Khám phá Hồ Tây (kỳ 3): Kẻ Bưởi, từ hội thề đến hội đèn
(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ này, chúng ta sẽ cùng khám phá vùng kẻ Bưởi của Thăng Long xưa, nhất làng Hồ Khẩu. Hồ Khẩu có nghĩa là cửa hồ vì làng có cống Đõ nối Hồ Tây với sông Tô Lịch. Hội thề đền Đồng Cổ diễn ra trên đất Hồ Khẩu còn lễ hội đèn Quảng Chiếu diễn ra một phần ở đây.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
Thăng Long có nhiều kẻ: kẻ Mơ, kẻ Sét, Vọng, Mọc, Láng…Kẻ Bưởi là tên gọi chung các làng: Bái Ân, Trung Nha, Vạn Long, Yên Phú, Tiên Thượng, Đoài Môn thời Nguyễn thuộc tổng Dịch Vọng, Phú Gia của huyện Từ Liêm và Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài thuộc tổng Trung huyện Vĩnh Thuận.
Kẻ Bưởi - vùng đất giàu văn hóa
Kẻ Bưởi là vùng đất giàu văn hóa có nhiều truyền thuyết, đình, đền, chùa, miếu và các làng nghề thủ công. Thành hoàng của các làng Yên Thái, Bái Ân, Tiên Thượng, Nghĩa Đô đều là Vũ Phục. Có nhiều truyền thuyết về Vũ Phục. Đó là vợ chồng người bán dầu bị ném xuống ngã ba sông Thiên Phù và Tô Lịch để chữa bệnh đau mắt cho vua Lý vì theo thầy bói, vua bị đau mắt do nước sông Thiên Phù xoáy vào chân thành nên phải có người chết để cát lắng bồi cửa sông này, không xoáy vào chân thành nữa thì vua mới khỏi bệnh.
Thuyết khác lại kể vợ chồng Vũ Phục tình nguyện chết để cứu vua. Về cái tên Vũ Phục, có sách chép người nhảy xuống sông để chữa đau mắt cho vua Lý tên là Phạm Thuần. Sau khi Phạm Thuần chết, vua phong là Vũ Phục hầu và con cháu họ Phạm ở xóm Đoài làng Yên Thái đã đổi sang họ Vũ.
Thời Lý ở Đông Xã có hai chị em nhà họ Phạm giỏi trồng rau muống và nuôi lợn, tiếng tăm đến triều đình và vua Lý đã tuyển họ vào cung. Khi hai bà về già, để trả công lao phục vụ triều đình, vua cắt đất và ao cho họ Phạm, vì là quà của vua nên làng gọi là Ao Quà. Nước ao trong và sạch nên mới có câu hát:
Người nào mà xấu như ma
Tắm nước Ao Quà lại đẹp như tiên
Kẻ Bưởi có nhiều nghề nhưng nổi tiếng nhất là dệt lĩnh và làm giấy. Các làng có nghề dệt lĩnh gồm: Trích Sài, Bái Ân, Võng Thị, Nghĩa Đô. Xưa nghề dệt vùng này gần như khép kín vì Bái Ân, Vạn Long có nghề trồng dâu nuôi tằm và quay tơ. Nhưng cuối thế kỷ 19, nghề trồng dâu nuôi tằm không còn nên các làng dệt ra phố Hàng Đào mua tơ về dệt. Khi Pháp xâm chiếm Hà Nội, giấy viết, tơ và vải nhập vào Việt Nam khiến nghề làm giấy và dệt lụa teo tóp dần chỉ còn ít nhà duy trì nghề truyền thống.
Và vùng Bưởi thay đổi khi có tàu điện từ Bờ Hồ lên Yên Thái, đường Thụy Khuê được mở rộng hơn, người Pháp gọi là “Route du Village du Papier”(tiếng Pháp có nghĩa là: Đường Làng Giấy- nay là phố Thụy Khuê) nhà cửa mọc lên, nhiều người có tiền trong phố ra đây mua đất xây nhà ở và cho thuê.
Ngày 31/5/1961, Hội đồng chính phủ quyết định chuyển một phần vùng Bưởi vào khu Ba Đình. Từ đó cho đến trước khi Đổi mới, khu vực này yên ả như một thị xã dù có một vài xí nghiệp, nhà máy trong đó có xí nghiệp pháo Trúc Bạch chuyên sản xuất các bánh pháo tép. Trong túi hàng Tết bán theo bìa bao giờ cũng có bánh pháo Trúc Bạch cho các gia đình đốt pháo đón Xuân. Năm 1996, cấm pháo, thì xí nghiệp không còn.
Thời kỳ đầu của Đổi mới, đất đai ở vùng Bưởi cũng chưa biến động nhưng khi thành phố Hà Nội rục rịch quy hoạch vùng quanh hồ thì giá đất tăng dần vì trong quyhoạch có mở con đường sát hồ. Cuối những năm 1990, dự án hạ tầng kỹ thuật quanh Hồ Tây thực hiện thì phía sau nhà của các làng xưa bỗng trở thành mặt tiền.
Năm 1995, Hà Nội thành lập quận Tây Hồ đã tách một số phường thuộc quận Ba Đình chuyển về Tây Hồ trong đó có phường Bưởi. Từ thập niên 1990, đô thị hóa diễn ra ào ào ở phường Bưởi. Đến đầu thế kỷ 21, đô thị hóa đã xóa gần hết dấu vết của các làng cổ và hiện chỉ còn lại một số cổng làng.
Từ Hội thề trung hiếu
Kinh đô Thăng Long có hai lễ hội lớn nhất về quymô được dân chúng hưởng ứng và mang ý nghĩa tinh thần là hội thề ở đền Đồng Cổ và lễ hội đèn Quảng Chiếu. Hội thề đền Đồng Cổ diễn ra trên đất Hồ Khẩu còn lễ hội đèn Quảng Chiếu diễn ra một phần ở đây.
Đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng, được vua Lý Thái Tông cho xây năm 1028 tại thôn Đông ven sông Tô Lịch xưa (nay là 353 phố Thụy Khuê).Trống đồng là một loại nhạc cụ bằng đồng được một số quốc gia ở Đông Nam Á và các tỉnh phía Nam Trung Quốc sử dụng. Để phát ra âm thanh đơn, người ta dùng một khúc gỗ nện vào mặt trống, nếu muốn phát ra âm thanh dày hơn thì dùng nhiều khúc gỗ cùng nện vào mặt trống. Xa xưa, trống được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, lễ hội, và trong chiến đấu.
Trong tín ngưỡng của người Việt cổ, trống đồng là một vật linh thiêng vì có vị thần tự xưng là thần trống đồng (thần Đồng Cổ). Từ thời Hùng Vương, trống đồng đã trở thành vị thần tối linh, sau đó là thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý Trần...Cho đến ngày nay dấu tích thờ thần Đồng Cổ vẫn còn thấy ở Thanh Hóa, quanh núi Tam Đảo và Hà Nội.
Theo sử sách, đền Đồng Cổ ở Thanh Hóa, trên núi Đồng Cổ, năm 1020, thái tử Lý Phật Mã (sau trở thành vua Lý Thái Tông) phụng mệnh Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành, khi dừng chân ở nơi này, ban đêm thái tử mộng thấy thần núi hiện ra uy nghi như một võ tướng xin theo đánh giặc.
Sau khi chiến thắng, tin vào mộng, thái tử Phật Mã lễ tạ ở đền Đồng Cổ, rồi rước thần về Thăng Long thờ để giữ nước, hộ dân. Chính thần núi Đồng Cổ đã báo mộng cho vua về việc Vũ Đức, Đông Chinh và Dực Thánh làm loạn. Khi tỉnh dậy vua đã cho đề phòng, quả nhiên đúng như báo mộng. Để nhớ ơn thần, vua xuống chiếu dựng miếu thờ, cho đắp đàn, cắm cờ xí, treo gươm giáo và thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”.
Từ năm 1028 lễ hội đã trở thành một ngày hội lớn của dân chúng Thăng Long.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Theo việc cũ của triều Lý, đến bấy giờ mới cử hành. Nghi thức như sau: Hàng năm ngày 4/4, tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến chực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng tiến vào triều. Vua ngự ở cửa hữu lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục làm lễ hai lạy rồi lui ra, đều đủ đội ngũ nghi trượng theo hầu ra cửa Tây kinh thành đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống máu. Quan trung thư kiểm chính đọc lời thề rằng: Làm bề tôi hết sức trung, làm quan phải trong sạch, ai trái thề này thần minh giết chết. Đọc xong, quan tể tướng đóng cửa lại để điểm, người nào thiếu mặt thì phạt năm quan tiền. Ngày hôm ấy, con trai, con gái đứng ở bốn phương ở cạnh đường để xem, cho là hội lớn”.
Từ một niềm tin dân gian, khi đem vào triều đình nó đã được nâng lên thành lễ hội với tầm quốc gia theo một lễ thức vô cùng trang nghiêm. Và để dân nghe được những lời thề gan ruột ấy, vua đã cho phép dân chúng tham gia vì thế nó đã trở thành một lễ hội của cung đình thu hút hàng vạn lượt người dân Thăng Long với hai tư cách: tham gia và chứng kiến khiến lễ hội thiêng liêng hơn.
Hàng năm vào ngày 4/4 Âm lịch người dân phường Bưởi tổ chức hội thề trung-hiếu, vừa là duy trì cổ lễ vừa để nhắc nhở mọi người giữ tròn chữ hiếu, chữ trung.
Đến hội đèn Quảng Chiếu
Một hội lớn khác trong cung đình xưa là hội đèn Quảng Chiếu. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Canh Tý (1120), mùa Xuân, tháng Hai, mở hội đèn Quảng Chiếu” và “Vào năm Bính Ngọ (1126), mùa Xuân, tháng Giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm. Tha người có tội ở phủ Đô Hộ, xuống chiếu cho sứ thần của Chiêm Thành xem”.
Tuy nhiên vì sách, văn bia bị giặc Minh đốt phá và đem về nước nên các nhà chép sử không thể ghi lại một cách đầy đủ, chỉ ghi lại những nét chính là đèn được làm thành nhiều tầng, trên các tầng có pháo bông đốt ở bãi sông Tô Lịch phường Yên Thái và diễn rối nước ở sông Nhị cho dân xem.
Lễ hội đèn Quảng Chiếu với mục đích là cầu cho vua khoẻ mạnh sống lâu nhưng nó đã trở thành một lễ hội lớn của cung đình, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Trước khi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội vào năm 2010, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu văn hóa mong muốn phục dựng lại lễ hội này. Ý tưởng này cũng đã được trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012, tuy nhiên mọi việc vẫn còn ở phía trước.
(Còn nữa)
Nguyễn Ngọc Tiến