Học đối phó với sự cố
(Thethaovanhoa.vn) - Đã gần một tuần trôi qua, kể từ khi đám cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông được dập tắt. Vậy nhưng, còn một “đám cháy” khác vẫn“âm ỉ” trong tâm trí nhiều người. Đó là câu hỏi đầy lo lắng: nguy cơ ô nhiễm môi trường ở khu vực này ra sao, khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người đến mức độ nào?
Đến thời điểm bài báo này lên khuôn, câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Và dù câu trả lời ấy ra sao, sự thấp thỏm trong những ngày qua cũng để lại bài học cho mỗi người về việc phải sẵn sàng ứng phó với các sự cố không mong muốn.
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc, nhằm đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố hỏa hoạn trên cơ sở số liệu thực tế và các căn cứ khoa học để có giải pháp đồng bộ xử lý các tàn tích sau khi hỏa hoạn, đưa ra các cảnh báo kịp thời, chuẩn xác cho người dân.
Thông tin với báo chí, đại diện cơ quan nàykhuyến cáo: để đảm bảo an toàn sức khỏe, người dân sống trong phạm vi bán kính 1,5km quanh khu vực cháy cần thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế.
Theo đó, người dân sống gần nhà kho này cần tẩy rửa tường, sàn nhà và đồ gia dụng, không sử dụng nước từ các bể chứa hở. Tạm thời không sử dụng các sản phẩm nông sản và gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh, cho đến khi các cơ quan chức năng công bố giới hạn về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố trên. Khi có việc cần thiết đi qua khu vực quanh hiện trường, khuyến nghị người dân nên mặc áo dài tay, đeo khẩu trang có than hoạt tính...
Có thể thấy rằng, dù chưa có kết luận cuối cùng về nguy cơ ô nhiễm, cũng như giải pháp triệt để nhằm xử lý, nhưng các khuyến cáo thì đã có rồi. Cho nên, những gì có thể làm được để đề phòng cho bản thân và cộng đồng thì hãy thực hiện thật nghiêm.
Chẳng hạn, trông thông báo của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trườngvẫn khuyến cáo người dân tạm thời không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc tại khu vực này. Vì vậy hộ gia đình nào có cây trồng, vật nuôi trong phạm vi được nêu trong khuyến cáo thì cần có ý thức tự giác không đem ra sử dụng, không mua bán hay phát tán ra ngoài. Cho dù số lượng có ít đến đâu, dù chỉ là vài luống rau, vài con gà đang được tăng gia, vài cây ăn quả trước sân hay mảnh vườn trên sân thượng… thì cũng phải “tạm thời không sử dụng” cho đến khi có thông báo mới.
Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người, chứ rất khó có cơ chế nào để kiểm soát. Luôn cần nhớ rằng, trong lúc khó khăn, khi nguy cơ hiểm họa treo trên đầu cộng đồng, thì từng việc nhỏ, mình cũng phải góp sức để phòng tránh.
***
Thẳng thắn, trong xã hội ngày nay, những sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là về môi trường và dịch bệnh. Việc xây dựng ý thức kỷ luật và tinh thần tập thể khi đối phó với những sự cố là điều hết sức cần thiết.
Cùng với việc tuân thủ khuyến cáo, khi xảy ra sự cố tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trên diện rộng, mỗi người cần phải hết sức bình tĩnh theo dõi cập nhật thông tin, giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt hàng ngày tại nơi xảy ra hỏa hoạn, tránh hoang mang, lo sợ không cần thiết, hoặc tự nghĩ ra những biện pháp phòng tránh thái quá, hoặc lan truyền những đồn đại vô căn cứ…
Thông báo mới nhất cho thấy, căn cứ các kết quả nghiên cứu của mình, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã ra thông báo rằng, hiện không có nguy cơ ô nhiễm thủy ngân trong các cơ sở của Nhà trường. Các cán bộ và sinh viên có thể yên tâm làm việc và học tập và Trường cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và cập nhật thông tin mới (nếu có).
Đây cũng là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy nhiều đơn vị cũng đã vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề.
Một tuần mới đã đến sau sự cố. Tự giác tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo của các cơ quan có thẩm quyền, tích cực cập nhật các thông báo mới, theo dõi chặt chẽ và chuẩn bị sức khỏe thật tốt cho bản thân và cả gia đình, sẵn sàng đối phó với các tình huống mới mà các cơ quan chức năng thông báo… Đó là những kỹ năng sống cần thiết cho mỗi người trong cuộc sống hiện đại.
Quốc Thắng