Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2024: Lữ Mai - Tuổi thơ thương nhớ 'Dưới khung trời ngát xanh'
Kể về cuộc sống đầy sắc màu của đám trẻ xóm Đồi - một vùng quê khai hoang có núi và sông bao bọc bốn phía - với đủ biết bao trò vui, cả những cuộc phiêu lưu kỳ thú, tác giả Lữ Mai đã dựng lên một tuổi thơ nghèo khó, thiếu thốn mà nên thơ, xúc động của chính mình trong Dưới khung trời ngát xanh.
Lữ Mai thuộc lứa 8X, vốn được biết đến với những tập thơ, trường ca về đề tài người lính. Bước sang địa hạt sáng tác cho thiếu nhi, chị là cây viết mới và Dưới khung trời ngát xanh cũng là tác phẩm truyện đầu tiên chị viết cho trẻ thơ.
Tập bản thảo truyện dài này đã lọt vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024. Lễ trao giải sẽ diễn ra từ 14h00 ngày thứ Tư, 29/5, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Đong đầy ký ức tuổi thơ
Viết Dưới khung trời ngát xanh, Lữ Mai lấy chất liệu chính từ những kỷ niệm, ký ức tuổi thơ đầy ắp thương nhớ. Như lời mở đầu của tập truyện, chị thổ lộ: "Những hình ảnh đầu tiên hiện lên gọi về ký ức tuổi thơ ắp đầy kỷ niệm. Từng gương mặt, nụ cười, từng cuộc phiêu lưu nhỏ của lũ trẻ chúng tôi - thế hệ cuối 8x - mỗi lúc thêm rõ nét. Trong niềm xúc động và hạnh phúc đầy mê say, tôi viết một mạch. Viết như sợ những ký ức đơn sơ đó rời bỏ mình. Hoặc, chính mình sẽ bị cuốn đi, sẽ xa rời nó từ lúc nào mà mình không hay biết…".
Và rồi ký ức tuổi thơ đã không rời bỏ Lữ Mai mà "đậu" lại trên những trang viết của Dưới khung trời ngát xanh. Từng câu chuyện được kể là những lát cắt kỷ niệm đầy đặn và chân thực như thể Lữ Mai ngược thời gian trở về quá khứ để viết nhật ký cho chính tuổi thơ của mình vậy.
Cô bé Lữ Mai ngày ấy sống ở một vùng đất khai hoang, có núi đồi, có sông biển bao quanh bốn phía. Cuộc sống ở quê nghèo thiếu thốn đủ thứ nên những đứa trẻ đã sớm biết phụ giúp gia đình đủ thứ việc. Trong truyện, đám trẻ xóm Đồi ngay từ nhỏ khi mới lên năm lên mười đã biết làm những công việc phụ giúp gia đình như tự tay chăm sóc đàn ngan để lấy tiền mua quần áo, sách vở trong năm học mới; rồi tự biết đi mót thóc, khoai, lạc khi ngày mùa đến, còn nữa là việc kiếm chất đốt trên đồi thông, tát cá, săn chuột…
Đám trẻ xóm Đồi hoàn toàn tự lập trong cuộc sống của mình, chẳng cần bố mẹ bắt ép hoặc nhắc nhở làm cái này, cái kia. Chúng vui với những việc mình làm, đứa bé chỉ đứa lớn, cùng nhau làm, cùng nhau chơi. Lý thú hơn hết là những trò vui được Lữ Mai kể lại trong truyện. Đủ các trò vui được trẻ xóm Đồi chơi như đổ lỗ dế, dựng lều cỏ, bẫy chuồn chuồn, bắt cánh cam, châu chấu, chơi đồ hàng, nổ bỏng gạo,… thậm chí có cả những trò nghịch dại như bẻ cành xoan trêu ngỗng, trêu tổ ong vàng…
Cuộc sống của đám trẻ trong Dưới khung trời ngát xanh được Lữ Mai tả, kể chi tiết, sống động khiến độc giả, đặc biệt là thế hệ 9x trở về trước khi đọc đều như được sống lại với những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của một thời thơ bé. Ở đây, có lẽ không ngoa khi nói, Lữ Mai kể về tuổi thơ riêng tư nhưng lại chạm được vào tuổi thơ chung của nhiều người cùng thế hệ, cùng cảnh sống.
Như chị bộc bạch: "Tập bản thảo này đong đầy ký ức tuổi thơ của tôi. Hầu hết đó là những câu chuyện có thật, tôi đã trải nghiệm với mọi cung bậc cảm xúc. Đôi khi, tôi nhắc lại cho bố mẹ hoặc bạn bè, mọi người đều ngạc nhiên bởi hầu như tất cả đã lãng quên phần nhiều".
"Ngày còn bé, tôi luôn ghi lại những câu chuyện xung quanh gia đình, xóm làng, trường lớp của mình một cách tự nhiên nhất. Và rồi, tôi lớn lên, dần dần đã mất đi thói quen ấy, cũng làm thất lạc nhiều trang viết tuổi thơ" - chị kể thêm - "Tôi có một đặc điểm, đó là, bây giờ tôi có thể quên những sự kiện vừa diễn ra, nhưng ký ức dường như nguyên vẹn. Tôi nhớ từng loài cây dại ven đồi. Nhớ hương thơm ngai ngái của những cọng cỏ mẹ từng bế tôi lên dỗ dành khi tôi khóc rồi chạm cọng cỏ đó lên má tôi, lên môi tôi. Tôi viết với sự xúc động và lòng biết ơn sâu sắc, chân thành cho tuổi thơ mình".
Kết nối thế hệ bằng những yêu thương
Nếu chỉ kể về tuổi thơ một cách đơn thuần, có lẽ Dưới khung trời ngát xanh của Lữ Mai sẽ chỉ dừng lại ở những kỷ niệm được liệt kê đơn điệu, dễ khiến cảm xúc của người đọc trôi tuột khi khép lại trang viết. Thế nhưng, ở tập truyện này, Lữ Mai đã mang đến một hình dung khá cụ thể về một thế hệ trẻ em chỉ cách đây vài chục năm đã sống và chơi như thế nào. Ở đó, những tính cách điển hình nhất của trẻ nhỏ nông thôn được hiển hiện sáng rõ qua những câu chuyện, tình huống và nhiều tình tiết.
Một vài câu chuyện đủ những cung bậc cảm xúc - cảm động có, ly kỳ cũng có - trong Dưới khung trời ngát xanh. Đặt từng đứa trẻ vào những câu chuyện như thế, Lữ Mai khá thành công khi lột tả được tính cách của từng nhân vật trẻ em trong truyện. Đó là My nhút nhát, nhẹ nhàng nhưng giàu lòng yêu thương; là Linh "cận" nhiều mưu, thông minh và bình tĩnh trong mọi tình huống. Đó còn là Quang "nghều" mạnh mẽ, dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng bảo vệ bạn bè mọi lúc mọi nơi; là Hương "công chúa" chu đáo, thơm thảo và luôn tỏ ra hiểu chuyện.
Trong khi đó, ở phía những nhân vật người lớn trong Dưới khung trời ngát xanh khi ứng xử với những đứa trẻ cũng đều hết sức ấm áp, ân cần. Mỗi người lớn đều mang đến cho những đứa trẻ những bài học đích đáng, để chúng thấu hiểu cuộc sống xung quanh mình, rồi dần trưởng thành mỗi ngày với tấm lòng yêu thương và vững vàng hơn trong cuộc sống.
Như ông Bảy giúp lũ trẻ hiểu hơn chuyện làng với lời động viên "cố học hành, sau này đâu đâu rồi cũng biết". Rồi, chú Nam với món quà là những chùm chôm chôm ngon ngọt và bài học về sự trưởng thành, chinh phục những vùng đất mới với ước muốn của riêng mình. Còn có ông Cả Cam với những câu chuyện cảm động về tấm lòng tri ân với những anh hùng liệt sĩ…
Một cách không lộ liễu, trong Dưới khung trời ngát xanh Lữ Mai đã có được một sợi dây kết nối ngầm ẩn giữa những nhân vật người lớn và trẻ em. Sự kết nối thế hệ này là cần thiết để làm bật lên những yêu thương, những trắc ẩn vốn cần được vun bồi ở trẻ từ những ngày thơ bé.
Hoặc nói cách khác, có lẽ chỉ khi được sống trong một bầu không khí đầy những yêu thương của gia đình, xóm làng, con trẻ mới có được những phẩm chất tốt đẹp một cách tự nhiên, thay vì có được từ những dạy dỗ gượng ép, giáo điều.
Và, với chính tác giả Lữ Mai khi viết Dưới khung trời ngát xanh cũng quan niệm rằng: "Người lớn nào cũng từng là trẻ con và tôi mong người lớn có thể làm bạn với trẻ con một cách vui vẻ, chân thành. Tất nhiên, điều đó dễ mà không dễ. Dễ nếu ta đủ kiên nhẫn, nhân ái, bao dung. Khó nếu ta xét nét, viện cớ hoặc muốn khước từ".
"Tập bản thảo này đong đầy ký ức tuổi thơ của tôi. Hầu hết đó là những câu chuyện có thật, tôi đã trải nghiệm với mọi cung bậc cảm xúc" - Lữ Mai.
Luôn muốn tri ân người lính
Một dấu ấn khác của Dưới khung trời ngát xanh phải nhắc tới đó là những nhân vật người lính, những câu chuyện về người lính từ chiến tranh trở về. Đó là ông Bảy thương binh không vợ con, sống ở lều canh đê với cả một kho chuyện làng, chuyện xóm và luôn yêu chiều lũ trẻ. Đó là cô Ninh, thanh niên xung phong, sống một mình trên đồi thông như một cuốn từ điển sống về núi rừng, chưa bao giờ mắng mỏ nặng lời nhưng luôn có uy với lũ trẻ.
Đó còn là cô Thoa vẫn thường ngồi một mình cạnh những khóm hoa hồng tú cầu rực đỏ nơi vườn Thiêng để nhớ về chú bộ đội người Hà Nội đã hy sinh trong trận bom B52 của Mỹ. Hoặc, chú Nam với bố My, bố Hương, bố Quang đều là những người bộ đội bên Campuchia xuất ngũ trở về làng.
Nếu theo dõi sự nghiệp sáng tác của Lữ Mai, cũng dễ hiểu khi những người lính luôn hiện diện trong mỗi sáng tác của chị. Chị từng gây dấu ấn với những tác phẩm về đề tài người lính, nổi bật có thể kể đến tập trường ca Chư Tan Kra mây trắng, tập trường ca Ngang qua bình minh…
Riêng với Dưới khung trời ngát xanh, Lữ Mai cho biết: "Bố tôi là một người lính trở về từ chiến trường Campuchia. Cả cuộc đời bố tôi sau đó là một người nông dân dãi dầu mưa nắng. Bố tôi rất ít nói, hiếm khi kể chuyện. Nhưng khi bố kể chuyện thì đều xoay quanh ký ức của người lính. Nào đã từng xung phong lên đường nhập ngũ thế nào, ở nước bạn chiến đấu ra sao"…
"Bố tôi luôn có những người đồng đội. Người thì ốm liệt giường. Người buôn bán ngược xuôi nuôi nấng tuổi thơ chúng tôi bằng lương thực mùa giáp hạt, củi đốt vào mùa Đông. Người không thể lập gia đình, không thể làm cha làm mẹ bởi vết thương chiến trận… Trong nhiều tác phẩm của mình, tôi luôn tri ân người lính".
Đọc Dưới khung trời ngát xanh, câu chuyện về những người lính gây ấn tượng mạnh hơn cả có lẽ là cuộc phiêu lưu của đám trẻ tìm kiếm Ao Sao Ao Dành trên núi Ông Voi.
Tác giả Lữ Mai đã dành đến 3 chương (từ chương 10 đến 12) trên tổng số 14 chương truyện để kể về cuộc phiêu lưu này. Kết thúc cuộc phiêu lưu, có những chi tiết đặc biệt gây xúc động. Đó là khi những đứa trẻ được người lớn kể sự thật về Ao Sao Ao Dành là ngôi mộ tập thể của những anh hùng liệt sĩ bị bom dội thời chống Mỹ.
Lại một lần nữa, Lữ Mai mang đến một sự kết nối có sức nặng giữa các thế hệ trên nền những câu chuyện tuổi thơ tưởng như nhẹ bẫng. Ở đây, không chỉ còn là sự kết nối của trẻ em và người lớn mà xa hơn, sâu hơn là sự kết nối giữa thế hệ tương lai với lịch sử, với quá khứ thiêng liêng của thế hệ cha anh đã hy sinh vì những tên đất, tên làng.
Về điều này, tác giả Lữ Mai bộc bạch: "Chúng ta tiến đến tương lai nhưng không bao giờ lãng quên quá khứ. Nhận thức và tri ân là điều cần thiết và phải hoàn toàn tự thân, tự nguyện. Khắp tổ quốc ta, có nơi đâu mà không có hy sinh, có người nằm lại để chúng ta được sống trong hòa bình độc lập? Khi ta nghĩ về quá khứ, dù quá khứ đó đã rất xa, ta không nếm trải, thì chính chúng ta sẽ nhận được những giá trị vô cùng sâu sắc mà không dễ đo đếm, cắt nghĩa. Nó giúp cho mỗi bước đi, mỗi nghĩ suy của ta trở nên ý nghĩa hơn".
Đến khi khép lại Dưới khung trời ngát xanh, những tâm tư, tình cảm đặc biệt mà Lữ Mai dành cho những người lính vẫn còn trĩu nặng trên từng con chữ. Đó là chi tiết những đứa trẻ ngồi gần những ngôi mộ chưa được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Ở nơi đó, có những lùm cây xanh um, lá tròn đầy như trái tim và chi chít những chùm hoa trắng như hoa bưởi mà trẻ xóm Đồi gọi đó là hoa Đón Thu.
"Đó là loài hoa không tên được trẻ quê tôi đặt là hoa Đón Thu. Trường tiểu học của chúng tôi nằm trên một gò đất lớn, nổi lên giữa cánh đồng. Người xưa ví như đóa hoa sen còn trong chiến tranh đó là chiến hào, là nơi những người lính đã hy sinh cao cả" - Lữ Mai kể - "Mỗi mùa Thu khai trường, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một loài hoa trắng đang tỏa hương và rụng kín mặt đất. Bao giờ, trong lễ khai giảng, thầy và trò cũng dành phút mặc niệm cho người nằm xuống rồi tiến hành nghi thức dâng hoa. Thuở nhỏ, tôi hay bần thần nhìn những cánh hoa rụng cong lên như hình dấu hỏi và nghĩ về sự hiện hữu của ký ức, của bao con người...".
Vài nét về Lữ Mai
Lữ Mai sinh năm 1988 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp Khóa 10, Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội. Hiện sống tại Hà Nội, làm việc tại báo Nhân dân. Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội (năm 2015), Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2017).
Đã xuất bản khoảng 15 tác phẩm, trong đó có Hà Nội không vội được đâu (2014), Thời cách ngăn trống rỗng (2019), Ngang qua bình minh (2020), Chư Tan Kra mây trắng (2021)...
Đã đoạt nhiều giải thưởng văn học trung ương và địa phương.