Hội thảo 170 năm sinh Đào Tấn: 'Gian nan là nợ anh hùng phải vay'
(Thethaovanhoa.vn) - Làm quan gần 30 năm trong triều Nguyễn tới chức Thượng thư Bộ Công, rồi Bộ Binh, Bộ Hình, song danh nhân văn hóa Đào Tấn được người đời sau nhớ đến nhiều nhất như “hậu tổ” của nghệ thuật tuồng hát bội.
Hôm qua, 20/8, tại TP.HCM, UBND tỉnh Bình Định, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức hội thảo Kỷ niệm 170 năm sinh danh nhân văn hóa Đào Tấn.
Đem tuồng diễn trên đường làng
Ngoài Nhà hát tuồng ở Quy Nhơn mang tên ông, Đào Tấn còn được đặt tên đường ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Định, Nha Trang... 20 năm trước, nhạc sĩ Trần Hoàn (Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin) nhận xét, Đào Tấn là “Danh nhân văn hóa dân tộc kiệt xuất”.
Đào Tấn (1845 - 1907) để lại cho đời hơn 1.000 bài thơ - từ, khoảng 40 vở tuồng kinh điển. Ông cũng được công nhận là nhà lý luận phê bình sân khấu đầu tiên ở nước ta với tập Hý trường tùy bút. Trong số khoảng 40 vở tuồng của mình, có vở thể hiện sức lao động nghệ thuật của ông sánh ngang với những nhà văn viết trường thiên tiểu thuyết nổi tiếng của thế giới.
Hai vở tuồng Vạn bửu trinh tường và Quần trân hiến thụy của ông dài 100 hồi, diễn đến 100 đêm mới hết. Văn chương trong các vở tuồng của Đào Tấn được vua Tự Đức, một ông vua giỏi văn thơ, cũng phải ca ngợi là: “bút pháp như thần”. Hay như đồng nghiệp Nguyễn Hiển Dĩnh - được đặt tên cho một nhà hát tuồng tại Đà Nẵng - cũng tôn Đào Tấn là “thánh trong thánh” khó ai sánh kịp.
Nghệ thuật tuồng xuất phát từ dân gian đã được Đào Tấn “hàn lâm hóa” đưa vào cung đình, rồi từ cung đình ông đưa tuồng “trở lại” dân gian. Đào Tấn mạnh dạn thể nghiệm khi cho diễn tuồng trên bè chuối thả trên dòng kênh diễn tả cảnh thủy chiến.
Hay ông cho diễn tuồng trên đường làng ở làng Vinh Thạnh (huyện Tuy Phước, Bình Định) quê ông để người dân tiếp cận tuồng một cách dễ dàng về hát và múa của diễn viên.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Đào Tấn còn phá bỏ nhiều cấm kỵ trong tuổng cổ khi đưa sinh hoạt đời thường vào tuồng. “Chẳng hạn trong vở Hộ sanh đàn, Đào Tấn đưa cảnh sinh con lên sân khấu vốn rất cấm kỵ trong tuồng cổ thời phong kiến.
Cũng trong vở tuồng này, Đào Tấn đưa diễn viên là người dân tộc thiểu số, cô gái tên Hồ Nô hát điệu Lý thượng - một điệu hát chưa từng xuất hiện trong tuồng trước đó”, ông Thọ nhận xét.
Phá bỏ đạo “trung quân mù quáng”
Đào Tấn ra làm quan thời Tự Đức khi thực dân phương Tây tiến chiếm nước ta. Trong hoàn cảnh lịch sử như thế, tuồng của Đào Tấn cũng có những dịch chuyển, không tuân theo lối mòn của tuồng cổ bị chi phối bởi Nho giáo.
Nhà lý luận phê bình sân khấu, PGS Tất Thắng cho rằng: “Đào Tấn đã nổ phát súng vào đề tài quân quốc và bắn chết tươi đạo trung quân mù quáng bằng vở Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan”.
Có thể nói, nghệ thuật tuồng phản ánh nhân sinh quan của Đào Tấn. Trong 10 năm làm Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), ông đã che chở, cứu giúp nhiều nghĩa sĩ Cần Vương; ủng hộ khởi nghĩa của Phan Đình Phùng; tạo điều kiện cho Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương hoạt động; có quan hệ mật thiết và giúp đỡ gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đường quan lộ của ông cũng có nhiều thăng trầm phải từ quan về quê, như thơ ông bộc bạch: “Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.
Quyền cao chức trọng và được các vua Tự Đức, Thành Thái đánh giá cao về tài trí nhưng Đào Tấn một mực vẫn là ông quan thanh liêm. Năm 1902 thời Thành Thái, một võ quan người Pháp tên Gosselin, ghi nhận: sau 30 năm làm quan, Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần.
Gosselin viết: “Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng nhưng Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần. Bấy nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhân vượt lên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhân”.
Chính vì sống liêm chính, khi ông mất được nhân dân đưa vào thờ trong đình làng Vinh Thạnh quê ông. Hàng năm đến giỗ Đào Tấn, nhân dân làng Vinh Thạnh tổ chức từ 2-3 đêm cúng đình và hát bội để tưởng nhớ.
Đề nghị UNESCO tôn vinh danh nhân Đào Tấn Nhân 170 năm sinh Danh nhân văn hóa Đào Tấn (1845 – 2015), UBND tỉnh Bình Định khởi công xây dựng Đền thờ Đào Tấn tại làng Vinh Thạnh trên khu đất rộng gần 5.000 m2. |
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa