Ký tự bản ghi âm sớm nhất về âm nhạc Nam bộ - nhạc phẩm trở về từ Paris
(Thethaovanhoa.vn) - Như chúng tôi đã đưa tin: Ngày 3/12/2016, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên (giảng viên Đại học Quốc gia Australia) đã công bố phát hiện bản thu âm giọng ca nữ của người Sài Gòn trong bộ sưu tập Triển lãm Toàn cầu Paris (Exposition Universelle de Paris) của Leon Azoulay thực hiện vào năm 1900. Đây có thể bản ghi âm sớm nhất và duy nhất trên toàn thế giới về âm nhạc Nam bộ trong thời kỳ này.
Tuy hồ sơ của bài ca này có ghi là “dân ca trữ tình” nhưng nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên đặt giả thuyết bài ca này có thể có vết tích của sự hình thành ca tài tử vào cuối thế kỷ 19. (Xem thêm tại đây).
Gia tài âm nhạc Nam bộ bây giờ đã có thêm một nhạc phẩm cuối thế kỷ 19 trở về từ Paris. Hợp tác nghiên cứu tìm hiểu bản thu âm này với Nguyễn Lê Tuyên là thạc sĩ Huỳnh Khải (Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP HCM), họ vừa hoàn tất ký âm phương Tây cũng như ký âm truyền thống hò xự xang và sẽ có bài viết nghiên cứu khoa học chung.
Một điều rất thú vị là Huỳnh Khải cho biết hình như hồi thơ ấu ông đã được nghe má của ông hát bài này. Lời ca bản này phản ánh hoàn cảnh phổ biến của người phụ nữ Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, với tâm trạng đợi chờ người yêu hoặc người chồng xa nhà. 19 năm sau, chủ đề này vẫn được tiếp tục tồn tại trong bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919.
Dựa theo chủ đề này - phản ánh qua lời ca của bản thu âm - và cụm từ “vọng lang” được lặp lại nhiều lần trong bài ca, Nguyễn Lê Tuyên và Huỳnh Khải tạm đặt tên cho bài ca là bản Vọng lang. Lời ca của bản thu âm rất khó nghe vì kỹ thuật thu âm còn hạn chế, có nhiều chữ Hán - Việt và điển tích, cộng với giọng tiếng Việt cuối thế kỷ 19 khác ngày nay, nên rất khó nhận ra.
Trong quá trình ghi lại lời ca, Nguyễn Lê Tuyên và Huỳnh Khải đã thấy các trở ngại đó và quyết định công bố bản ký tự trước để giúp người nghe. Lời ca của bản này cũng có thể góp phần vào việc nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ sử dụng trong âm nhạc Nam bộ vào cuối thế kỷ 19.
Là một nghệ sĩ tài hoa uyên bác đã gắn bó với đờn ca tài tử từ lúc mới 7 tuổi, Huỳnh Khải đã tìm thấy một số nét nhạc giai điệu và tiết tấu của bản này cũng giống các nét nhạc của nhiều bài nhạc tài tử khác. Ông đã đưa ra vài ví dụ cụ thể như sau:
A. Câu nhạc “tồn liu u xáng u liu cộng” hoàn toàn giống giai điệu và tiết tấu trong nhiều bài Bắc, thí dụ như Tây thi, Cổ bản... Trong bài ca Vọng lang thì câu nhạc này được lặp lại 6 lần như sau:
1. Xui khiến xui khiến xui căn nợ
2. Trông luống trông thề nguyền chưa cạn
3. Ủ liễu ủ liễu ủ phai tàn
4. Thôi thế thôi thế thôi cho đành
5. Hương lửa hương lửa hương không thành
6. Khuya sớm khuya sớm khuya nương dựa
B. Câu nhạc “cống xê cống xê xang xự, xê xang hò xang xự” tương tự giai điệu và tiết tấu của của bài Ú liu ú xáng (Thiên bất túc). Trong bài Vọng lang có câu văn “mà gió rét tê rét tê như vậy, ôi trời Đông đã lại”.
Toàn văn bản ký tự:
Vọng lang
Bản gốc: Chanson d’Amour
Thu âm: Leon Azoulay (Paris 1900)
Ký tự: Nguyễn Lê Tuyên & Huỳnh Khải (2017)
Tình mối tình thêm mà thêm tơ liễu
Tơ kiến diệc sư hao
Đờn ca chẳng có để thêm
Thâu đêm thâu đêm thâu canh tàn
Men đắng càng, mơ màng vọng lang
Băn khoăn tư bề đêm khuya
Ra vô ra vô tư lự guồng tơ cũng là
Tơ tình chỉ mình cưu mang
Bịt bùng mây gió niệm chi
mà gió rét tê rét tê như vậy
Ôi trời Đông đã lại
cũng bởi dây tơ hồng
Xui khiến xui khiến xui căn nợ
Chi trong căn nợ
Mối sầu, mối sầu bởi do trăm đàng
tình nợ ngửa nghiêng
Lá thắm ra dòng sông
ngỡ ai nương gió mát bên bờ trăng thanh
Tiếng trống canh lầu trở canh
Giấc khuê còn kìa ai
Trông luống trông thề nguyền chưa cạn
Duyên kia còn khơi lạnh
Chút ân tình tri ngộ bạn lang
Chim Ô thước bắc cầu sông Ngân
Nỡ lòng nào cách phân
Đứt giấc mơ đau lòng Nữ Lang
Ủ liễu ủ liễu ủ, mai tàn
Ong buớm bay nhộn nhàng
Càng hổ phận mảnh hường nhan
Ngờ ai ngờ sắp giờ Đông Tây
Lá thắm chỉ hồng gió may
mối duyên cầm lợt phai
Thôi thế thôi thế thôi cho đành
Cũng thôi cho đành chuyện chồng vợ vỡ tan
Sầu là sầu tương tư, mối căn sầu tương tư
Cái duyên lỡ làng
Hương lửa hương lửa hương không thành
Non sông không thành là thời tính sao?
Nghe vẳng nghe vẳng nghe canh gà
Canh vắn trăng tàn, lạnh lùng vọng lang
Khuya sớm khuya sớm khuya nương dựa
Không nơi nương dựa, vào thở ra than
Nguyện cũng chờ, dẫu tử sanh
cho trọn niềm như tào khang.
Văn Bảy