Khuyến cáo
(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày trước, Sở Du lịch Ninh Bình vừa công bố danh sách 20 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trái phép trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An. Kèm theo danh sách ấy là khuyến cáo đề nghị khách du lịch không sử dụng dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh này.
Gần như song song với thời điểm ấy, tại Đà Nẵng, ngành kiểm lâm của thành phố cũng vừa tổ chức tuyên truyền và lắp đặt các bảng khuyến cáo: đề nghị du khách không cho khỉ và các loài động vật hoang dã thức ăn khi tham quan bán đảo Sơn Trà.
Có gì chung giữa 2 khuyến cáo vừa được đưa ra ấy?
Thực tế, tại các điểm du lịch, những khuyến cáo của ngành quản lý xuất hiện rất thường xuyên. Và khi nhu cầu du lịch phát triển mạnh như bây giờ, những khuyến cáo ấy thường được du khách đọc một cách chủ động khi tìm hiểu về nơi định đến. (Thậm chí, không chỉ từ cấp quản lý, “khuyến cáo” của các khách du lịch đi trước trên không gian mạng cũng luôn được chia sẻ và đón chào).
Nhưng, tôi tin chắc, để được nhớ tới trên thực tế, những khuyến cáo liên quan trực tiếp tới quyền lợi của mỗi người vẫn luôn có lợi thế hơn.
Không trèo lên những điểm nguy hiểm để chụp ảnh. Không tắm ở những bãi biển có biển cấm. Không mua lưu niệm tại một số điểm có chất lượng kém. Lưu giữ số điện thoại “nóng” để phản ánh khi bị chủ quán “đưa vào tròng”. Những khuyến cáo ấy không chỉ dễ ghi nhớ - mà còn có xu hướng được… thực hành rất tốt khi đưa ra.
Bởi, đó là những thông tin liên quan tới sự an toàn, tới sức khỏe, tới cảm giác thoải mái của bản thân – điều mà hết thảy chúng ta đều muốn có khi đi du lịch.
Còn lại, nếu phải tạm phân biệt, những gì được nhắc tới trong các khuyến cáo vừa qua ở Đà Nẵng và Ninh Bình thuộc một dạng khác. Đó là lời kêu gọi du khách có ý thức bảo vệ hệ sinh thái ở những nơi họ ghé thăm.
Bởi, như phân tích của các chuyên gia sinh học, việc tùy tiện cho khỉ và các động vật hoang dã thức ăn sẽ vô tình làm mất dần đi bản năng kiếm ăn của chúng. Chưa kể, nguồn thức ăn không phù hợp có thể sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và hệ tiêu hóa của các loài động vật này.
Còn tại khu danh thắng Tràng An, rõ ràng, việc xây dựng, tổ chức những điểm nghỉ dưỡng tại vùng lõi di sản là hoạt động hoàn toàn đi ngược lại với tiêu chí của UNESCO về việc giữ gìn tính nguyên bản của một di sản thế giới.
Không khó để hiểu nguồn cơn của những khuyến cáo ấy. Nhưng để thực thi chúng, câu chuyện không đơn giản như việc tuân thủ những lời khuyên về giữ tính mạng hay… túi tiền của bản thân. Vì, đó là những khuyến cáo yêu cầu du khách tự vượt qua nhu cầu nhất thời của bản thân mình.
Chắc chắn, lưu trú tại một nhà nghỉ ở vùng trung tâm di sản sẽ thuận tiện hơn rất nhiều trong việc khám phá cảnh quan – so với một nhà nghỉ nằm cách đó khá xa theo quy hoạch bảo tồn. Chắc chắn, khi thấy một đàn khỉ bạo dạn kéo ra, giương mắt nhìn du khách ở rừng Sơn Trà, việc lấy đồ cho chúng ăn và chụp một bức ảnh selfie sẽ vui hơn rất nhiều, nếu bạn bảo “thôi” với đứa con đang xị mặt.
***
Khuyến cáo, theo cách hiểu phổ thông, là việc đưa ra lời khuyên một cách công khai. Đa phần, nó không đi kèm với những chế tài xử phạt, và cũng khó kiểm soát bằng các biện pháp hành chính mà chỉ có thể trông đợi vào sự tự giác của mỗi người.
Và như đã nói ở trên, cuộc sống luôn có những khuyến cáo dễ thực thi, và những khuyến cáo đòi hỏi người ta phải tự hi sinh một chút nhu cầu của mình, để đổi lấy sự phát triển bền vững của môi trường, của tự nhiên và cả của cộng đồng nữa.
Người viết không định nói rằng chúng ta hãy thực thi tốt những khuyến cáo ở dạng thứ hai (thay vì chỉ ở dạng đầu tiên). Bởi, nói vậy cũng là một lời… khuyến cáo không dễ để tất cả mọi người cùng áp dụng.
Thay vào đó, hãy tự suy nghĩ về mối quan hệ của cá nhân chúng ta với môi trường và tự nhiên. Có phải, trong quan niệm giản đơn của rất nhiều người, đó chỉ là mối quan hệ một chiều – khi mà sự vô tâm và lười nhác của con người đang dần tàn phá hệ sinh thái quanh mình. Để rồi, sau mỗi bước chân của du khách là sự cay đắng của rừng, của biển, của người dân địa phương và di tích.
Sơn Tùng