Hollywood - 'hãng quảng bá du lịch' hàng đầu thế giới?
(Thethaovanhoa.vn) - 5% lượng du khách trên thế giới được gợi cảm hứng từ các bộ phim, chừng đó cũng đủ nhiều để Hollywood là “sân khấu” hấp dẫn để các quốc gia quảng bá hình ảnh, thu hút sự chú ý từ khán giả ở các phòng vé khắp 5 châu.
- Chính thức quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh Youtube
- Quảng bá du lịch Hà Nội đến các thị trường khách tiềm năng
- Quảng bá du lịch hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội
Những ngọn núi oai nghiêm. Những thung lũng căng tràn nhựa sống. Những thác nước đồ sộ. Cùng với đó, là cuộc hành trình của Frodo, Gandalf và “Những người bạn của nhẫn” trongThe Lord Of The Rings (Chúa Nhẫn), phong cách thiên nhiên New Zealand là một trong những “ngôi sao” tỏa sáng nhất từ phần loạt phim kinh điển.
Khán giả xuýt xoa và choáng ngợp. Ngành du lịch cũng vậy. Đến thăm những thắng cảnh đẹp là một thú vui, đến thăm “thắng cảnh từng xuất hiện trong loạt phim tỷ USD đoạt giải Oscar” lại là một thú vui cao cấp hơn.
Từ khi ngành du lịch New Zealand kiếm bộn nhờ việc quảng bá hình ảnh qua Chúa Nhẫn, các nhà tiếp thị đã ráo riết khai thác cái gọi là “ngành du lịch điện ảnh” - quảng bá du lịch dựa trên những địa điểm nổi tiếng trong phim ảnh. Không chỉ là chiến lược tư nhân, các chiến dịch quảng bá này thường được hỗ trợ nhiệt tình bởi chính phủ ở mọi quốc gia. Bên cạnh mỗi phim bom tấn là một (hoặc rất nhiều) chiến dịch quảng bá tiềm năng.
Phải kể đến Life Of Pi (Cuộc đời của Pi). Bộ phim thành công năm 2012 của đạo diễn Lý An đã gợi cảm hứng cho chiến dịch quảng bá “Miền đất của Pi” của Bộ Du lịch Ấn Độ. “Chúng tôi sẽ quảng bá dựa các địa điểm mà bộ phim đã lấy làm bối cảnh” - một quan chức du lịch của Ấn Độ nói với CNN Travel. “Chúng tôi hy vọng tour này sẽ được mở vào giữa tháng 3”.
Tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới gần đây cũng nhảy vào vòng cạnh tranh, khi công bố danh sách “Những khách sạn mang tính biểu tượng” từng xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh nổi tiếng. Nhiều khách sạn trong danh sách từng chứng kiến doanh thu tăng trưởng cao khi các bộ phim ra rạp.
“Khách sạn Le Bristol Paris mở ra gói thuê phòng “Midnight in Paris” (theo tên bộ phim Paris lúc nửa đêm của đạo diễn Woody Allen)” - Claudia Kozma, giám đốc tiếp thị của Tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới nói với CNN Travel. “Từ khi bộ phim ra mắt, khách sạn đã nhận được rất nhiều yêu cầu đặt phòng Panoramic Suite có tầm nhìn toàn cảnh (xuất hiện trong bộ phim). Du khách cũng đua nhau chụp ảnh ở mặt tiền và hàng lang để khoe rằng đã đến đây”.
Khu nghỉ dưỡng The Dodler ở Thụy Sĩ cũng được lợi tương tư khi được chọn làm bối cảnh bộ phim The Girl With The Dragon Tattoo (Cô gái có hình xăm rồng). “Dù chúng tôi không có thống kê cụ thể nhưng lượng khách đến khách sạn nhất định đã tăng sau khi phim ra mắt” - quản lý điều hành Matthias Kasweber cho biết.
“Chúa Nhẫn” - vụ hợp tác mỹ mãn giữa chính quyền và hãng phim
“Anh sẽ đến Venice vì người đàn ông này chứ? Chúng ta có cần hỏi không?” là lời thoại của nhân vật 007 do Daniel Craig thủ vai trong Casino Royale. Theo truyền thống, các hãng quảng bá du lịch thường chỉ nhận ra tác dụng quảng bá của một bộ phim sau khi nó đã thành công ở phòng vé.
Nhưng theo các chuyên gia, tồn tại một quy trình ngược: hãng du lịch và cả các nhà làm chính sách của một quốc gia có thể chủ động yêu cầu hãng sản xuất phim cải biến nội dung để có lợi cho du lịch của quốc gia nọ. Ví dụ điển hình ư? Chính là New Zealand và Chúa Nhẫn - bài học quảng bá qua điện ảnh nằm lòng cho mọi hãng du lịch trên thế giới.
Một thực tế được nhiều người biết đến là chính quyền liên bang New Zealand đã chi 150 triệu USD tài trợ cho quá trình sản xuất loạt phim 3 phần này. Tổng kinh phí Chúa Nhẫn là 281 triệu USD (thắng lớn với tổng doanh thu 2,9 tỷ USD) nên đóng góp của chính phủ New Zealand góp một phần lớn vào thành công của phim.
Điều cần lưu ý khi khi bắt tay vào sản xuất, không ai đoán trước được rằng Chúa Nhẫn sẽ là loạt phim tỷ USD lừng danh toàn cầu. Đạo diễn Peter Jackson chịu khá nhiều áp lực khi kinh phí sản xuất quá cao và phim được quay trọn vẹn 3 phần trước khi ra rạp. Nghĩa là “được ăn cả, ngã về không”. Sự mạo hiểm và xông xáo của chính phủ New Zealand đã mang về quả ngọt khi phim ra mắt, trở thành chiến dịch quảng bá du lịch rầm rộ chưa từng có trong lịch sử quốc gia này.
Mặc dù vậy, còn rất ít cuộc hợp tác đồng lòng từ trứng nước như vậy giữa các quốc gia muốn quảng bá du lịch và các hãng sản xuất phim Hollywood.
“Về mặt hoạch định chính sách, còn thiếu sự thống nhất giữa hầu hết giữa bên làm du lịch và bên làm phim. Họ cần làm việc thân cận hơn và cân nhắc các cách để đôi bên cùng có lợi” - Sue Beeton, giảng viên hợp tác về du lịch tại Đại học La Trobe (Australia) và là tác giả cuốn Film Induced Tourism (Điện ảnh khơi nguồn cảm hứng cho du lịch), nói với CNN.
“Nghiên cứu từ New Zealand, Italy và Thụy Điển cho thấy 5% du khách đến các quốc gia này vì một bộ phim hoặc series truyền hình nào đó” - Beeton nói. “Người ta có thể thay đổi thường xuyên kế hoạch du lịch nếu họ biết thêm một địa điểm từng xuất hiện trong phim ảnh”.
“Chạng vạng” - phim kinh dị cũng lôi kéo được du khách
Theo Stefan Roesch, một chuyên gia về du lịch điện ảnh ở Đức, các nhà tiếp thị cần chấp nhận sự khác biệt giữa “du lịch dựa trên địa điểm trong phim” và “du lịch điện ảnh”. Khái niệm đầu tiên tập trung vào những địa điểm là bối cảnh thực sự mà các bộ phim đã được quay. Còn khái niệm thứ hai tập trung vào các địa điểm gợi cảm hứng cho câu chuyện trong phim.
Hai thứ này nghe khá giống nhau, nhưng ở từng trường hợp lại có sự khác biệt. Lấy ví dụ loạt phim Twilight (Chạng vạng), người hâm mộ phân vân giữa việc nên đi Tuscany, nơi phim trường được đặt, hay Volterra, địa danh mà chuyện phim nhắc đến.
Độ nổi tiếng của Chạng vạng mang đến một bài học khác cho các nhà quảng bá du lịch: những bộ phim tăm tối kinh dị cũng có tác động tích cực đến cảm xúc của khán giả về một địa điểm.
“Khi các nhà tiếp thị nghe nói một phim kinh dị được quay ở địa điểm mà họ quảng bá, họ tưởng đó là điều tiêu cực. Họ nói rằng không muốn địa điểm của họ liên quan gì đến bộ phim đó” - Roesch nói. “Nhưng ngược lại, tôi nghĩ một cốt truyện tiêu cực cũng có tác dụng quảng bá y như một cốt truyện tích cực vậy”.
Đó là câu chuyện của thành phố Bruges ở Bỉ, nơi được chọn làm bối cảnh của In Bruges, bộ phim được giới phê bình khen ngợi vào năm 2008. Phim kể về một tên sát nhân bỏ trốn từ Anh sang Bruges. “Lượng du khách tăng lên sau bộ phim đó nên thành phố quyết định tự quảng bá, treo khắp nơi bản đồ chỉ dẫn và tổ chức tour đi thăm các địa điểm trong phim”.
“Hình ảnh tội ác không thể gây hại cho du lịch. Có một loạt tour du lịch thành công dựa theo phim truyền hình Sopranos” - Beeton nói lấy ví dụ.
Người châu Á - những du khách háo hức nhất
Lost In Thailand (Lạc lối ở Thái Lan), bộ phim ăn khách nhất mọi thời ở Trung Quốc, đồng thời tạo ra làn sóng du lịch mạnh mẽ. Trên toàn thế giới, du khách châu Á là những người háo hức nhất về khoản tìm đến các địa điểm trong phim ảnh.
Phim hài Lost In Thailand có hơn 30 triệu lượt người xem. Hiệu ứng đi kèm là vào tháng 12/2012, người Trung Quốc ồ ạt kéo đến Thái Lan khiến ngành du lịch của Thái bùng nổ. Năm 2013, ngành du lịch Thái Lan tăng trưởng 10% nhờ bộ phim này.
Những phim nào khiến người ta muốn đến Việt Nam? Trang Charlie On Travel chọn ra 4 bộ phim có thể là “đại sứ du lịch” của Việt Nam: Người Mỹ trầm lặng (The QuietAmerican): bối cảnh Hà Nội, Sài Gòn, Ninh Bình và Hội An. Áo giáp sắt (Full Metal Jacket): bối cảnh Huế Đông Dương (Indochine): bối cảnh Hạ Long Người tình (The Lover): bối cảnh Sài Gòn |
Nha Đam (theo CNN)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần