Khi nhà làm phim da trắng kể chuyện 'Detroit'
(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà làm phim da trắng có quyền làm một bộ phim như Detroit? Lấy bối cảnh cuộc dấy loạn Detroit năm 1967, bộ phim kể câu chuyện có thật về sự bạo tàn đối với người Mỹ gốc Phi. Vì vậy, chẳng phải nên để một nhà làm phim người Mỹ gốc Phi thực hiện nó?
Khán giả sẽ được thưởng thức kỹ thuật điện ảnh, những màn diễn xuất xuất sắc, một phần quan trọng của lịch sử khiến họ phải nghiền ngẫm. Nhưng họ sẽ nghiền ngẫm trong yên lặng. Bởi đây không phải là bộ phim cho một tối hẹn hò, để đi xem với người yêu, bạn bè, để có thể bàn tán sau khi xem xong.
Đau đớn nhưng đáng xem
Bộ phim tuyệt đẹp của đạo diễn đoạt giải Oscar Kathryn Bigelow - thứ dễ dàng trong tầm ngắm của các giải thưởng của năm - tái hiện lại vụ nổi dậy Detroit năm 1967. Nó tập trung vào sự thất bại khủng khiếp của công lý, xảy ra ở một thành phố náo động, nơi một nhóm thanh niên trẻ đang đang chịu đựng những đêm dài nhất, khó khăn nhất của đời họ.
Tại khách sạn Algiers ở Detroit (Michigan, Mỹ), từ đêm 25 - 26/7/1967, ba thường dân vị thành niên, đều là người da đen, đã bị cảnh sát tra tấn và giết hại. Chín người khác, gồm hai phụ nữ da trắng và bảy đàn ông da đen, bị các thành viên thuộc đội đặc nhiệm chống bạo động Detroit đánh đập tàn nhẫn.
Vụ việc xảy ra sau khi có báo cáo rằng xuất hiện những tay súng ở gần khách sạn. Cái chết của một nạn nhân bị lờ đi. Hai cái chết còn lại được cho là “giết người chính đáng” và “tự vệ”. Nói thêm rằng, cảnh sát Detroit khi đó 93% là người da trắng, trong đó 45% “cực kỳ ghét mọi đen” và 34% có “định kiến” với người da màu. Những sĩ quan, bảo vệ liên quan bị đưa ra tòa sau đó đều được trắng án. Tức nước vỡ bờ, người da đen ở Detroit đã vùng dậy, gây ra vụ bạo động lớn bậc nhất trong lịch sử người Mỹ gốc Phi.
Trong một cảnh ngắn, dựa trên câu chuyện có thật, một người đàn ông da đen chạy dọc đường phố, bị hai cảnh sát truy đuổi. Anh ta chạy để cứu lấy mạng sống của mình. Bị ba viên đạn găm vào lưng, anh vẫn chạy, trốn vào các tòa nhà, nhảy qua rào, tìm kiếm sự giúp đỡ trước khi ẩn dưới một chiếc ô tô.
Không ai giúp anh ta. Anh ta nằm chết dưới xe, gọi tên vợ mình. Cô ấy không bao giờ nghe thấy chồng khóc, anh ấy không bao giờ gặp lại vợ. Anh ta là Leon, nhân vật Tyler James Williams thủ vai trong phim. Câu chuyện đời anh thật đáng tức giận nhưng đáng buồn là lại quá quen thuộc. Leon giống trường hợp Walter Scott dù cách nhau tới 50 năm.
Detroit không có kết. Đây là lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, có một bộ phim khiến khán giả ngồi lặng trên ghế, không biết khi nào nên đứng dậy và rời khỏi rạp.
Gạt bỏ khái niệm về “chiếm đoạt” văn hóa
Thực tế, đã nhiều người hỏi rằng liệu Kathryn Bigelow, đạo diễn phim Detroit, và Mark Boal, người viết kịch bản phim, có phải là lựa chọn đúng đắn để thực hiện bộ phim này?
Từ lâu, trong giới văn học đã có “lời nguyền” rằng thật sai trái khi một nhà văn “chiếm đoạt” trải nghiệm của chủng tộc khác. Gần đây, nhiều giáo sư đã hứng “gạch đá” khi phản đối lập luận này. Như một ngọn lửa, “lời nguyền” này lan sang giới điện ảnh.
Thế nhưng, cách đây 50 năm, đạo diễn người Canada Norman Jewison đã làm bộ phim In The Heat Of The Night, một bộ phim Hollywood trình diễn sức mạnh mới trong quan hệ giữa người da trắng và da đen. Vào thời điểm đó, không có đạo diễn người Mỹ gốc Phi nên ít ai đặt câu hỏi về “quyền” của Norman Jewison. Nhưng tới giờ, ở năm 2017, phải công bằng mà nói, vẫn còn ít người da đen trong giới làm phim, sản xuất, điều hành. Nếu không muốn Kathryn Bigelow và Mark Boal thực hiện những bộ phim ý nghĩa như Detroit, rõ ràng phải để nhà làm phim người Mỹ gốc Phi đứng ra. Rất tiếc, lại không có.
Hơn nữa, Detroit, một bức tranh hỗn loạn về cuộc nổi loạn năm 1967, một câu chuyện về những trải nghiệm khủng khiếp của người da đen với những cảnh sát, một bộ phim tràn đầy nỗi sợ, sự kinh hoàng, giận dữ. Rõ ràng là những trải nghiệm mà một người Mỹ gốc Phi sẽ hiểu sâu sắc hơn so với người Mỹ da trắng. Nhưng cũng phải thừa nhận, Kathryn Bigelow, nữ đạo diễn với mái tóc nâu lộng lẫy, đã tái hiện được trải nghiệm đó.
Bằng tài năng, trí tưởng tượng, lòng nhân hậu, Bigelow đã vượt qua ranh giới trải nghiệm của mình và bước vào cuộc sống của người khác. Đó là điều những nhà làm phim lớn có thể làm. Đó là điều những nghệ sĩ có thể làm.
Quang trọng hơn, phim “khai quật” tâm lý tận gốc rễ về sự bạo tàn của cảnh sát. Đây là cuộc chiến của lương tâm và chính trị, của mọi người chứ không phải của riêng ai. Do đó, đã đến lúc gạt bỏ khái niệm về “chiếm đoạt” văn hóa và cho mọi người cơ hội tiếp cận như nhau.
Thư Vĩ (Tổng hợp)