Ký sự World Cup: Một buổi trưa ở khu chợ nổi tiếng nhất Qatar
Đấy là một buổi trưa không bình thường ở souq (chợ) Wagif, khu chợ kiểu Arab nổi tiếng nhất của Qatar. Trong khi ở nhà nguyện Hồi giáo nằm trong trung tâm chợ, người ta cầu nguyện, thì ngay ở phía ngoài, cách đó chừng vài chục mét, các cổ động viên Brazil đang hò hét chụp ảnh, còn các cổ động viên xứ Wales đang hát ca. Đây đang là World Cup mà.
Người đàn ông thân thiện mỉm cười với tôi và nói bằng một thứ tiếng Anh rất dễ chịu: "Cậu cứ vào trong đó mà chụp ảnh, chỉ cần cởi giày ra thôi". Ông là người quản lý của nhà nguyện trong chợ Wagif, và việc cho phép một nhà báo vào nơi linh thiêng của đạo Hồi ở 1 trong 5 buổi cầu nguyện hàng ngày ở đó hoàn toàn là một việc thú vị. "Cậu sẽ thấy chúng tôi cầu nguyện thế nào", ông nói.
Một thế giới của những điều kỳ diệu Arab
Bên trong nhà nguyện với những hàng cột trắng và được trải kín thảm trên sàn, những người đàn ông đang quỳ xuống cầu nguyện. Những người cầu nguyện đến ngày một đông, dép và giày bỏ phía ngoài. Họ là người bán hàng, nhân viên bốc dỡ, bảo vệ, những người lao động bình thường, và giờ là lúc họ đến với thánh Allah, cung kính quỳ lạy về phía thánh địa Mecca (hướng Đông Bắc) trong tiếng cầu kinh đang phát trên loa.
Cái nhà nguyện nhỏ ấy đã là trái tim tôn giáo của chợ Wagif từ nhiều năm qua. Trong nhiều thế kỷ, những "souq" hay "souk" như thế này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, kinh tế và xã hội của các nước Arab, trong đó có Qatar. Đấy không chỉ là những cái chợ, nơi người ta buôn bán và trao đổi, cầu nguyện và hành lễ trong các nhà nguyện, "souq" là nơi mà cuộc sống chảy trôi theo những cung bậc của nó, khi đóng vai trò là một không gian để trò chuyện, đối thoại. Họ trao đổi cho nhau không chỉ hàng hóa mà còn tin tức, quan điểm. Họ gặp gỡ và chia tay. Họ đến và đi. Nhưng những cái chợ vẫn ở đó, sầm uất hơn, trải dài hơn trong thế giới Arab, từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Bắc Phi và bán đảo Arab, với những nét kiến trúc đậm chất Hồi giáo hơn, và những tiếng cầu kinh không bao giờ mất đi mỗi ngày.
Chợ Wagif đã tồn tại gần 3 thế kỷ nay ở một khu đất cổ và vào ngày tôi đến đây, dưới cái nắng chang chang đến khó chịu của một ngày mùa Đông, tôi nhận ra sự đặc biệt của nó trong cảnh quan Doha. Nó vẫn còn những nét cổ kính của một khu chợ cổ lớn bậc nhất ngày ấy và vẻ xưa cũ của nó hoàn toàn tương phản với những cao ốc lộng lẫy và hiện đại in trên nền trời phía sau. Trong cái thế giới nho nhỏ nhưng nhộn nhịp ấy, người ta bán hầu như tất cả những gì có thể được. Những người bán hàng trùm đầu kiểu Arab đang ngồi bên những sạp bán thảm, ngay cạnh những người Arab khác mặc kiểu Âu đang chào mời mua hàng vải của họ, những gian hàng nhỏ bán đồ thủ công, trang sức và đồ lưu niệm đứng ngay cạnh những cửa kính bày biện cơ man nào là kiếm và súng cổ, những cửa hàng bán đồ chế tác từ vàng, bạc và đồng kiêu hãnh đứng hiên ngang bên những lối đi, trong khi bỗng nhiên ta có thể ngây người khi ngửi thấy mùi thơm dậy lên từ một nhà hàng ngay trong chợ. Cách đó không xa là những quầy hàng đặc trưng của vùng đất, những quầy bán gia vị. Người Arab thích gia vị. Họ đã là những chuyên gia trong việc mua bán và chuyên chở gia vị trong quá khứ. Khu chợ trở nên sặc sỡ bởi rất nhiều màu sắc và sinh động bởi biết bao thứ mùi.
Và ở một con hẻm vắng vẻ trong khu chợ, nơi vang lên những tiếng nhạc vui vẻ, một người vận chuyển đang đẩy một chiếc xe cút kít chứa hàng đến một tiệm nhỏ. Những chiếc xe cút kít khác chưa được sử dụng được dựng lên dựa vào những tường. Những chú chim bồ câu đang đậu ở đó, không biết đến những ầm ỹ ngoài kia.
Điểm nóng mùa World Cup
Nhiều người đã đi qua các khu chợ Hồi giáo ở Istanbul, Marrakech hay Cairo nói rằng, Wagif không lớn, không còn sầm uất như những nơi ấy. Hamad, một anh chàng bán nước hoa quả người Syria, người đã sống ở Doha được 10 năm, thì nói rằng, Wagif khiến anh hoài nhớ đến Al-Hamidiyah nổi tiếng ở Damascus quê anh. Nhưng những người Qatar tự hào thì khẳng định rằng, Wagif của họ là nhất, và trong một thế giới đang biến đổi, nó cũng đang chuyển mình thành một khu chợ cũ mới kết hợp.
Cách khu nhà nguyện Hồi giáo đang hành lễ vài bước chân là một biểu tượng World Cup được cách điệu để cổ động viên các nước chụp ảnh hoặc nhảy múa. Những gian hàng bán đồ lưu niệm World Cup, với áo các đội bóng (không rõ là xịn hay fake) và cờ các nước xen lẫn với những quầy hàng bán cơ man nào là ấm chén, chai lọ và đèn cầy. Ở một góc chợ, bỗng nhiên ùa ra sau những hàng cột là rất nhiều bình shisha trong một quán ăn do người Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ (người Thổ sở hữu rất nhiều nhà hàng ở Doha này). Chúng được dựng bên bờ tường, không phải để dùng ban ngày, mà là để phục vụ khách vào buổi tối, nhưng những thực khách, đa phần là fan bóng đá đang ngồi chờ phục vụ mang đồ ăn đến bàn, có vẻ không quan tâm lắm. Họ lim dim ngồi nghe nhạc và tán gẫu dưới nắng, thưởng thức một góc World Cup không World Cup. Điều duy nhất còn thiếu ở Wagif để làm cho cuộc sống này thêm ầm ỹ có lẽ là bia.
Souq Wagif chính là nơi mà tất cả các sách du lịch về Doha khuyên du khách viếng thăm. Không ngạc nhiên khi những ngày World Cup này, màu áo của các đội tuyển sặc sỡ trên những con đường của khu chợ. Cổ động viên Anh và xứ Wales tán gẫu khi gặp nhau, cổ động viên Brazil trêu ghẹo cổ động viên Argentina, trong khi cổ động viên Nhật, vốn chẳng bao giờ ầm ỹ, bình thản chụp ảnh selfie với những người bán hàng. Trên sân bóng, họ là đối thủ của nhau, nhưng ở nơi này, họ là bạn. Cái chợ bỗng trở thành một cây cầu kết nối giữa muôn người.
Buổi cầu kinh đã kết thúc, tiếng cầu kinh trên loa cũng dứt, mọi người trở về với cuộc sống thường nhật. Người quản lý nhà nguyện lại nhìn tôi mỉm cười mãn nguyện, như thể ông vừa giác ngộ được một người gia nhập đạo Hồi…
Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN, từ Doha, Qatar)