Hoài niệm Tết xưa trên báo Xuân cũ
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Tết dưới thời Pháp thuộc có nội dung đa dạng, sinh động về văn chương, thơ ca, hình họa, giải trí, quảng cáo… gắn liền với chủ đề mùa Xuân, ngày Tết.
Báo Tết xưa được đầu tư công phu với đầy đủ các thể loại thơ, văn, truyện cười, tranh biếm họa… Trên bìa tạp chí Indochine số Xuân năm 1943 dùng bức vẽ 2 thiếu nữ mặc áo dài mua hoa đào, số Xuân năm 1944 dùng bức vẽ 2 nhân vật Lý Toét và Xã Xệ, đều của họa sĩ Mạnh Quỳnh.
Trong khi đó, trên bìa Tạp chí Le Vietnam en marche số Xuân thường dùng ảnh chụp ngày Tết. Số Xuân năm 1959 dùng ảnh chụp giỏ hoa thủy tiên, số Xuân năm 1960 dùng ảnh chụp thiếu nữ Hà thành mua hoa đón Tết làm ảnh trang bìa.
Hình họa trên báo Tết xưa cũng được vẽ đa dạng từ chợ Tết, đốt pháo, hái lộc, du Xuân đến biếm họa 2 nhân vật Lý Toét - Xã Xệ.
Một trong những tư liệu quan trọng về ngày Tết của người Việt phải kể đến bài viết Tết Nguyên đán của người Việt Nam, được viết bằng tiếng Pháp đăng trên tạp chí Indochine, 1942. Đây là bài viết của cố GS Nguyễn Văn Huyên giới thiệu lớp lang về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Đọc bài viết này dễ tìm thấy được những phong tục ngày Tết của cha ông ta từ xưa. Trong bài có đoạn về lễ đón Giao thừa, viết rằng: “Quá nửa đêm, người ta kê một cái bàn ở giữa sân cúng Thượng đế cùng Táo quân sắp từ trời trở về sau khi dâng tờ tâu trình hàng năm. Người ta đặt trước các mũ thần bằng giấy nhiều màu những đĩa kẹo, những chén trà, rượu, hương, nến v.v... Ở nhiều nhà, người ta bày lên bàn thờ một con gà trống mà chân gà sẽ nói cho chủ nhân biết, nhờ sự giải thích của các thầy cúng và thầy bói, điều ông ta phải chờ đợi trong năm đang bắt đầu”.
Ngoài những phong tục, trên các mặt báo Tết xưa còn có những bài viết phản ánh những thói xấu, lệ ăn Tết phung phí, vui Xuân quá đà. Điển hình là bài viết Mùa Xuân trên đất Việt đăng trên báo Đất Việt Xuân Giáp Ngọ, 1954. Trong bài có đoạn viết: “Xuân về cũng chỉ vâng theo trật tự tuần hoàn thời tiết. Tuy nhiên trên giải đất Việt, đã tự bao lâu, chúng ta đón Xuân một cách quá tưng bừng. Cuộc đón tiếp này được tượng trưng bằng những chi tiết khác ngày thường thu gồm trong đôi câu đối cổ: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh”. Người ta sửa soạn đón Xuân từ 2, 3 tháng trước ngày Xuân đến. Rồi có lắm khi người ta kéo dài cuộc vui Xuân trọn mùa: “Tháng Giêng ăn tết ở nhà/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Người ta tự cho cái quyền được ăn chơi phung phí nhân dịp đầu năm. Không cần phải kể lại những việc đua ăn, đua chơi của dân đồng quê cũng như dân thành thị…”.
Thế mới thấy, sự phản ứng với tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, ăn Tết lãng phí, vui Xuân quá đà của một bộ phận người Việt, không chỉ được nhắc tới trong mấy năm gần đây mà đã xuất hiện ngay từ thế kỷ trước.
Công Bắc