Hội chợ kết nối giao thương và xúc tiến thương mại ứng dụng thương mại điện tử
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh là nhu cầu sớm muộn mà mọi doanh nghiệp cần phải triển khai, nó cũng là chủ trương của Đảng và nhà nước ta trong nhiều năm trở lại đây khi đề ra mục tiêu chuyển đổi số toàn quốc gia.
Theo nhận định của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), từ năm 2016 thương mại điện tử Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Giai đoạn này có thể kéo dài từ năm 2016 tới năm 2025. Trước hiện trạng của nền kinh tế chịu nhiều tác động nặng nề vừa qua, ước tính chung năm 2020 thương mại điện tử nước ta vẫn tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD.
Quan trọng hơn, với sự thay đổi nhanh của người tiêu dùng trên toàn cầu và đặc biệt ở Việt Nam trong thói quen mua sắm trực tuyến, có thể nhận định thương mại điện tử Việt Nam nói riêng cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường trực tuyến tiếp tục tiến bước vững chắc và duy trì được sự phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp có hàng hóa sản phẩm chất lượng nhưng vẫn chưa biết ứng dụng công nghệ thông tin cũng như thương mại điện tử. Đây chính là điểm yếu của đại đa số doanh nghiệp Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã giao Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức "Hội chợ kết nối giao thương và xúc tiến thương mại ứng dụng thương mại điện tử (ECOMMERCE EXPO 2022)".
Các hoạt động Triển lãm trực tuyến kết hợp với mô hình Hội chợ triển lãm truyền thống (hình thức offline) tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ thêm cơ hội tiếp cận nhiều giải pháp mới để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
ECOMMERCE EXPO 2022 nhằm mục tiêu: Xây dựng một nền tảng trực tuyến để quảng bá thông tin sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp sản xuất trong cả nước; Tổ chức Hội trợ trực tiếp và Diễn đàn trao đổi về Các giải pháp xúc tiến thương mại và ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp; Tạo cơ hội giao lưu hợp tác song phương hoặc đa phương giữa doanh nghiệp cung cấp các giải pháp xúc tiến thương mại điện tử và các doanh nghiệp sản xuất.
Hơn 80 gian hàng offline, 100 gian hàng online cùng hàng trăm sản phẩm (gồm sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng) của gần 100 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã sản xuất trên cả nước... đã được trưng bày ở Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ của Hội chợ, BTC cũng tổ chức một diễn đàn trao đổi chuyên sâu về hoạt động chuyển đổi số cho doanh nghiệp với khoảng 150-200 khách tham dự Diễn đàn. Thông qua hội chợ, các doanh nghiệp phần nào quảng bá rộng rãi sản phẩm sản xuất tại Đà Nẵng và các tỉnh thành như Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Trà Vinh, Quảng Trị, Khánh Hòa, Hà Nội, Nghệ An...
Bên cạnh đó, chương trình đã mang đến trải nghiệm văn hoá đặc sắc của Tây Nguyên với "Đêm Tu Mơ Rông - Kon Tum Đại Ngàn" rất ấn tượng. Đây được xem là sự giao thoa văn hoá Tây Nguyên và đồng bằng vô cùng giá trị và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mặc khác, chương trình là giải pháp xúc tiến thương mại ứng dụng Chuyển đổi số trong doanh nghiệp giải quyết bài toán kinh doanh.