Làm báo ở khu tự trị Việt Bắc
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Tôi là người từng dính với nghề báo dù có 6 năm thôi, ở báo Việt Nam Độc lập, tờ báo của Đảng bộ khu tự trị Việt Bắc.
Từng cầm thẻ nhà báo nhưng chưa lần nào viết bài vì chỉ làm nhiệm vụ thiết kế. Là người trẻ tuổi nhất của tờ báo lúc ấy, nhưng mỗi khi làm việc chỉ một mình với Phó Tổng biên tập, vì ông ấy là người duyệt ma-két trước khi đưa báo đi nhà in. Dù gọi là Phó Tổng nhưng ông làm từ A đến Z, chức Tổng phải là Thường vụ, phó Bí thư khu ủy.
Thời mà báo in bằng kĩ thuật tipo, sắp chữ chì, trên cái máy rô-lăng có bánh xe đà to như bánh xe bò. Còn trình bày báo thì kẻ ô nhốt 100 chữ, và đếm chữ từng bài đến toét mắt.
Tôi còn nhớ mãi ông Ủy viên biên tập Vũ Đức Thuận rất ít nói, hay ngồi uống rượu suông với lá rau húng chắm nước mắm. Ông sống với nỗi khổ vì vợ ông bán rau ngoài chợ nên mỗi lần họp chi bộ là bị cạo lên cạo xuống vì ông là đảng viên mà cho vợ buôn bán ngoài chợ, dù chỉ buôn rau xanh để đủ nuôi 4 đứa con! Cuối cùng ông đành phải đưa vợ vào làm cấp dưỡng trong Đài phát thanh Khu tự trị thì từ ấy mới được yên thân. Còn nhiều chuyện khác nữa, không kể hết được.
Nhớ lắm, dù chỉ đứng ở tờ báo có 6 năm.
Năm 1976, giải thể hai khu tự trị thì tôi không còn làm báo nữa.
2. Nếu tính hoạt động dính với báo chí thì thời gian dài hơn.
Tôi vẽ biếm họa từ năm 1963, lúc còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông
Thuộc loại cộng tác viên vãng lai cho tờ Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Chính nghĩa, Tạp chí Khoa học kỹ thuật nông nghiệp và tờ Việt Nam Độc lập từ những năm học phổ thông, rồi tốt nghiệp lớp 10, sau về đi cày mấy năm vẫn tiếp tục vẽ biếm và tranh đả kích!
Nhớ đó là thời khó khăn, đất nước hòa bình chả mấy, lúc nào cũng bên bờ vực chiến tranh nhưng ban trị sự của tờ báo làm tốt hơn các báo bây giờ nhiều lần. Cứ báo ra, sau 5 ngày là tôi đã được bưu tá cầm cho tờ báo biếu của tòa soạn có đóng dấu kính biếu mỗi khi có cái tranh biếm được in. Văn nghệ trả cho 2 đồng, các báo khác thì đồng rưỡi nhuận bút. Để dễ hiểu thì 2 đồng được bốn bát phở bò đắp thịt hoặc gần 7 bát phở “không người lái” (nghĩa là không thịt). Trước khi rời nhà đi học, tôi ngồi tẩn mẩn cộng giấy lĩnh tiền, đựợc 2 ngàn rưỡi tất cả. Lúc ấy lương trung cấp 48 đồng, đại học là 64 đồng.
Cách làm báo những năm 1970 đơn giản lắm.
Ông Nguyễn Trọng, Ủy viên biên tập bảo: Trang cuối thì cứ lấy bản tin Thông tấn xã là đủ. Viết bài thì lấy báo cáo ở địa phương, hỏi chuyện thì bí thư đảng ủy xã mà khai thác. Không có chuyện lấy từ người dân.
Khi còn ở báo Việt Nam Độc lập, thỉnh thoảng vẽ biếm hoặc tranh vui. Nhưng về báo thì không được trả nhuận bút. Được hỏi lý do, vị ủy viên biên tập làm nhuận bút trả lời tỉnh bơ: cậu làm ở báo đã ăn lương rồi, còn trả nhuận bút gì. Nhưng không vẽ cũng không sao. Thế là tranh biếm, tranh vui có vẽ cũng chỉ gửi báo khác mới có tiền!
Báo chí bây giờ cởi mở nhiều lắm, gấp hàng chục lần vậy mà chưa đáp ứng được mong mỏi của người làm báo, của nghề báo. Nhưng trên một số báo điện tử bây giờ thì chuyện lá cải để câu khách lại nhiều đến mức không kiểm soát nổi.
Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa