Kích hoạt định danh điện tử tại Hà Nội: Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà hỗ trợ người dân
Lực lượng Công an Hà Nội đang thực đợt thi đua cao điểm hướng dẫn nhân dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử. Những ngày này, giữa cái nắng bỏng rát và những cơn mưa bất chợt của tháng 7, không quản ngày đêm, Công an các cấp tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử.
Đến từng nhà, rà từng người
Ngay sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 28/6/2023 về việc phát động đợt thi đua cao điểm hướng dẫn nhân dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử, cùng với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng Công an các cấp đã vào cuộc khẩn trương với quyết tâm cao. Đặc biệt, để hoàn thành đợt thi đua trước ngày 30/7 với chủ đề "Đến từng nhà, rà từng người xác lập tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ Nhân dân", lực lượng Công an xã, phường, thị trấn đã có nhiều cách làm sáng tạo, bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Điển hình như tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), Công an phường, cùng Đoàn Thanh niên, giáo viên các nhà trường phối hợp với các Tổ trưởng dân phố bố trí thời gian, kể cả ban đêm trực tiếp đến nhà từng người dân hướng dẫn, giúp cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Việc hỗ trợ người dân kích hoạt còn được thực hiện ở mọi nơi, thậm chí là ở chợ hay ở trong các hội nghị tập trung đông người do phường tổ chức. Bước đầu, việc hỗ trợ đã cho kết quả cao, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Trung tá Bùi Mạnh Hà, Phó Công an phường Đông Ngạc chia sẻ, do đặc thù địa bàn rộng, dân cư đông với hàng chục tòa nhà chung cư, nhất là do công việc, sinh hoạt, buổi tối người dân mới có mặt ở nhà, việc hỗ trợ đôi lúc gặp khó khăn. Với sự hỗ trợ của Đảng ủy, UBND và tổ chức đoàn thể, đặc biệt là với tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ, các tổ công tác cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử đã làm việc bất kể ngày đêm, nắng mưa với mục tiêu hỗ trợ người dân tốt nhất, hoàn thành mục tiêu sớm nhất, theo đúng chỉ đạo của UBND, Công an thành phố.
Không quản ngại khó khăn, vất vả ngày đêm, tận tình là những lời mà người dân khu chung cư Ecohome2 dành cho cán bộ, chiến sỹ Công an phường Đông Ngạc trong "chiến dịch" hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử. Chị Nguyễn Thị Duy (ở chung cư Ecohome2) bày tỏ: "Chúng tôi rất xúc động trước những hành động, hỗ trợ người dân khu chung cư cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử, đặc biệt là các cán bộ, chiến sỹ Công an phường Đông Ngạc, qua đó nhân lên hình đẹp về người chiến sỹ Công an nhân dân hết lòng vì nhân dân phục vụ".
Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho biết, nhiều đêm khi tiếng chuông đồng hồ đã điểm sang ngày mới, những chiến sỹ Công an, cùng Tổ trưởng tổ dân phố mới về trụ sở sau khi đi từng ngõ, rà từng căn hộ chung cư hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử. Những bát mì tôm úp vội, ăn vội của những chiến sỹ Công an, để kịp thực hiện nhiệm vụ là những hình ảnh đáng nhớ trong "chiến dịch" này. Do đó, UBND phường đã và đang có những khích lệ, động viên kịp thời đến các tổ công tác thực hiện hướng dẫn nhân dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử.
Ông Nguyễn Văn Cường cho biết thêm, nhận thức rõ tầm quan trọng đợt thi đua của thành phố, cả hệ thống chính trị của phường đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNelD, nâng cao nhận thức nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của ứng dụng VNelD, tài khoản định danh điện tử đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Việc kích hoạt định danh điện tử sẽ giúp người dân có những “công cụ” thật sự thuận tiện (là một trong 7 phương thức) thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu.
Đảm bảo dữ liệu dân cư
Theo Công an thành phố Hà Nội, hiện toàn thành phố đã thu nhận tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 5.330.114 trường hợp (đạt 89%%); đã kích hoạt tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 4.471.982 trường hợp (đạt 74,7%). Đơn vị có tỷ lệ kích hoạt cao nhất là Tây Hồ (đạt 94,4%), Hà Đông (đạt 93,4%), Gia Lâm (đạt 88,7%).
Để có được kết quả nêu trên, hằng tuần, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội duy trì các buổi giao ban, tổ chức nhiều buổi họp đột xuất với các phòng nghiệp vụ và Công an cấp huyện, cấp xã để đánh giá kết quả, động viên, hướng dẫn các tổ công tác, cũng như chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị đề ra những phương pháp, cách làm, giao, nhận nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ trách nhiệm. Trong đó, phải kể đến lực lượng Công an cấp xã, phường đã có quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thực hiện chiến dịch cấp căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử, Ban Giám đốc Công an thành phố thường xuyên chỉ đạo rà soát, theo dõi và bám, nắm kết quả thực hiện hàng ngày, cụ thể đến từng đơn vị cấp xã, phường; kịp thời nhân rộng mô hình đối với những đơn vị có kết quả tốt, cách làm hay, động viên, khích lệ các tổ công tác có hiệu quả, hiệu suất công việc cao. Đối với những đơn vị có nhiều tồn tại, hạn chế và chậm chuyển biến, có hình thức phê bình, kiểm điểm nếu để ảnh hưởng đến kết quả chung của Công an thành phố do các nguyên nhân, điều kiện chủ quan.
Ghi nhận sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố cho rằng: Các nội dung nhiệm vụ liên quan đến việc đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, công tác cấp căn cước công dân và kích hoạt định danh điện tử vẫn phải là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Ngoài ra, từng tập thể lãnh đạo đơn vị phải luôn có ý thức vun đắp và duy trì sự đoàn kết, thống nhất, xác định đây là công việc chung, "không của riêng ai"; từng cá nhân lãnh đạo, chỉ huy phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cá nhân, luôn xác định tâm thế gương mẫu, đi đầu; từng cán bộ, chiến sĩ phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự đào tạo, tự bồi dưỡng, tự tu dưỡng, học hỏi, trau dồi, không ngừng hoàn thiện kỹ năng, phương pháp làm việc chuyên nghiệp... Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh: “Phải xác định nhiệm vụ này không phải là làm cho Chính phủ, cho Bộ Công an hay cho Công an thành phố mà là làm cho chính chúng ta, để phục vụ công tác quản lý cư trú, quản lý địa bàn của chúng ta.”.
Thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác cấp căn cước công dân cho công dân đến độ tuổi, số chấp hành xong án phạt tù, số người đi nước ngoài trở về; rà soát, phân tích dữ liệu các nhóm đối tượng cụ thể, chi tiết theo độ tuổi để triển khai cấp căn cước công dân gắn chíp và cấp định danh điện tử gắn với nơi thường trú, tạm trú. Mục tiêu là đảm bảo 100% công dân trong độ tuổi được cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp, định danh điện tử mức 2, cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID, qua đó góp phần giải quyết thủ tục hành chính công và các giao dịch trên môi trường điện tử, phát triển các tiện ích để phục vụ người dân, doanh nghiệp.