Nghệ sĩ Việt nhớ cái Tết xưa
Nhớ nhất những cái Tết hồi gia đình còn ở Hà Nội, thời bà nội Lan Phương còn sống. Còn nhớ thời ấy, dù đã áp Tết, trời rất rét nhưng bà vẫn ra đồng. Rồi tối 30, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng...
Nghệ sỹ Minh Vượng: Một cái Tết khác thường
Nghệ sĩ Minh Vượng |
Vẫn giữ thói quen cũ, chiều 30 Tết, Vượng thích đi chợ hoa tàn. Chẳng phải để mua hoa cho rẻ, Vượng thích ngắm cảnh ấy. Không còn sự đông vui ồn ã, sắc hoa rực rỡ của ngày xuân. Chỉ còn lại những cánh hoa rơi, một cái chợ tan hoang, người bán mê mải nhặt nhạnh, dọn dẹp để về nhà sau những ngày cuối năm, cố công kiếm thêm một chút cho năm mới thêm đầy đủ.
Vượng thích ngắm tâm trạng của họ. Nếu họ kiếm được, khuôn mặt họ hân hoan, mình vui vì chắc chắn bữa ăn chiều cuối năm của những đứa trẻ nhà họ sẽ rôm rả lắm. Nếu họ thua lỗ, ánh mắt đìu hiu, mình cũng buồn lây. Lạ thật, thói quen ấy, mình giữ nhiều năm rồi, và năm nào cũng chờ đợi đến buổi chiều cuối năm, để lang thang lên Nghi Tàm, Quảng An hoặc Hàng Lược.
Diễn viên Lan Phương: Nhớ lắm những Tết có bà!
Nhớ nhất những cái Tết hồi gia đình còn ở Hà Nội, thời bà nội Phương còn sống. Còn nhớ thời ấy, dù đã áp Tết, trời rất rét nhưng bà vẫn ra đồng. Rồi tối 30, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng. Bà cháu vừa đun bánh vừa nhai ngô rau ráu. Hồi ấy, mình còn thán phục bà lắm, sao bà già thế mà nhai ngô giỏi ghê. Giờ, bà đã mất, gia đình chuyển vào Nam, mỗi lần Tết đến lại nhớ lắm cái Tết Hà Nội có bà.
Diễn viên Lan Phương
Cứ đến Tết là Phương lại đi diễn, bố mẹ lủi thủi một mình, buồn lắm! Có năm bố mẹ lên thăm và cùng Phương đi diễn đêm giao thừa. Nếu năm nào không phải đi diễn, Phương thích nhất khoảnh khắc được cùng cả nhà thắp hương, mở chai rượu mừng để chúc sức khỏe bố mẹ rồi cả nhà đi dạo, xem bắn pháo hoa và hái lộc đầu năm. Cả nhà ra về trong niềm vui mừng xuân mới.
Diễn viên Chi Bảo |
Với anh chàng diễn viên hào hoa này, Tết là dịp để được đi đây đi đó. Xa rời những ngày làm việc căng thẳng, những cuộc gặp gỡ, Chi Bảo tìm cho mình một góc bình yên. Trước Tết, anh về thăm mẹ ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn |
Mẹ anh là người đàn bà gói bánh chưng đẹp nhất Việt Nam. Vì sao ư? Vì với anh, mẹ anh làm gì cũng nhất. Anh chàng nhạc sỹ hồn nhiên vẫn thích một cái Tết truyền thống, với sự đoàn tụ của cả gia đình quanh nồi bánh chưng xanh, ngọn lửa đỏ rực và những chén rượu ấm nồng đôi môi trong cái rét đậm đà của mùa xuân.
Lúc ấy, là dịp để cả nhà nói về nhau mọi điều mà ngày thường, mỗi người đều bận rộn với gia đình riêng của mình chưa nói được. Lê Minh Sơn vẫn đắm say với hình ảnh những bà cụ có hàm răng nhuộm đen nhánh, với cái thắt lưng buộc bụng lần giở túi tiền trong cạp quần nâu. Làm gì còn ư? Ra khỏi Hà Nội chục cây số, vẫn còn đấy thôi, những hình ảnh cũ...
Ca sỹ Ngọc Khuê: “Chú lợn vàng” là niềm vui bất tận
Cả hai bên nội ngoại vừa đón Tết, vừa lo và hồi hộp vì trong khoảng thời gian đó, Khuê có thể sinh bất kỳ lúc nào. Đêm 30 vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì, cả ngày mùng một và mùng hai vẫn đi chúc Tết rất hoành tráng. Và rồi tối mùng 2 vào lúc 19h30’, “chú lợn vàng” của Khuê đã chào đời. Gia đình có thêm một thành viên mới. Khuê đã được làm mẹ, xúc động và hạnh phúc không gì tả nổi. Cả nhà gọi “chú lợn vàng” là Tony, chú được cưng chiều nhất nhà và ngay ngày hôm sau mùng 3 Tết, chú đã biết cầm lì xì.
Ca sĩ Ngọc Khuê |
Tết năm ngoái, Tony được 1 tuổi. Tony đã biết đi, nói, gọi được vài từ và có thể “chuyện trò” cùng mẹ. Đêm 30, bố Tony phải đi trực ở cơ quan, nhà chỉ có 2 mẹ con, giao thừa năm đó lần đầu tiên Tony được xem bắn pháo hoa bên cửa sổ với mẹ. Tony thích lắm, cứ mỗi lần pháo hoa vụt lên bầu trời, Tony đều ê a và ngả đầu vào mẹ như hát. Khi được mọi người lì xì, Tony đã biết bỏ vào lợn tiết kiệm chứ không cho ai cầm hộ hết.