World Cup du ký: World Cup của riêng chúng tôi
Đã về đến nhà một thời gian sau khi trái bóng World Cup 2022 ngừng lăn, song những ấn tượng về giải đấu vẫn còn rất in đậm trong tôi, đến mức nhiều đêm vẫn mơ thấy mình đang trên một sân vận động nào đó hoặc đang viết bài trong Trung tâm báo chí chính (MMC) của World Cup. Và tôi biết, cũng giống như bao giải trước đã đi, những ấn tượng ấy sẽ mãi cho đến hết cuộc đời.
Đối với hàng tỷ lượt người hâm mộ xem World Cup qua tivi, giải đấu ấy gói gọn trong những hình ảnh mà họ được xem qua các trận đấu, với các bàn thắng, những pha ăn mừng, những khán đài ngập khán giả, những tình huống tranh cãi. Nhưng với những người làm báo chúng tôi, trong hơn một tháng dài có mặt ở World Cup, đó không chỉ là những hình ảnh mà chính chúng tôi cũng chứng kiến, mà còn là rất nhiều điều khác đã nếm trải và đã vượt qua.
Khi stress và mệt mỏi là bạn đồng hành
Cảm giác còn lại với tôi khi loạt luân lưu quyết định chức vô địch của Argentina trong trận chung kết ở sân Lusail là sự mệt mỏi, rất mệt mỏi và cùng với đó là hụt hẫng. Mệt mỏi, bởi khi các cầu thủ và cổ động viên Argentina đang ăn mừng trong hạnh phúc, chúng tôi tiếp tục làm việc, người viết bài, người chụp ảnh, người bình luận. Chúng tôi đổ ra ngoài sân để phỏng vấn các cổ động viên, chúng tôi vào trung tâm báo chí của sân để tiếp tục làm việc, những nhà báo khác rời Lusail về MMC để làm việc. Đêm ấy, khi tôi ngồi ở MMC viết bài đến tận hơn 2 giờ sáng, các nhóm phóng viên khác vẫn lục tục từ sân trở về đây và rồi họ lại máy tính và làm việc tiếp.
Trận chung kết ấy thực ra cũng chỉ là một trận đấu của cả một World Cup dài và mỗi ngày làm việc của chúng tôi luôn như thế, bắt đầu từ 8-9 giờ sáng, khi đã thấy các phòng làm việc dành cho phóng viên viết và phóng viên ảnh sáng đèn, các quán cafe trong sảnh MMC đông người, cho đến 2-3 giờ sáng hôm sau. Cứ thế, trong hơn một tháng, và tuỳ từng nhiệm vụ của từng người mà thời gian làm việc của họ mỗi ngày bao lâu. Nhưng tôi, một phóng viên TTXVN, không chỉ làm báo giấy, với mỗi ngày viết một trang A3 ký sự World Cup và các bài cập nhật thời sự cho trang web của báo, mà còn phải làm các chương trình bình luận và nhận xét về trận đấu, các phóng sự bên lề, các ghi nhanh xung quang các trận đấu. Đấy là một khối lượng công việc cực lớn và trung bình mỗi ngày ở Qatar, tôi làm việc từ 12 đến 16 tiếng.
Tình trạng stress và ngủ ít khiến tôi rất mệt mỏi, kể cả khi đã tập thể lực cho giải này trước cả năm. Điều tương tự cũng xảy ra với rất nhiều đồng nghiệp khác mà tôi có dịp gặp gỡ và nói chuyện. Cái chết của 3 nhà báo người Mỹ, Anh và Qatar trong thời gian diễn ra giải khiến chúng tôi cảm thấy rùng mình khi nhận ra, cứ mấy năm một lần, stress và sự mệt mỏi trở thành bạn đồng hành với cánh phóng viên chúng tôi trong một tháng của giải đấu. Và nhiều trong số chúng tôi đã tác nghiệp ở nhiều World Cup, nhiều EURO khác nhau, tức là cứ 2 năm một lần, họ lại lên đường và đắm mình trong công việc, với những gì mà tất cả cùng trải qua trong hành trình. Nhưng chưa một ai bỏ cuộc.
Khi đi World Cup và EURO đã là đam mê của cuộc đời
Tôi đã tác nghiệp trực tiếp ở 4 World Cup và 3 EURO (lẽ ra sẽ là 4, nếu như đợt EURO 2020, chuyện đi lại ra nước ngoài không rất nhiều trở ngại vì đại dịch), đã quá thấm thía những gì mà các phóng viên phải đương đầu để hoàn thành công việc. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, ở một giải đấu như thế, tôi lại ngồi nhà và xem tivi.
Trung Nghĩa, một đồng nghiệp thân thiết, một tay viết có tiếng của báo Tuổi trẻ và cũng là người đồng hành cùng tôi trong nhiều giải đấu, từng nói với tôi ở Qatar rằng, sẽ là một điều hối hận rất lớn trong đời nếu như không thể đến Qatar cho World Cup 2022 cũng như các nước đăng cai các giải World Cup khác. Một phóng viên đã chinh chiến ở những giải đấu ấy và mang trong mình đam mê lớn lao cho các hành trình, các bài viết, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách và sự vất vả thì chẳng thể nào ngồi nhà và xem các trận đấu qua màn hình trước ghế salon. Tôi cũng nghĩ như thế, và có lẽ hàng nghìn đồng nghiệp của tôi ở World Cup 2022 vừa qua này cũng thế. Họ đã đến đây, đã cháy lên trong những hành trình của bản thân, đã hoàn thành nhiệm vụ và giờ đây trở về nhà, nhưng công việc hàng ngày của họ vẫn tiếp tục.
Có lần một bạn sinh viên đã nói với tôi rằng, khía cạnh lãng mạn của một nhà báo tác nghiệp ở World Cup và EURO là gì? Tôi trả lời rằng, bạn đừng tin những bức ảnh đẹp mà tôi chụp và đăng Facebook trong những ngày diễn ra giải, đừng tin rằng những gì tôi viết trong các hành ấy chỉ đơn giản là sự đam mê và lãng mạn. Đằng sau những con chữ và hình ảnh ấy là sự trăn trở, tích luỹ tư liệu và kinh nghiệm, là mồ hôi, nước mắt và chất xám, là rất nhiều những điều mà chúng tôi đã đánh đổi-trong đó có việc xa gia đình và làm việc theo một nhịp điệu khác thường ảnh hưởng lớn lao đến tâm sinh lý. Do đó, đây không phải là một công việc lãng mạn, chẳng có khía cạnh lãng mạn nào trong công việc này. Bạn kết thúc một ngày làm việc nghĩa là bạn phải đối mặt với một nhịp độ công việc tương tự hoặc nặng nề hơn cho ngày hôm sau.
Và tôi, khi ngày hôm trước khép lại với phần công việc được giao là những câu hỏi cho ngày hôm sau, chẳng hạn ta sẽ viết về cái gì, phỏng vấn nhân vật nào, đi đâu. Khía cạnh lãng mạn nhất của công việc này có lẽ là việc được xem bài viết của mình được trình bày thế nào trên bản PDF tòa soạn gửi sau khi dàn trang xong, là việc xem phóng sự của mình được phát sóng ra sao và thu hút sự chú ý thế nào đối với dư luận, là việc đọc những lời động viên của các đồng nghiệp hoặc lãnh đạo tòa soạn. Chúng tôi đi, xét cho cùng, không chỉ để phụng sự bạn đọc và khán giả, mà còn để được sống theo cách của chính mình, trong một World Cup của chính mình một cách say mê nhất, dấn thân nhất, có ý nghĩa nhất vì được đi, được sống và làm việc với tư cách nhà báo.
4 năm nữa là một World Cup khác, trên một vùng lãnh thổ rộng lớn hơn nhiều Qatar. Bạn cứ nhìn vào bản đồ Bắc Mỹ và thấy Canada, Mỹ và Mexico cộng lại rộng kinh khủng thế nào. Nhưng vào năm 2026, trái bóng World Cup sẽ lăn trên 11 sân vận động ở Mỹ, 3 ở Mexico và 2 ở Canada. Đấy không chỉ là thách thức lớn lao về công tác tổ chức, an ninh và quản lý giải đấu trong vòng một tháng, với hàng nghìn thứ công việc khác nhau, mà còn là một thử thách cao độ đối với bất cứ phóng viên nào, trong đó có tôi, lúc đó đã 50 tuổi. Nhưng tôi hiểu rằng, với đam mê, với sức khoẻ tốt và kinh nghiệm dồi dào, 50 tuổi vẫn có thể làm việc tốt, thậm chí rất tốt. Nhiều đồng nghiệp nước ngoài của tôi ở World Cup 2022 thậm chí đã qua tuổi 60, nhưng vẫn làm việc rất hăng say. Nhưng đó là World Cup 2026, còn EURO 2024 thì đã cận kề. Chỉ còn 18 tháng nữa là giải sẽ diễn ra trên đất Đức, và tôi đã sẵn sàng lên đường. Thời gian trôi nhanh lắm, ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ thấy nó ở trước mặt rồi...
Trương Anh Ngọc là một trong số rất ít các nhà báo Việt Nam đã liên tục có mặt ở các World Cup gần đây và thực hiện một khối lượng công việc rất lớn gồm có các bài viết cho Tin nhanh Thể thao & Văn hóa, các bài viết cho trang web thethaovanhoa.vn và các phóng sự về World Cup cho Truyền hình Thông Tấn (Vnews). Cụ thể, anh đã trực tiếp tác nghiệp tại 4 World Cup ở các nước đăng cai giải đấu, là Nam Phi 2010, Brazil 2014, Nga 2018 và Qatar 2022. Trước đó, anh là biên tập viên và cũng là người viết bài cho các số Tin nhanh World Cup của Thể thao & Văn hóa ở các World Cup 2002 và 2006.
Trương Anh Ngọc