Khám phá Hồ Tây (kỳ 4): Lĩnh Bưởi - tuyệt phẩm kinh thành
(Thethaovanhoa.vn) - Ven Hồ Tây xưa không chỉ có “nhịp chày Yên Thái” nổi tiếng với nghề làm giấy dó, mà còn làng hoa Quảng An, Thụy phường liên tử (rượu sen tiến vua làng Thụy Khuê), Nghi Tàm chuội tơ… và đặc biệt là nghề dệt lĩnh ở Kẻ Bưởi.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
Từ Bắc vào Trung có rất nhiều làng dệt lụa, tuy nhiên dệt lĩnh thì chỉ có vùng Bưởi.
Tuyệt đỉnh “lĩnh Bưởi”
Lụa và lĩnh đều dệt bằng tơ tằm, nhưng để dệt ra lĩnh thì phải chọn tơ và năm sợi mới chọn được một sợi vì tơ dệt lĩnh phải đều và bóng. Tơ không chuẩn tấm lĩnh sẽ không mịn và đẹp. Các sợi còn lại dùng để dệt lụa.
- Khám phá Hồ Tây (kỳ 2): Từ cung điện đến tàu điện và rượu sen
- Khám phá Hồ Tây (kỳ 1): Thấm đẫm văn hóa từ những tên gọi
Sau đó, tơ được hồ để sợi không bị bông. Có câu “Nhất hồ, nhì hoa, thứ ba dệt”. Người ta hồ tơ bằng bột gạo pha sáp ong. Kỹ thuật hồ của từng gia đình luôn được giữ kín vì đó là sự sống còn của nghề.
Dệt lĩnh trơn đã khó, dệt lĩnh hoa còn khó hơn. Ở mỗi khung dệt lĩnh, hoa phải mắc thêm go hoa và thêm một thợ cài hoa. Họ phải ngồi trên khung để kéo go hoa phối hợp với người dệt ngồi ở dưới.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đỗ Thị Hảo, lĩnh hoa chanh là hàng dệt rất công phu của vùng Bưởi. Một mặt đen mờ còn mặt kia bóng láng có điểm những chấm hoa mịn màng tinh tế. Chỉ tính riêng số sợi dọc trong một tấm lĩnh cũng đã có 5.400 sợi dặm mắc (là sợi tơ vừa phải, khác với dặm mảnh là sợi tơ nhỏ) và dặm mốt son (là sợi tơ to nhất). Người thợ phải đếm đủ số sợi, rồi mắc lên khung cho thật đủ, không bị rối, không bị đứt.
Trong quá trình làm nghề, người thợ đã đúc rút được những kinh nghiệm và luôn nhắc nhở nhau:
Hồ trơn ngang nhỏ dệt đan
Thân mình cũng sướng như quan phủ Hoài
Hồ to ngang sấn dệt dày
Cũng bằng cha mẹ bắt đày biển Đông
Lĩnh dệt xong mới chỉ là hàng mộc, việc nhuộm thâm cũng đòi hỏi kỹ thuật và công phu. Lĩnh mộc trước hết phải đem chuội cho thật trắng, rồi nhuộm chàm. Sau đó mỗi ngày phải nhuộm nước lá bàng năm lần, trát bùn rồi phơi khô, cứ như thế trong bảy ngày liền. Vậy là tấm lĩnh đã trải qua “35 thâm 7 thổ”. Vì phải nhuộm bàng nên nơi đây xưa có rừng bàng Yên Thái, một trong bát cảnh của Tây Hồ?
Nhưng thế vẫn chưa xong, bởi muốn tăng độ bền của sợi, phải đem hồ, rồi cuộn cả tấm lĩnh lại, lấy chày gỗ ghè cho thật mềm, làm thế lĩnh mới đen bóng và mềm mại. Lĩnh mộc vùng Bưởi thường được mang vào Huế, Sài Gòn nhồi tía (nhuộm màu tía) rồi mới đem bán. Người ta gọi đây là lĩnh tía.
Lụa tơ tằm dễ nhàu, nhưng với lĩnh Bưởi dù vò đi vò lại nhưng buông tay ra lĩnh vẫn phẳng và mịn. Lĩnh Bưởi mềm, nhẹ. Người đàn bà mặc váy lĩnh khi bước đi như có sóng quyện quanh chân, lại thêm chỗ khuất thì đen, chỗ lộ thì sáng biến ảo khiến mắt cánh đàn ông không thể rời. Lĩnh Bưởi là món quà quý chỉ ở kinh thành mới có.
Nhắn ai trẩy chợ kinh thành
Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về
Không phải vô cớ mà người ta tự hào và cái tự hào ấy nhẹ như không:
The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên.
Vì sao kẻ Bưởi chuyên tâm dệt lĩnh? Vì kẻ Bưởi xưa là một phường của kinh đô Thăng Long, mà Thăng Long là nơi có nhiều tầng lớp trung lưu, họ sành, ăn sành mặc, họ đòi hỏi có vải đẹp nên dân kẻ Bưởi phải sáng tạo ra những tấm vải đẹp nhất. Mặt khác váy là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam xưa.
Vừa bằng cái thúng thủng hai đầu
Bên ta thì có bên Tầu thì không
Ngay cả khi vua Minh Mạng ra chiếu cấm phụ nữ miền Bắc mặc váy thì chị em Thăng Long vẫn cứ mặc.
Các làng dệt lĩnh ở Bưởi xưa bao gồm: Trích Sài, Bái Ân, Võng Thị, Nghĩa Đô nhưng lớn và nổi tiếng nhất là Trích Sài.
Thăng trầm dệt lĩnh
Nghề dệt lĩnh ở Bưởi có từ bao giờ? Tương truyền đầu Xuân năm 1011, sau khi định đô ở Thăng Long, Lý Thái Tổ đi thuyền trên sông Tô đến bến Giang Tân (chợ Bưởi ngày nay), thấy có căng một tấm lĩnh dệt hình con rồng uốn khúc. Vua dừng lại hỏi mới biết dân xóm Dâu và xóm Bãi đã dệt tấm lĩnh này để đón mừng nhà vua. Qua đó có thể thấy nghề dệt lĩnh đã có từ rất lâu, muộn nhất cũng phải là thế kỷ 11.
Về tổ nghề lĩnh Bưởi có rất nhiều truyền thuyết khác nhau. Có thuyết cho rằng, cuối thời Bắc thuộc, họ Thái ở phương Bắc sang nước ta làm ăn đã đem nghề dệt lĩnh truyền dạy cho dân vùng này sau đó nghề dệt lĩnh được truyền rộng sang các làng lân cận bên kia sông Thiên Phù và sông Tô Lịch như: Tiên Thượng, Trung Nha, Vạn Long... tất cả đều thuộc vùng Bưởi. Lúc đầu họ chỉ dệt được lĩnh trơn, sau mới dệt được lĩnh hoa.
Lại có thuyết khác cho rằng, lĩnh Bưởi từ lâu đã nổi tiếng ở kinh đô Thăng Long. Cuối thế kỷ 15, Lê Thánh Tông cắt ruộng của làng Trích Sài thành lập “Thiên Niên trang” cho cung phi của vua là Phan Thị Ngọc Đô cùng 24 tỳ nữ ra đây. Trích Sài xưa vốn đã dệt lĩnh, nhưng quân Minh sang xâm lược đã đốt phá khung cửi. Trong Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi viết:
Nơi châu lý bao tầng sưu dịch
Trong xóm làng lặng lẽ cửi canh
Khung cửi bị đốt phá, dân Trích Sài phải kiếm củi, đánh cá để sống. Bà Đô bỏ ra hàng trăm lạng vàng thuê đóng khung dệt, thuê ông già họ Lý giỏi kỳ thuật dạy nghề cho bà cùng 24 tỳ nữ. Sau đó bà cùng các tỳ nữ dạy lại cho dân làng và giúp vốn cho nhiều gia đình trong phường khôi phục nghề dệt.
Bà mất, dân nhớ ơn lập miếu thờ gọi là miếu Bà chúa dệt lĩnh. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 5 tháng Giêng dân làng lại tổ chức tế lễ để tưởng nhớ công lao của bà. Trong bài hát chầu khi tế bà có đoạn:
Nhờ đức thiên tôn dạy nết cửi canh
Chân giày tay dệt đã nhanh
Văn chương có chữ rành rành bởi ai
Việc cung chức thiên tài đủ vẻ
Dạy nữ công văn nghệ cho tường
Quay tơ lựa chỉ nhiều đường
Dọc theo dậm mắt, dệt ngang có mành...
Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về
Cuối thế kỷ 18, nghề dệt lĩnh ở Trích Sài, Bái Ân phát triển. Trong Tụng phú Tây Hồ, Nguyễn Huy Lượng viết:
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ
Thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm
Trong bài thơ Đi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp có câu “quần lĩnh áo the mới”, từ váy lĩnh chuyển sang quần lĩnh điều đó cho thấy thập niên 30 thế kỷ 20 nghề dệt lĩnh ở vùng Bưởi vẫn rất phát đạt.
Trích Sài đất chật người đông, lại rất ít đất nông nghiệp nên chủ yếu trông vào dệt lĩnh, dệt lụa nhưng vẫn có người rỗi việc. Trước 1954, số đàn ông này vào trong phố làm công, còn đàn bà thì đi buôn tro bếp. Họ mua tro bếp quanh vùng sau đó đi đò qua sông Hồng mang sang Phúc Yên bán cho những nhà trồng rau. Lại có các bà, các cô vào phố lấy nước máy công cộng gánh về bán cho những gia đình khá giả trong làng.
Năm 1946, quân Pháp tái chiếm Hà Nội, và cũng như người nội đô, dân vùng Bưởi cũng bỏ làng đi tản cư, khi trở về thì mọi chuyện đã khác và nghề dệt lĩnh không còn tồn tại.
Sau 1954, nhất là thập niên 1960, đàn bà mặc quần lĩnh bị coi là kiểu ăn mặc của giai cấp tư sản, bị xã hội lên án nên những ai còn quần lĩnh thì chỉ còn cách cất sâu dưới đáy tủ làm kỷ niệm. Vùng Bưởi thành lập các hợp tác xã nhưng cũng chỉ dệt khăn mặt và các sản phẩm khác chứ không dệt lĩnh. Nhà nước xây nhà máy dệt công nghiệp ở Nam Định và đây là cơ sở duy nhất dệt lụa. Tơ tằm do các hợp tác xã ở miền Bắc sản xuất ra được đưa về đây vì thế thời bao cấp nói đến lụa thì người ta nghĩ ngay là lụa Nam Định.
Cơ hội trở lại Đầu những năm 1990, nhiều gia đình có nghề dệt lĩnh truyền thống có cơ hội quay lại với nghề. Hiện nay, một vài gia đình ở khu vực Cầu Giấy, Bưởi đã nghiên cứu cải tiến khung dệt có khổ to hơn, dùng mô-tơ thay thế việc kéo bằng tay. Đặc biệt họ đã làm được máy cài hoa. Với khung dệt cải tiến, người thợ không cần dùng hai tay lao thoi như trước mà chỉ dùng một tay giật dây cho thoi vào con chuột, còn tay kia dập khổ, nhịp độ vừa nhanh vừa đỡ tốn sức. Việc cải tiến khiến họ dệt được những tấm lĩnh khổ rộng hơn. Máy cài hoa đặt trên nóc khung cửi đã bớt hẳn một người ngồi kéo mà năng suất lại tăng gấp ba, bốn lần so với trước. Dù số người dệt lĩnh ở Bưởi không còn nhiều nhưng họ đã cố gắng cải tiến trên cơ sở nghề tổ để dệt những mặt hàng mới đủ sức cạnh tranh với sản phầm cùng loại nhập khẩu. |
Tây Hồ bát cảnh, gồm: Rừng trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, Phật say làng Thụy, đàn thề Đồng Cổ, chợ đêm Khán Xuân, tiếng đàn hành cung, sâm cầm rợp bóng, hồng hoa Nghi Tàm. |
(Còn nữa)
Nguyễn Ngọc Tiến