'Ký ức Hội An' 2.0 ra mắt, chuyên gia nói gì?
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) - đã điều phối cuộc tọa đàm về chương trình Ký ức Hội An với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, học giả, nghệ sĩ…
- VIDEO: Ý kiến trái chiều về chương trình 'KÝ ỨC HỘI AN'
- 'Ký ức Hội An' theo dòng chảy thời gian
- Ra mắt chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh 'Ký ức Hội An'
Như ông Bùi Hoài Sơn phát biểu đề dẫn, cuộc tọa đàm được tổ chức sau những “ồn ào” trên công luận quanh vở diễn thực cảnh Ký ức Hội An. Những ý kiến trong tọa đàm cũng sẽ được Viện ghi lại và trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) ghi nhận ý kiến quanh tọa đàm về một chương trình đang “nóng” trên công luận thời gian qua.Hiện, đầu tháng 7/2018, Ký ức Hội An 2.0 ra mắt sau nhiều lần chỉnh sửa với thời lượng hơn 60 phút, ngắn hơn so với phiên bản đầu tiên.
Nhạc sĩ Quốc Trung: “Sản phẩm cần đặt đúng tên”
Đó là ý kiến của nhạc sĩ Quốc Trung - với vai trò nhà sản xuất chương trình, trong đó có Lễ hội Âm nhạc Gió mùa - Monsoon Music Festival từng giành giải Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
“Một sản phẩm cần gọi đúng tên, gọi đúng chỗ, đúng đối tượng mà tôi cho rằng nó vốn là một sản phẩm văn hóa du lịch. Nhưng khi xem xong tôi cảm nhận nó vượt lên trên một sản phẩm văn hóa du lịch vì nó hấp dẫn và có tính nghệ thuật cao.
Kịch bản chương trình khá thông minh, thi vị, nghệ thuật hóa lịch sử, không làm tính lịch sử nặng nề. Nếu là sản phẩm du lịch văn hóa thì đánh giá phải từ phía khán giả - đối tượng tiếp nhận. Nếu là sản phẩm mang tính nghệ thuật thì đánh giá từ phía tác giả. Nếu sản phẩm mang tính định hướng giáo dục, chuyển tải thông điệp của nhà nước thì lại phải nhìn nhận khác.
Một sản phẩm văn hóa du lịch, liều lượng văn hóa cũng nên ở mức độ nhất định để khách du lịch có thể cảm nhận. Họ đi du lịch có nhiều thứ để xem, nghe chứ không phải chỉ nghiên cứu văn hóa. Trong một tiếng đồng hồ không nên đặt nhiệm vụ quá lớn cho một chương trình giải trí” - nhạc sĩ Quốc Trung phát biểu.
“Bản thân tôi đánh giá sản phẩm mang đẳng cấp quốc tế. Muốn sản phẩm mang tính quốc tế phải dùng con người có đẳng cấp quốc tế. Chúng ta không nên tự ti việc sử dụng đạo diễn hay ê-kíp nước ngoài. Tôi không muốn phủ nhận nghệ sĩ Việt Nam, nhưng trong điều kiện giao lưu nghệ thuật mà chúng ta còn hạn chế ở công nghệ, kỹ năng, ngôn ngữ thể hiện… thì việc dùng ê-kíp nước ngoài là dễ hiểu.
Tôi làm Moonson Music Festival cũng cần những nghệ sĩ nước ngoài có kinh nghiệm nên tôi rất hiểu và thông cảm với nhà đầu tư của chương trình. Đây là hình mẫu cần được hỗ trợ, một dự án tâm huyết điên rồ như vậy là hiếm, đừng để nó bị chết yểu thì sẽ không ai dám làm nữa” - Quốc Trung nói thêm.
NTK Minh Hạnh: “Sẽ đáng tiếc nếu không bảo vệ chương trình này”
“Tôi đã xem Ký ức Hội An ba lần. Lần đầu tiên, khi một nhóm các chuyên gia văn hóa rủ đi xem, tôi nghĩ đây là một sản phẩm du lịch “giả” nên từ chối. Nhưng rồi bị ép đi. Tôi mua vé và thực sự choáng khi thấy sân khấu, sau 5 phút thì choáng hẳn…
Sau đó, tôi có theo dõi những phản ứng trên truyền thông thì thấy truyền thông phản ánh không sai. Nhà tổ chức có sơ hở, tuy nhiên những sơ hở đó nhỏ và không đáng có. Sẽ rất đáng tiếc nếu không biết cách bảo vệ một chương trình như thế này.
Lần thứ hai khi tôi quay lại với mục đích xem nhà tổ chức có sửa chữa gì không thì thấy vở diễn đã có điều chỉnh, theo hướng tích cực…
Tôi chỉ muốn nói, nên giữ tên Cồn Hội. Nếu không sẽ chạm đến sự tổn thương, mất đi sự tự hào của người Hội An. Vì thế, sự ủng hộ của những anh chị ngồi đây sẽ là không đủ. Vấn đề là làm sao phải giải quyết bài toán để sau 6 tháng nữa chương trình không đóng cửa, cân đối về tài chính để vởdiễn tiếp tục sống, kéo khách đến mua vé, hào hứng với vở diễn... Trong hiện trạng này nên có một số biện pháp tạo hiệu quả kép như anh Quốc Trung có thể tổ chức chương trình âm nhạc, hay tôi có thể làm một chương trình áo dài, tại sao không?”.
TS Nguyễn Thu Thủy: “Ký ức Hội An phù hợp khách du lịch”
“Sản phẩm giải trí là thứ mà ngành du lịch Việt Nam đang rất rất thiếu. Ở miền Bắc có: Tinh hoa Bắc Bộ, Ionah, Tứ phủ… Ở Sài Gòn có À ố Show… Các chương trình này giải quyết nhu cầu thưởng thức cho khách du lịch khi đến Hội An làm gì, ngoài cà phê, dạo phố…thì có thể Ký ức Hội An.
Người ta có thể tạo ra những sản phẩm nhân tạo - những sản phẩm văn hóa - để thu hút du khách. Chị Ba Lưu của Trương Nghệ Mưu là một ví dụ về sự thu hút khủng khiếp này. Thị trấn Dương Sóc cách Quế Lâm hơn 40km, nhưng hàng ngày, hơn 2.000 du khách vẫn đến đây để được tận mắt xem vở diễn đó. Vở diễn thường xuyên không còn chỗ và phải đặt trước…
Với vai trò một sản phẩm du lịch, tôi nghĩ Ký ức Hội An đáp ứng nhu cầu của du khách. Mức giá xem cũng có thể chấp nhận được… Vì các show diễn trên thế giới rơi vào khoảng 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, ở mô hình quản lý sự kiện cần quan tâm tới 6 đối tượng liên quan: Chủ trì, cộng đồng chủ nhà, nhà tài trợ, truyền thông, người thực hiện, khách mời. Trong đó, cộng đồng chủ nhà rất quan trọng. Tinh hoa Bắc Bộ sở dĩ nhận được nhiều sự ủng hộ vì sử dụng nhân dân địa phương, vì có tính chia sẻ lợi ích của cộng đồng…
Còn về cảm nhận cá nhân, tôi thấy Ký ức Hội An mọi thứ hoành tráng, nhưng thiếu cái khiến người ta ồ lên: Cái gì ấy nhỉ?”.
Hoàng Lê (ghi)