Khu rừng cổ nhất tại Trung Quốc có niên đại hơn 371 triệu năm
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 29/5, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ đã công bố kết quả hợp tác nghiên cứu cho thấy khu rừng cổ nhất của Trung Quốc đã hình thành từ cách đây 371 triệu năm.
Giáo sư Hứa Hồng Hà thuộc Viện nghiên cứu địa chất và cổ sinh vật học Nam Kinh của Học viện Khoa học Trung Quốc, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết khu rừng cổ nói trên nằm ở địa khu (huyện) Tháp Thành, phía Tây Bắc khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Theo Giáo sư Hứa Hồng Hà, năm 2015, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hóa thạch của một thân cây có đường kính 70 cm tại Tháp Thành. Cây này có thể phát triển cao tới hơn 4 mét, là một trong những cây cổ nhất từng được biết đến và các cây như vậy đã hình thành nên khu rừng cổ nhất tại Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát địa chất chi tiết hơn và nghiên cứu niên đại bằng phương pháp đồng vị đối với các mẫu hóa thạch cùng niên đại.
Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu xác định được khu rừng tại Tháp Thành đã có từ 371 triệu năm về trước, sớm hơn 10 triệu năm so với Kỷ Than đá, khi các khu rừng cổ đại xuất hiện trên quy mô rộng.
- Phát hiện khu rừng cổ nhất thế giới
- Rừng cổ Hyrcanian của Iran trở thành Di sản thế giới
- Phóng sự ảnh: Sơn La 'chảy máu' cạn kiệt đào rừng cổ thụ
Giáo sư Hứa Hồng Hà cho biết các nghiên cứu cổ sinh vật học cho thấy hơn 300 triệu năm trước là thời kỳ các khu rừng xuất hiện ở những nơi ấm áp và ẩm ướt với các loại cây nhiệt đới cao, tuy nhiên khu rừng hoang và khô tại Tháp Thành lại "là một khung cảnh hoàn toàn khác".
Các kết quả nghiên cứu nói trên đã được đăng trên tạp chí Cổ địa lý, Cổ khí hậu và Cổ sinh vật học.
Ngọc Long/TTXVN