Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2024 - Truyện dài 'Tự truyện một con heo' của Lý Lan: Sự thôi thúc tìm về thiên nhiên
Không phải là truyện đồng thoại ngộ nghĩnh, ngọt ngào như Bí mật giữa thằn lằn đen và tôi, cũng không trong veo lấp lánh như những truyện trong Ngôi nhà trong cỏ, truyện dài Tự truyện một con heo mới đây của nhà văn Lý Lan tìm kiếm một lớp độc giả thiếu nhi trưởng thành hơn 2 tập truyện trước của bà.
Trong tập truyện mới, bà cho độc giả lật giở những trang truyện, dấn thân vào câu chuyện đời heo, tự khám phá ra ý nghĩa dành riêng cho mỗi người: Các triết lý về cuộc sống vừa hóm hỉnh, vừa sâu sắc, vốn bị thủ pháp diệu kỳ của ngôn ngữ che lấp. Một điều mà, chỉ với ngòi bút già dặn như nhà văn Lý Lan, có lẽ mới đủ khéo léo đến vậy.
Bắt đầu bằng lối kể bình tĩnh
"Tôi được sanh ra ở đâu, vào lúc nào là một chuyện khó nói. Nhưng tôi có thể nói mình đến với xóm nhà trọ này như thế nào. Tại con Nô Nô". Bắt đầu bằng lối kể bình tĩnh, nhẩn nha, đúng kiểu "tự truyện", mà là tự truyện của một con heo, khiến người đọc hết sức tò mò.
Rớt ra từ cái nách rậm lông của một tay bợm nhậu, bị chó Nô Nô cắn cổ lôi đi, thả vào vườn nhà bà "Trời đất ơi", heo bắt đầu lờ mờ cảm nhận về hoàn cảnh của nó, trong xóm trọ bình dân, ở rìa thành phố này. Một con heo còn non nớt, với kinh nghiệm sống ít ỏi, sẽ sống làm sao cho tròn "phận heo" trong xóm trọ toàn người là người. Nó sẽ trở thành thú cưng, hoặc thành vật nuôi để người ta xẻ thịt. Nó sẽ sống trung thành cho tới già như chó Nô Nô, nhận "Ông già kia" và bà "Trời đất ơi" làm minh chủ, hoặc sẽ cống hiến cuộc đời mình cho sứ mệnh "nuôi nhân loại?".
Mỗi ngày qua, giữa cuộc sống chung với con người, những câu hỏi, những điều mà heo thắc mắc trong đầu bắt đầu vỡ ra. Khu vườn của bà "Trời đất ơi" giúp nó an toàn nhưng cũng khiến nó mất tự do và mất đi bản năng tự nhiên của giống loài. Cuộc gặp với Dê Già trong bãi đất hoang ven xóm trọ, cùng kinh nghiệm sống của Dê Già về một cuộc đời tự do tự tại, khiến nó thấy rõ hơn chọn lựa về với rừng của mình.
Nhưng, tình cảm giữa heo nhỏ và cô gái bé nhỏ tên Thanh ở xóm trọ, người đã vòng tay ôm ấp nó, gọi nó là "heo của em" ngọt như miếng bánh cô bé đút nó ăn, khiến nó thấy quyến luyến, liệu có làm nó muốn ở lại đây mãi mãi với con người?
"Viết sao cho người đọc trưởng thành hơn khi đọc tác phẩm" - nhà văn Lý Lan.
Đến suy tư về cuộc đời
Đọc Tự truyện một con heo, càng về cuối càng hấp dẫn, bởi càng về cuối, heo dần lớn hơn về thể xác và đặc biệt biến chuyển nhiều hơn trong suy tư về cuộc đời.
Những cuộc liều lĩnh lang thang giữa phố xá ban ngày ban mặt, rồi bị rượt bắt, phải trốn chạy, cả sự liều mạng cho tình yêu, khi dám xông vào cứu 2 chị em Thanh, Thúy khi 2 em bị kẻ xấu bắt nạt, những thắc mắc mới đầu còn non nớt về cuộc đời được Dê Già đêm đêm diễn giải ở bãi đất hoang, càng làm cho heo muốn dấn thân vào cuộc phiêu lưu của chính cuộc đời mình.
"Trong tôi luôn âm ỉ bản năng thú rừng. Thế giới con người không phải là thế giới của tôi. Tôi thường cảm nhận được một thôi thúc sâu thẳm trong đêm, khi bóng tối trùm lên các thứ nhân tạo. Sự thôi thúc tìm về thiên nhiên" - heo nghĩ.
Lúc viết xong tác phẩm này, nhà văn Lý Lan bộc bạch: "Viết sao cho người đọc trưởng thành hơn khi đọc tác phẩm". Người đọc nhận ra sự trưởng thành của heo càng về cuối truyện, thì cũng đồng thời nhận ra mình trưởng thành hơn, trước những bài học cuộc sống "đắt giá" mà tác giả đã đan cài vào, đại thể như là sự dũng cảm chọn lựa cuộc sống của chính mình, sống mà không phải bắt chước theo ai. Nhận ra mình muốn gì, điều này tuyệt đẹp như "ánh nắng ban mai xé đám mây ở chân trời", lúc đó cũng là lúc "đầu tôi cũng lờ mờ nhận ra: Cuộc đời tôi chỉ mới bắt đầu. Bây giờ là lúc tôi thực sự sống cuộc đời của tôi".
Từ một heo con non nớt dần trở nên bản lĩnh, heo chọn cuộc đời phiêu lưu phía trước, khao khát về rừng, về nơi cội nguồn của giống loài mình. Chính ở đó, nó mới có thể tìm thấy tự do.
Viết để nguôi ngoai nỗi buồn
Cũng trong truyện dài này, Lý Lan đưa người đọc đến xóm trọ rìa thành phố bằng vài nét phác họa, nơi tạp nham nhưng cũng đầy nghĩa tình. Ở đó, nhà văn ghi lại "lời ăn tiếng nói" Nam bộ, kiểu đối thoại "ông nói gà, bà nói vịt", cách dùng phương ngữ vùng miền, cách nói lai giọng của những người lao động bình dân... hóm hỉnh đến bật cười.
Tác phẩm như là một cuộc chơi với chữ cho người đọc, qua đó, người đọc được "lận lưng" kha khá vốn từ ngộ nghĩnh và phong phú đến bất ngờ. Với các tác giả trẻ, hẳn sẽ thấy cách làm chủ ngòi bút đầy lão luyện của nhà văn qua cách dẫn, kể chuyện của mình.
Truyện dài Tự truyện một con heo cùng bối cảnh với Bí mật giữa thằn lằn đen và tôi mà Lý Lan viết cách đây 30 năm. Ở truyện mới này, độc giả từng đọc "thằn lằn đen" trước kia, hẳn sẽ cũng nhận diện ra môi trường sống ở cùng một nơi sau 30 năm đã đổi khác: trở nên ô nhiễm hơn, mong manh và dễ tổn thương hơn. Đó có lẽ là tổn thương mà con người ở đô thị phát triển sẽ gặp phải, khi đánh mất thiên nhiên của chính nơi mình sống.
Trước khi truyện dài này ra mắt độc giả thiếu nhi, Lý Lan đã gây bất ngờ với tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương, viết trên nền lịch sử của vùng đất Nam kỳ, vắt từ thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.
Dù sống cả đời trong nghề viết và dịch thuật, nhưng bà chẳng muốn đề cao nó. Như cách bà tự khắc họa trên Facebook của mình: "Đến sáu bảy chục tuổi, ít nhiều cũng đã trải qua những thời khắc cặm cụi làm một việc, mà đối với người đời là ngu ngốc, vô ích. Như khắc lên mạn thuyền, như viết. Cặm cụi viết, chẳng qua để cho nguôi ngoai những buồn đau không thể nguôi ngoai".
Dù bà nói vậy, nhưng nhiều người đọc vẫn sẽ chờ đợi những kết quả của quá trình cặm cụi ấy, vì nó được viết/dịch với tấm lòng nhiệt huyết, sự lôi cuốn.