tất cả bất ngờ lại rớt khá mạnh (24/94).
Sự thành công của Lê Thiện Hiếu cũng đại diện cho một thế hệ ca sĩ mới có tiếng nói riêng. Họ biết chơi nhạc cụ, sáng tác, chấp nhận đi lối hẹp nhưng lôi kéo được đám đông. Thế hệ này có thể nhìn thấy phần nào trên chương trình Sing My Song mà ngay như nhạc sĩ Đức Trí đã phải thốt lên rằng “Tôi vốn chỉ xem họ trên mạng giờ thì gần như ngã ngửa vì tôi đã từng nghĩ sai về họ”.
Sing My Song phần nào khỏa lấp được cơn khát thể hiện mình của những nghệ sĩ underground (dòng ngầm), những người chỉ cần góc sân và khoảng trời để cất lên tiếng hát của mình. Và họ đã làm được trong chương trình này.
Chính vì thế, Sing My Song là lựa chọn hàng đầu của những bỏ phiếu ở hạng mục Chuỗi chương trình của năm khi nhận được 43 phiếu bầu, bỏ xa chương trình tiếp theo là In The Spolight (25 phiếu).
Kết quả Giải Âm nhạc Cống hiến lần 12 – 2017 |
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa