Khi 'anh hùng bàn phím' làm từ thiện...
Có thể do thảm họa xảy ra sát những ngày nghỉ lễ của người Việt? Hay tại thảm họa Nepal thiếu những câu chuyện về ý chí quật cường của con người như thảm họa kép tại Nhật Bản? Hay Nepal cũng không có những đội cứu hộ với dàn thiết bị hỗ trợ “khủng” trong cuộc chiến “lấy sức người địch sức thiên nhiên” như trong trận bão Katarina ở Mỹ?...
Khó để đoán định chính xác nhưng đáng buồn hơn, thảm họa Nepal chỉ “dậy sóng” cộng đồng mạng khi 10 thành viên Hội Chữ thâp Đỏ Việt Nam đến học hỏi kinh nghiệm đối phó với động đất ở nước bạn rồi bỏ về khi động đất xảy ra. Kế đó, hình ảnh một hội viên Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam chụp ảnh bên đống đổ nát sau thảm họa ở Nepal với gương mặt hớn hở cũng nhận “sự quan tâm đặc biệt”. Rồi một BTV truyền hình bình luận số người chết ở Nepal là con số “ấn tượng” cũng gây những tranh luận trái chiều...
Nghĩa là, bộ phận lớn dư luận mạng Việt Nam không quan tâm vào chủ thể thảm họa Nepal, là hàng ngàn người đã bị chôn vùi dưới đống gạch đá và hàng trăm ngàn người khác đang đấu tranh từng ngày để giành giật sự sống. Thay vào đó, sự tiếc thương chỉ thể hiện như một dạng đính kèm những lời miệt thị nhắm vào phía những người Việt bị cho là có cách ứng xử không phù hợp.
***
Nhưng vẫn có những viên ngọc sáng. Chương trình “Anh hùng bàn phím quyên góp ủng hộ Nepal” được phát động ngày 1/5 trở thành một hiện tượng đặc biệt. Bản thân tên gọi mang tính tự trào, nhưng cứu rỗi niềm tin vào tình thương của con người đằng sau những màn hình máy tính.
Người phát động chương trình là Võ Thị Mỹ Linh, người trở về từ Nepal sau cuộc lở tuyết khủng khiếp cuối năm ngoái.
Trong lời kêu gọi, Mỹ Linh viết nhẹ nhàng: Sau một thời gian chỉ trích nhau, gọi nhau là anh hùng bàn phím và đã sướng miệng, chúng ta hãy quay lại nhiệm vụ chính thôi. Cứ để người ta gọi mình là anh hùng bàn phím hoài thì cũng nhột các bạn nhỉ? Thế nên mình quyết định lấy tên chương trình là "Anh hùng bàn phím quyên góp ủng hộ Nepal" để biết rằng, cái bàn phím đôi khi cũng có lợi trong việc kêu gọi từ thiện...
Trong 5 ngày, số tiền các “anh hùng bàn phím” quyên góp đã lên tới 170 triệu đồng. Dự kiến, chương trình sẽ khép lại vào ngày 15/5. Con số ủng hộ vẫn tăng từng phút, từng giây theo những lượt chia sẻ trên mạng xã hội.
Diễn tiến câu chuyện dư luận mạng Việt Nam về thảm họa Nepal xuất hiện ở môi trường “ảo” nhưng phản chiếu nhân tâm xã hội. Rằng tình thương trở nên vụn vỡ, tủn mủn nếu đám đông chỉ hướng quan tâm vào đường biên của sự kiện. Ngược lại, tình người sẽ tỏa sáng nếu có những người truyền cảm hứng dẫn dắt sự chú ý vào chủ thể và đi đầu hành động. Và hơn nữa, anh hùng bàn phím không chỉ là những “chiến sĩ” chuyên đả kích người khác...
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa