Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2024: Nhà văn May, người 'vun đắp tâm hồn' cho trẻ em
Nhà văn May (bút danh khác Tịnh Tâm, tên thật là Nguyễn Hồng Phượng), vốn đã được độc giả biết tới bởi những sáng tác về đề tài tình yêu và phụ nữ. Trong vài năm trở lại đây, cô đã dành toàn bộ thời gian sáng tác cho trẻ em. Chỉ riêng năm 2023 vừa qua, cô đã có 10 đầu sách thiếu nhi được xuất bản.
Nhân dịp 7 đầu sách thiếu nhi trong bộ "Vun đắp tâm hồn" (NXB Kim Đồng) của nhà văn May lọt vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024, Thể thao và Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với cô.
Luôn theo đuổi những ý tưởng mới mẻ
* Xin chào nhà văn May, việc có đến 7 tác phẩm của mình lọt vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 đã đem đến cho May những cảm xúc gì?
- Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn là một giải thưởng rất uy tín và danh giá, minh chứng bằng những tác giả - tác phẩm đã được vinh danh qua các mùa. Bởi vậy khi biết các tác phẩm của mình được đề cử và lọt vào Top 10 chung khảo của mùa giải năm nay, mình thực sự quá ngỡ ngàng và hạnh phúc. Phản ứng đầu tiên khi mình biết tin chính là ngồi ngay vào bàn làm việc, mở bản thảo dang dở ra, và cảm thấy phải viết chăm chỉ hơn, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với niềm vui ấy.
* Năm 2023 vừa qua có vẻ như là một năm "bùng nổ" của May thì phải. Có đến 10 đầu sách đã được ra mắt, chưa kể có thể có những "cuốn sách" hãy còn là dạng bản thảo hay những "cuốn sách" còn đang ở trong đầu nữa. Kho ý tưởng dồi dào của May nằm ở đâu vậy?
- Nếu những người viết cứ khăng khăng rằng tác phẩm viết cho thiếu nhi phải luôn luôn tạo ra những tấm gương "người tốt việc tốt", luôn luôn phải dạy dỗ, uốn nắn một cách quy củ, ắt sẽ dẫn đến sự nghèo nàn ý tưởng. Khi gạt bỏ đi những quy tắc và đòi hỏi của người lớn, mình thấy được rằng, ánh mắt của trẻ luôn có thể vượt qua mọi ranh giới, tâm hồn của trẻ luôn lấp lánh những điều kỳ diệu, nghĩ suy của trẻ luôn có những sáng tạo lạ lùng nhất.
Bước vào thế giới trẻ thơ một cách khiêm nhường, đừng nghĩ cách dạy dỗ trẻ mà hãy để trẻ dẫn đường - với mình, đó chính là cách nuôi dưỡng ý tưởng tuyệt vời nhất.
* Liên tục những cuốn sách như "Con sẽ nhận ra mẹ dù ở bất cứ nơi đâu", "Con sẽ nhận ra bố dù ở bất cứ nơi đâu", rồi "Bánh mì gối xinh"…, và đặc biệt là "Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới", đều bộc lộ những ý tưởng mới mẻ, đem đến những cảm xúc thú vị cho người đọc. May có thể chia sẻ thêm về những cuốn sách này?
- Dẫn dắt mình đi trong thế giới trẻ thơ diệu kỳ ấy chính là hai em bé nhà mình. Mình cảm thấy vô cùng may mắn khi được là một người mẹ viết sách cho thiếu nhi. Sự nhạy cảm của một người viết và một người mẹ cùng cộng hưởng để mình liên tục tìm thấy những ý tưởng thú vị khi đồng hành cùng con.
Ví dụ như hai cuốn sách Con sẽ nhận ra mẹ dù ở bất cứ nơi đâu, Con sẽ nhận ra bố dù ở bất cứ nơi đâu được viết ra nhờ em bé thứ hai của mình, khi bé luôn luôn sắp xếp các bạn thú bông trong nhà thành những cặp mẹ - con, bố - con để các bạn không cô đơn.
Cuốn Bánh mì gối xinh với ý tưởng về một lát bánh mì ước mơ trở thành gối êm cũng được hình thành từ tên thân mật của bé - Bánh Mì.
Mình cũng luôn thử nghĩ khác đi mỗi khi gặp các chủ đề quen thuộc. Trong cuốn Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới, mình không muốn chỉ xây dựng hình ảnh một chiều về ông già Noel luôn luôn cho đi, mình muốn có một câu chuyện mà trong đó Ông già Noel cũng được nhận quà Giáng sinh, cũng nhận lại tình yêu thương và sự quan tâm trìu mến như ông đã luôn trao tặng.
* Vậy với nhà văn May, ý tưởng chiếm bao nhiêu phần trăm trong sự thành công của một tác phẩm?
- Mình nghĩ rằng ý tưởng và bút pháp của tác giả luôn luôn cân bằng nhau trong công thức tạo ra một tác phẩm hay. Một ý tưởng hay được khai triển một cách lúng túng, cẩu thả thì chỉ phí hoài. Ngược lại, một ý tưởng nhạt nhòa dù tô vẽ bằng ngôn từ lấp lánh đến cỡ nào cũng vẫn vô hồn, thiếu chiều sâu. Một tác phẩm hay phải đồng thời vừa "tốt gỗ" vừa tốt "nước sơn".
"Những lúc bối rối với bản thảo, mình sẽ dành thêm nhiều thời gian để gần gũi con, lắng nghe con. Bởi với mình, viết cho trẻ em nói chung cũng chính là đang viết cho con mình" - nhà văn May.
Thích những tác phẩm của mình thấm đẫm chất thơ
* Không khó để nhận ra một đặc điểm nổi bật trong các sáng tác của May đó là chất thơ đậm đặc trong mỗi tác phẩm. Điều đó thể hiện ở việc sử dụng ngôn từ, hình ảnh, thậm chí có nhiều tác phẩm khi đọc lên còn giống như một bài thơ xinh xắn. May đã cố tình như vậy để tạo phong cách riêng thu hút độc giả?
- Thực ra mình không thể cố tình tạo ra chất thơ nếu như tâm hồn, con người mình không sẵn có điều đó đâu. Chất thơ vốn đã có trong những sáng tác trước đây mình viết cho người lớn, về tình yêu hay phụ nữ. Và khi viết cho trẻ, chất thơ ấy càng trở nên sống động hơn, đậm đặc hơn, bởi sự diệu kỳ, trong trẻo của thế giới trẻ con càng khiến mình được bay bổng hơn gấp bội.
Bên cạnh đó, mình cho rằng văn chương giàu chất thơ sẽ dễ dàng khơi gợi những cảm xúc đẹp đẽ trong tâm hồn con người và lắng đọng dài lâu ngay cả khi ta gấp trang sách lại. Do đó, mình mong trẻ em cũng sẽ được tiếp cận với những từ ngữ, hình ảnh đẹp đẽ nhất, tinh tế nhất, mong chúng sẽ đọc chậm lại khi nhịp điệu ngôn từ vang lên, và ngâm nga nghĩ suy về những gì đã đọc. Trong suốt quá trình đó, văn chương sẽ thấm đẫm để vun đắp, nuôi dưỡng những điều đẹp đẽ trong tâm hồn trẻ.
* Nhưng liệu có khi nào May cảm thấy lo lắng về sự đón nhận của độc giả, nhất là khi không phải phụ huynh nào bây giờ cũng mặn mà với thơ, họ có thể sẽ e dè khi cầm lên một cuốn sách rất "thơ" như của May?
- Để một tác phẩm chạm đến trái tim người đọc, thì nó phải xuất phát từ trái tim của người viết đầu tiên. Nếu cứ băn khoăn về thị hiếu độc giả thì rất dễ "đẽo cày giữa đường".
Với mình, việc sáng tác trước hết là để bộc lộ cảm xúc của bản thân khi lặn ngụp trong thế giới tuổi thơ. Khi tâm hồn mình muốn nói, trái tim mình muốn bộc lộ thì mình không lo lắng được nhiều như vậy, mà chỉ đơn giản là cứ viết ra thôi.
* Nói như thế nghĩa là quá trình sáng tác cứ diễn ra với May một cách tự nhiên, kiểu như chính nhà văn đã bị cảm xúc cuốn đi vậy?
- Đúng là mình vẫn đang say mê trong thế giới văn chương của trẻ chưa dứt ra được một phút nào. Đôi khi, mình cũng muốn tạm dừng một chút để viết nốt cuốn tiểu thuyết dang dở, nhưng những ý tưởng về trẻ cứ ùa đến không ngừng, khiến mình đã viết một mạch mười mấy cuốn sách tranh trong suốt hai năm qua.
Người dẫn đường cho trẻ em đến với xứ sở của cái đẹp
* Được biết, May đã bắt đầu với đề tài về phụ nữ và tình yêu khi bước chân vào nghề viết, chứ không phải đề tài về trẻ em. Sự chuyển hướng này là do đâu và có ý nghĩa gì với May?
- Mình bắt đầu viết cho trẻ em khi đã có một chặng đường làm mẹ đủ lâu để trải qua nhiều cảm xúc. Khi chậm rãi đồng hành cùng các con và nhận ra bao nhiêu điều thú vị trong thế giới của trẻ, mình thực sự mong muốn được viết ra những điều đẹp đẽ đó, mong sự trong sáng sẽ ở lại tâm hồn các con lâu hơn, mong có thể góp phần gắn kết bền bỉ hơn sợi dây giữa cha mẹ và trẻ trong mỗi gia đình.
* Viết cho thiếu nhi vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì các em hãy còn nhỏ tuổi, trình độ phân tích để cảm thụ tác phẩm hay/dở có thể chưa bằng người lớn, tuy nhiên đó cũng chính là điểm khó đối với người viết, bởi vì phải làm sao cho các em cảm thấy bị hấp dẫn kiểu "yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên". May có nghĩ thế không?
- Đúng thế. Với những kinh nghiệm viết sách và cả chọn sách cho con, mình thấy rằng trẻ em luôn bị hấp dẫn bởi những điều bất ngờ, hài hước hay lạ lùng. Đừng quá nghiêm túc khi viết cho trẻ, hãy tinh quái một chút, mộng mơ một chút, ngây thơ một chút. Một lát bánh mì biết nói dám nhảy ra khỏi cửa sổ để thực hiện ước mơ, một chú lùn kén ăn nhầm tưởng mặt trăng là chiếc bánh, một chú chuột yêu khâu vá đã từng may váy cho Lọ Lem… những chi tiết ấy sẽ thôi thúc trẻ lật tiếp trang sách.
Bên cạnh đó, hình thức thể hiện cũng là điều cần chú trọng. Trẻ em thường thích những câu văn ngắn gọn, có nhịp điệu êm ái, những câu thơ vần dễ nhớ, dễ đọc…
* Thuyết phục các em nhỏ đã khó như thế rồi, nhưng thuyết phục được cha mẹ các em lại cũng không hề dễ dàng. May có khi nào thấy bối rối trước một trang bản thảo đang còn dang dở của mình?
- Có một số cuốn sách của mình được nhà xuất bản và giới chuyên môn đánh giá rất tốt, nhưng khi ra thị trường thì vẫn bán chậm như thường. Nói thế để hiểu rằng chuyện thuyết phục độc giả nhỏ và cha mẹ các em không hề dễ dàng. Có nhiều lần mình xóa đi bản thảo đã gần hoàn thành để viết lại từ đầu, thậm chí bỏ đi một ý tưởng đang triển khai để tìm một ý tưởng mới. Có những trang sách chỉ vẻn vẹn một câu thôi, nhưng mình mất nhiều ngày loay hoay chọn lọc từng chữ.
Cũng có khi mình tự đặt ra vô vàn giả thiết về phản ứng của trẻ khi đọc câu chuyện mình đang viết, để tìm ra cách tiếp cận tốt nhất.
* Và "giải pháp" của May là gì?
- Giải pháp của mình thường là chậm lại, cảm nhận nhiều hơn. Những lúc bối rối với bản thảo, mình sẽ dành thêm nhiều thời gian để gần gũi con, lắng nghe con. Bởi với mình, viết cho trẻ em nói chung cũng chính là đang viết cho con mình. Cứ chậm rãi cảm nhận trẻ, thì đến một lúc nào đó mình sẽ tìm thấy hướng đi.
* Người ta nói "Nhà văn chân chính là những người dẫn đường cho độc giả đến với xứ sở của cái đẹp", với trẻ em, điều này càng quan trọng, bởi ở những bước đi đầu đời, các em rất cần có những người dẫn đường đúng đắn, tận tâm và thấu hiểu. May có suy nghĩ như thế nào về sứ mệnh "người dẫn đường" ấy của mình?
- Mình đã luôn tâm niệm sâu sắc về sứ mệnh ấy, bằng cách đề cao sự cẩn trọng, tinh tế trong những sáng tác dành cho trẻ. Không thể vì tâm hồn trẻ em còn giản đơn mà phải đọc những tác phẩm hời hợt, thiếu chiều sâu. Nhưng cũng không thể ép các em đọc những tác phẩm quá sâu xa và khó hiểu.
Mình luôn mong muốn tạo ra những tác phẩm có vẻ đẹp sâu sắc ẩn trong cách biểu đạt giản dị, gần gũi với trẻ. Những tác phẩm như thế có thể theo các em rất lâu qua nhiều độ tuổi.
7 cuốn sách của mình lọt vào Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn năm nay đều nằm trong tủ sách "Vun đắp tâm hồn" do NXB Kim Đồng phát hành. Với mình, chính việc vun đắp tâm hồn, chứ không phải bất kỳ điều gì khác, mới là điều quan trọng và đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể làm để dành cho trẻ. Khi tâm hồn trẻ được vun đắp vững vàng, sáng tươi và đẹp đẽ, trẻ sẽ đủ sự mạnh mẽ và ung dung để trưởng thành đúng cách.
Qua những tác phẩm tâm huyết của mình, mỗi nhà văn không chỉ đơn thuần là người viết, mà còn là người dẫn đường, người vun đắp tâm hồn cho trẻ em. Vì thế họ rất cần sự khích lệ, ủng hộ từ xã hội. Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn chính là sự công nhận, khích lệ quý giá mà mình nghĩ rằng bất cứ người viết nào cũng tự hào khi nhận được.
* Xin trân trọng cảm ơn và chúc nhà văn May sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công mới trên con đường sáng tác!