Khi đô thị bỏ quên ký ức
(Thethaovanhoa.vn) - Tòa nhà Dinh Thượng Thơ, hiện đang là trụ sở Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM, đang đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ. Theo phương án nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP.HCM, tòa nhà này (cùng một số tòa nhà khác) sẽ được phá đi để xây mới cao hơn, và kết nối với tòa nhà UBND hiện hữu để trở thành một quần thể thống nhất.
- Ký ức tàu điện bờ Hồ tái sinh
- Người lính già và ký ức không phai
- Tổng tiến công Xuân 1968: Những ký ức hào hùng
Trước sự băn khoăn của dư luận, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố lý giải rằng đây không phải là công trình nằm trong danh mục di tích để bảo quản, bảo tồn. Như lời giải thích, dù rất tiếc, việc phá bỏ (và xây mới) tòa nhà này là điều không tránh khỏi trong việc mở rộng, nâng cấp trụ sở “đầu não” của toàn thành phố.
Cần nhắc lại, tòa nhà này được người Pháp khởi xây từ năm 1860, với vai trò điều hành trực tiếp các thanh tra sự vụ bản xứ về toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính thuộc địa. Khi hoàn thành năm 1888, công trình này được người dân quen gọi là Dinh Thượng Thơ và tồn tại cho đến nay, qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Tròn 130 tuổi, đây được coi là một trong những công trình cổ xưa nhất của đất Sài Gòn. Cùng những nét kiến trúc mang phong cách Pháp đặc trưng, không có gì lạ khi nhiều chuyên gia tỏ ra tiếc nuối, và không đồng tình với việc phá bỏ nó để xây một công trình mới.
Nhưng, nếu coi sự tiếc nuối, cũng như đề xuất giữ lại tòa nhà này là chính đáng, thì cũng phải nhắc tới một vấn đề chính đáng không kém: giải pháp để mở rộng không gian của trụ sở UBND thành phố.
Bài toán ấy không chỉ đặt ra với Dinh Thượng Thơ. Nó cũng là câu chuyện của một số công trình có giá trị lịch sử và kiến trúc ở một vài địa phương khác. Những công trình ấy đều từng là một phần lịch sử của đô thị, đều từng được đề nghị xóa bỏ để thay bằng một công trình khác hiện đại hơn, khi công năng và không gian của chúng không thể đáp ứng được yêu cầu trên thực tế. Để rồi, dù được bảo tồn hay bị xóa bỏ, chúng ta lại phải nhắc mãi về sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, ở những đô thị đang chuyển mình.
***
Thẳng thắn, bài toán ấy sẽ khó có lời giải, nếu chúng ta vẫn bám vào cách nghĩ rằng những kiến trúc này chỉ có thể được giữ lại khi xếp vào danh mục di tích cần bảo tồn, như trường hợp của Dinh Thượng Thơ.
Thực tế, ở hầu hết những trường hợp này, các chuyên gia đều nhắc tới một giải pháp phổ biến trên thế giới: chuyển đổi công năng của công trình, để khai thác vào mục đích phục vụ văn hóa và du lịch.
Một đô thị mở rộng cần những công trình mới, ở những vị trí mới, với không gian quy hoạch xứng tầm. Trong khi đó, khi “cởi bỏ” lớp áo công năng cũ, những công trình đã tồn tại hàng trăm năm sẽ rất dễ dàng để trở thành không gian của văn hóa, ký ức và du lịch.
Trên thế giới, người ta hay nhắc tới trường hợp của nhà ga Orsay tại Paris, khi người Pháp đã bỏ hẳn 10 năm chuẩn bị để biến nhà ga bị bỏ hoang này thành một bảo tàng nghệ thuật độc đáo. Thế nhưng, ở Việt Nam, đáng mừng là chúng ta đã bước đầu nghĩ tới cách làm này.
Đó là cách mà Đà Nẵng đang muốn làm, khi “giải phóng” tòa nhà 42 Bạch Đằng (vốn là tòa thị chính thời Pháp thuộc) khỏi chức năng trụ sở HĐND thành phố để quy hoạch thành bảo tàng Đà Nẵng. Là cách mà Hà Nội cũng đang muốn làm, khi trong tương lai, với một cây cầu đường sắt mới bắc qua sông Hồng, cầu Long Biên cũ sẽ trở thành cây cầu đi bộ, còn những vòm đá dưới chân cầu sẽ được quy hoạch để trở thành quầy lưu niệm, quán cà phê…
Trở lại câu chuyện của Dinh Thượng Thơ, không phải không có lý, khi đã có những ý kiến đề xuất TP.HCM nên bảo tồn kiến trúc này và tạm thời chuyển một phần trụ sở HĐND thành phố sang vị trí khác, trước khi nghĩ đến chuyện di dời toàn bộ trong tương lai.
Cởi bỏ lớp áo công năng cũ và được khai thác hợp lý, những di sản từng là một phần lịch sử đô thị sẽ được bảo tồn và nhân rộng thêm về giá trị, bên cạnh việc lưu giữ một phần ký ức của thành phố.
Cúc Đường