Kiếm lời từ tổ chức thi hoa hậu không hề dễ
(Thethaovanhoa.vn) - Công ty Hoàn vũ Nha Trang vừa tuyên bố phá sản với lý do thua lỗ hàng trăm tỉ đồng trong quá trình tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2008 tại Việt Nam. Điều đó khiến không ít người giật mình, bởi đằng sau ánh hào quang sắc đẹp, hóa ra, việc kiếm lời từ tổ chức thi hoa hậu không hề dễ dàng gì.
Từ năm 1988, Việt Nam có Hoa hậu báo Tiền Phong, nay là Hoa hậu Việt Nam, được tổ chức định kỳ hai năm/lần. Sau này, hàng loạt cuộc thi hoa hậu có quy mô quốc gia xuất hiện: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Quý bà...
Việt Nam cũng thành “bến đỗ” cho không ít cuộc thi sắc đẹp tầm thế giới: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Quý bà... Tỉnh Quảng Ninh và công ty Elite Việt Nam vừa qua cũng cho biết sẽ tổ chức Hoa hậu Du lịch Quốc tế.
Việt Nam: Thi sắc đẹp phải “chờ thời”
Tuy nhiên, như chia sẻ của nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1998 – 2008, thì tổ chức thi hoa hậu chưa bao giờ có lãi.
“Ngay từ khi khởi xướng Hoa hậu báo Tiền Phong – cuộc thi sắc đẹp đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, chúng tôi đã không đặt vấn đề lỗ - lãi mà xem đây là hoạt động quần chúng để hướng thanh niên đến cái đẹp, tôn vinh con người, tôn vinh phụ nữ Việt Nam” – nhà thơ Dương Kỳ Anh nói.
Ông giải thích thêm: “Tất nhiên, một cuộc thi tôn vinh sắc đẹp có thể lỗ, nhưng thu về cái lãi khác. Phụ nữ Việt được tôn vinh không chỉ ở trong nước mà trên thế giới mang lại giá trị nhiều hơn tiền bạc”.
Trên thực tế, ngoài Hoa hậu Việt Nam được tổ chức định kỳ thì các cuộc thi sắc đẹp khác đều trong tình trạng “chờ thời”. Hoa hậu các dân tộc Việt Nam tổ chức lần đầu năm 2007, sau đó trở lại vào 2011 và 2013. Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam gián đoạn bảy năm kể từ 2008, vừa tuyên bố trở lại. Công ty Hoàn vũ Sài Gòn cho biết giữ bản quyền của Hoa hậu Hoàn vũ từ năm 2010 nhưng phải tới 2015 mới tổ chức được.
Năm 2013, tỉnh Thanh Hóa và công ty CIAT dự định tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới tại tỉnh này nhân Năm Du lịch Quốc gia. Cho tới thời điểm này, ý tưởng này đã... phá sản dù đã có hàng loạt chuyến khảo sát, tiếp xúc được triển khai.
Chia sẻ về khó khăn tổ chức một cuộc thi hoa hậu, bà Thúy Nga (Tổng Giám đốc Elite Việt Nam) cho hay, tổ chức cuộc thi tầm cỡ quốc tế không hề dễ vì ngoài tiền mua bản quyền với giá trị có thể lên tới nhiều tỉ đồng, nhà tổ chức còn phải lo ăn ở, đi lại cho hàng trăm người, lo kinh phí các vòng thi và đêm trao giải.
Được biết, theo thông tin đã công bố, bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ từng được CIAT đàm phán với giá 7 triệu USD (trước khi công ty Hoàn vũ Nha Trang đăng cai cuộc thi này vào năm 2008).
Từng là giám khảo Việt duy nhất ở cuộc thi Hoa hậu Du lịch ASEAN, nhà thơ Dương Kỳ Anh kể lại rằng, Trưởng BTC Hoa hậu Du lịch ASEAN thẳng thắn, cuộc thi chủ yếu nhằm mục đích tăng tình đoàn kết, giao lưu và phát triển du lịch Indonesia chứ họ chưa hề có lãi. “Báo Tiền Phong trước kia dám tổ chức thi hoa hậu bởi công ty Tiền Phong hoạt động có lãi nên mới chi tiền” – nhà thơ Dương Kỳ Anh tiết lộ.
Thế giới: Méo mặt vì tổ chức thi hoa hậu
Các cuộc thi hoa hậu, với đặc điểm hào nhoáng, hấp dẫn, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng, thường rất dễ mang lại lợi nhuận cho các nhà tổ chức. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp nằm ngoài quy luật thông thường này.
Năm 2013, công ty Certamen Miss Espana S.L chuyên tổ chức cuộc thi Hoa hậu Tây Ban Nha đã tuyên bố phá sản, một phần do cuộc suy thoái kinh tế ở trong nước, một phần bởi hoạt động làm ăn thường xuyên bị lỗ.
Do không thể trả nợ, Certamen Miss Espana S.L. đã bị đưa ra tòa, bị phong tỏa tài sản để xử lý. Vì khó khăn tài chính, công ty này cũng không được quyền cử đại diện Tây Ban Nha tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ nữa.
Cũng trong năm ấy, các nhà tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World) ở Indonesia kêu than rằng họ bị "lỗ nặng", sau khi phải chuyển toàn bộ địa điểm tổ chức các sự kiện có liên quan tới cuộc thi, từ Tây Java tới Bali.
"Ngay cả khi chưa phải chuyển địa điểm, chúng tôi đã bị lỗ rất nhiều và còn gánh thêm khoản lỗ lớn hơn nữa nếu các hoạt động của cuộc thi được chuyển tới Bali. Hãy hình dung đơn giản thế này: mọi sự chuẩn bị trong vòng ba năm qua phải hoàn tất trong vòng ba ngày" - Hary Tanoesoedibjo, Giám đốc điều hành MNC Group, nhà tài trợ và tổ chức cuộc thi, từng tuyên bố.
Ông cho biết ngoài thiệt hại vì phải chuyển địa điểm, ban tổ chức còn phải lo chỗ ăn, ở cho các ứng viên và đội ngũ hỗ trợ hùng hậu của họ. Những điều này đã mang tới gánh nặng tài chính khổng lồ cho MNC.
***
Không chỉ có vậy, các cuộc thi sắc đẹp đang ngày càng giảm uy tín với công chúng khi các người đẹp bước ra từ những cuộc thi này thường gây scandal. Thậm chí, ở nhiều nước trên thế giới, hoa hậu còn bị tước vương miện vì ảnh nude hoặc ứng xử phản cảm. Vì thế, nhà tổ chức các cuộc thi sắc đẹp rơi vào cảnh nợ nần cũng là điều dễ hiểu...
Hoàng Lê - Gia Bảo
Thể thao & Văn hóa