Kiệt tác 'Nativity' của Caravaggio: Số phận vẫn là bí ẩn sau 4 thập kỷ
(Thethaovanhoa.vn) - Một đêm mưa bão tháng 10/1969, những tên trộm đã đột nhập vào nhà nguyện San Lorenzo ở Palermo và đánh cắp kiệt tác Nativity with San Lorenzo and San Francesco của họa sĩ Italia Caravaggio (1571-1610). Hơn 40 năm sau vụ trộm, các chuyên gia nghệ thuật nghĩ gì về số phận của bức tranh?
Mùa Thu năm 1608, Michelangelo Merisi da Caravaggio, họa sĩ Italy độc đáo nhất thế kỷ 17 phải chạy trốn. Là người có tính cách nóng nảy, dễ bị kích động và kiêu căng, Caravaggio liên tục dính vào các vụ đánh lộn. Ông từng dí kiếm và ném đĩa atisô còn đang nóng vào mặt một người hầu bàn, chỉ vì người đầu bếp xào món đó bằng bơ chứ không phải bằng dầu.
Thiệt hại lớn của nghệ thuật phương Tây
Trước đó 2 năm, ông đã giết một người đàn ông, khi họ cãi lộn về một khoản cá cược tại một trận đấu tennis. Trước khi bị kết tội giết người, Caravaggio đã trốn khỏi Roma và sống phần đời ngắn ngủi còn lại với thân phận của một kẻ chạy trốn pháp luật.
Sau một thời gian ngắn ở Naples và Malta, Caravaggio tới Sicily, sống tại đây khoảng 1 năm. Luôn trong tâm trạng bất an, nên Caravaggio chỉ có được những cơn ngủ chập chờn. Tuy nhiên, thời gian này ông đã cho ra đời một số kiệt tác, trong đó có bức tranh Nativity with San Lorenzo and San Francesco.
Hơn 3 thế kỷ rưỡi sau đó, bức tranh này được treo trên ban thờ trong nhà nguyện San Lorenzo ở Palermo, cho tới tận năm 1969, thời điểm những tên trộm đột nhập vào nhà nguyện và đánh cắp bức tranh. Kể từ đó đến nay, không ai còn nhìn thấy lại bức tranh nữa. Trị giá khoảng 20 triệu USD, kiệt tác này hiện nằm trong danh sách những vụ phạm tội nghệ thuật chưa được xử lý xong của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Hiện nay, trong nhà nguyện San Lorenzo chỉ còn treo bản sao của kiệt tác đã bị đánh cắp.
Theo sử gia nghệ thuật Danielle Carrabino, người đang viết một cuốn sách về thời kỳ Caravaggio ở Sicily, sự mất tích của họa phẩm đã gây tổn hại lớn cho nền nghệ thuật phương Tây. “Caravaggio qua đời năm 1610, khi ông mới 39 tuổi và thực tế là chúng ta có rất ít tác phẩm của ông, chỉ khoảng 70 bức tranh. Mất đi chỉ một bức tranh cũng là tổn thất lớn” – bà Carrabino nói.
Những bức ảnh chụp kiệt tác Nativity cho thấy Caravaggio, nổi tiếng với việc nhờ dân thường làm mẫu, đã thể hiện đề tài truyền thống về Chúa Jesus theo cách thức phi truyền thống.
“Bức tranh gây ấn tượng sâu sắc. Chúa Jesus ra đời trên máng cỏ. Đức mẹ trông mệt mỏi sau khi vượt cạn. Bức tranh không chỉ mô tả khung cảnh Chúa chào đời mà còn miêu tả hình ảnh người mẹ vừa sinh nở. Bằng việc liên kết hình ảnh đó với cuộc sống thực của chúng ta, bức tranh của Caravaggio đã đến được với lượng khán giả lớn hơn” - Carrabino nhận định.
Hàng loạt tin đồn về số phận bức tranh
Kể từ khi Nativity bị đánh cắp cách đây 44 năm, đã có nhiều tin đồn về số phận của kiệt tác này. Có giả thuyết nói rằng vụ đánh cắp liên quan đến mafia và đây là đối tượng bị nghi vấn hàng đầu sau khi bức tranh biến mất.
“Mafia liên quan đến việc buôn bán bất hợp pháp các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp” - Ludovico Gippetto, người sáng lập Extroart, một nhóm các nhà hoạt động chuyên tìm kiếm tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, cho biết - “Chúng được dùng để đổi lấy ma túy và vũ khí”.
Nhiều năm qua, một số tay mafia bí mật hợp tác với cảnh sát đã tiết lộ không ít thông tin về bức tranh Nativity. Một nguồn tin trong đó nói rằng những tên đã làm hư hại bức tranh, lớn tới mức người đàn ông thuê chúng trộm tranh đã phải bật khóc.
Hướng tin đồn khác nói rằng tranh được cất giấu tại một trang trại, bị chuột và lợn gặm nát trước khi bị thiêu cháy. “Cũng có thể nó đang được cất trong một két sắt cùng với những đồng đô la và ma túy. Không loại trừ khả năng nó đã bị bán để đổi lấy kim cương ở Nam Phi” - Carrabino nói.
Ông Giovanni Pastore, người từng làm việc trong đơn vị tìm kiếm tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp của cảnh sát Italy cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2011, giải thích: “Có rất nhiều giả thuyết về vụ trộm tranh của Caravaggio. Phần lớn trong số đó dựa vào những tin đồn không đáng tin hoặc dựa vào những phân tích của cảnh sát, có thêm nếm các chi tiết hư cấu. Thực tế bức tranh đã bị cắt khỏi khung bằng một vật thể sắc như dao. Tuy nhiên, không hề có chứng cứ nào cho thấy tranh đã bị tiêu hủy. Tất cả chỉ là tin đồn”.
Mỗi năm trôi qua, cơ hội tìm thấy bức tranh lại thêm mong manh. Nhưng với cá nhân Pastore, ông vẫn tin bức tranh còn tồn tại và chỉ chấp nhận đã vĩnh viễn mất nó, chừng nào có chứng cứ xác thực việc này.
Thể thao & Văn hóa